Tổng LĐLĐ Việt Nam: Gần 500 nghìn công nhân mất việc làm do làn sóng dịch Covid-19
(LĐXH) - Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát đang tiếp tục tác động mạnh mẽ tới công nhân lao động với trên 9.450 ca nhiễm là công nhân, viên chức lao động tại địa bàn 35 tỉnh, thành phố, chiếm tỷ lệ hơn 31% tổng số ca lây nhiễm cộng đồng. Đã có khoảng 6 vạn F1, 16 vạn F2 là công nhân, viên chức, lao động trong các doanh nghiệp, khu công nghiệp; gần 500 nghìn công nhân lao động phải nghỉ việc, giãn việc, nghỉ luân phiên, mất việc làm…. là những con số được Tổng LĐLĐ Việt Nam công bố tại Hội nghị trực tuyến Sơ kết 6 tháng đầu năm 2021 ngành Lao động, người có công và Xã hội vừa diễn ra tại Hà Nội sáng ngày 14/7/2021.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết: Nghị quyết số 68 và Quyết định số 23 về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 là một trong những chính sách hết sức quan trọng, kịp thời, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đối với người lao động và người sử dụng lao động trong quyết tâm kiểm soát dịch bệnh, ổn định tình hình kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng hành cùng Chính phủ trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống đại dịch Covid-19, thời gian qua, các cấp công đoàn đã tích cực phối hợp cùng các cơ quan chức năng tập trung tuyên truyền, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, duy trì, khôi phục sản xuất kinh doanh và chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Ngay từ khi dịch bùng phát, đứng trước diễn biến vô cùng phức tạp, chưa từng có tại nước ta, hàng vạn cán bộ công đoàn các cấp đã thể hiện rất rõ tinh thần trách nhiệm, vì người lao động, không quản ngại khó khăn, nguy cơ đối với sức khỏe, ngày đêm bám trụ cơ sở, luôn theo sát công nhân lao động ở các tâm dịch để kịp thời hỗ trợ, chăm lo cho người lao động. Tổ chức công đoàn đã chủ động, tích cực động viên, chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid -19, nhất là công nhân lao động gặp khó khăn, lao động yếu thế như lao động nữ, thai sản, nuôi con nhỏ mất việc làm, giảm việc làm, nghỉ việc luân phiên, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, ở trong khu vực cách ly, phong tỏa, như: Sử dụng tài chính công đoàn tích lũy để hỗ trợ đoàn viên, người lao động; hỗ trợ kịp thời hàng vạn phần quà, đồ dùng, nhu yếu phẩm cho người lao động; hàng ngàn xuất ăn, các loại thực phẩm do cán bộ công đoàn tự tay chế biến với cả tấm lòng được gửi trao tới người lao động; mỗi cán bộ công đoàn chuyên trách đóng góp 3 ngày lương để ủng hộ cho công nhân bị ảnh hưởng Covid-19 có hoàn cảnh khó khăn; miễn đóng đoàn phí công đoàn đối với đoàn viên có mức lương thấp hơn mức lương cơ sở... Qua đó, trong 3 đợt bùng phát dịch, đã có trên 255 nghìn đoàn viên, người lao động được hỗ trợ với tổng số kinh phí là hơn 176 tỷ đồng. Ngoài ra, tổ chức công đoàn đã tích cực vận động từ các nguồn xã hội hóa để chăm lo cho đoàn viên, người lao động với số tiền hàng trăm tỷ đồng. Các cấp công đoàn đã linh hoạt, sáng tạo với nhiều mô hình giúp đỡ đoàn viên, người lao động hiệu quả, như Tổ an toàn Covid-19 tại cơ quan đơn vị, doanh nghiệp, Tổ cứu trợ khẩn cấp, Siêu thị 0 đồng... Đồng thời, Tổng Liên đoàn chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp bằng việc lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Đại biểu các Bộ, ngành tham dự hội nghị Sơ kết ngành Lao động - Thương binh và Xã hội
Để kịp thời chăm lo, hỗ trợ người lao động, Tổng Liên đoàn đã quyết định chi hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 trong đợt bùng phát lần thứ 4 với tổng số tiền trên 113 tỷ đồng, trong đó: hỗ trợ 193.248 đoàn viên, người lao động với số tiền 96,137 tỷ đồng, chi hỗ trợ các lực lượng tuyến đầu chống dịch 17,127 tỷ đồng. Cùng với đó, Tổng Liên đoàn đã phát động Chương trình “Vắc-xin cho công nhân” thông qua Quỹ Xã hội Từ thiện Tấm lòng vàng. Quỹ Tấm lòng vàng đã ủng hộ Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 Việt Nam (VFVC) với tổng số tiền 150 tỷ đồng; hàng chục triệu công nhân lao động đã tích cực hưởng ứng, tham gia nhắn tin ủng hộ hoạt động phòng, chống dịch Covid-19.
Đặc biệt, Tổng Liên đoàn đã có văn bản đề xuất với Thủ tướng Chính phủ và đã được chấp thuận là cho phép doanh nghiệp được hạch toán kinh phí mua vắc-xin phòng Covid-19 cho công nhân, lao động, hoặc kinh phí tài trợ cho Quỹ vắc-xin vào chi phí hợp lý, hợp lệ của doanh nghiệp để tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam đã ký chung văn bản kêu gọi các doanh nghiệp quan tâm dành kinh phí mua vắc-xin tiêm phòng Covid-19 cho công nhân lao động.
Ngoài ra, trước diễn biến dịch bệnh đang bùng phát mạnh tại các tỉnh phía Nam trong thời gian vừa qua, Tổng Liên đoàn đã kịp thời tới thăm hỏi, động viên, tặng quà, hỗ trợ cho người lao động, các doanh nghiệp gặp khó khăn, huy động cán bộ công đoàn các cấp tích cực bám sát cơ sở, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng, người sử dụng lao động vừa thực hiện phòng, chống dịch, vừa duy trì sản xuất, kinh doanh, hạn chế tối đa tác động của dịch bệnh.
Cũng tại Hội nghị, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam nhấn mạnh, với tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các cấp công đoàn với trách nhiệm của mình sẽ tiếp tục phối hợp tích cực, chặt chẽ với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ quan chức năng tuyên truyền, phổ biến đến đoàn viên, người lao động, người sử dụng lao động; phối hợp triển khai và giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 68 của Chính phủ và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm việc hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách như mục tiêu và nguyên tắc của Nghị quyết; chăm lo, hỗ trợ, bảo vệ đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Quyết tâm cùng Đảng, Nhà nước, Chính phủ thực hiện mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội”.
Thục Quyên
TIN LIÊN QUAN
TAG: