Thực trạng công tác tổ chức dự báo cung - cầu lao động ở Việt Nam hiện nay
(LĐXH)-Hoạt động dự báo cung – cầu lao động đã có từ rất lâu, gắn liền với việc xây dựng chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, chiến lược phát triển các ngành...
Cơ quan thực hiện Dự báo và nguồn nhân lực thực hiện Dự báo
Hoạt động dự báo cung – cầu lao động đã có từ rất lâu, gắn liền với việc xây dựng chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, chiến lược phát triển các ngành... Nhưng phải đến năm 2009, xác nhận được vai trò của công tác dự báo cung – cầu lao động, Chính phủ đã chỉ đạo thành lập các trung tâm dự báo về nhu cầu lao động, gồm: Trung tâm Quốc gia dự báo và thông tin thị trường lao động (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội); Trung tâm Dự báo nhu cầu đào tạo nhân lực (Bộ Giáo dục và Đào tạo). Tiếp theo đó, một số đơn vị có hoạt động dự báo thị trường lao động như Trung tâm Phân tích và Dự báo nhu cầu đào tạo nhân lực (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam); Trung tâm Dự báo quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), các Viện nghiên cứu thuộc các Bộ/ngành khác (Bộ Công Thương, Bộ Giáo dục Đào tạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội…).
Dự báo cung - cầu lao động là căn cứ cho việc hoạch định kế hoạch, chiến lược phát triển thị trường lao động
Tại địa phương, Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị đầu tiên và duy nhất tại thời điểm hiện nay thành lập Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực. Nghị định số 196/2013/NĐ-CP có giao nhiệm vụ phân tích, dự báo thị trường lao động cho Trung tâm dịch vụ việc làm. Tuy nhiên, tại các Trung tâm dịch vụ việc làm với số nhân sự ngày càng được thu hẹp, tài chính chuyển dần sang tự chủ nên việc bố trí nhân sự, tài chính cho phân tích, dự báo ở các Trung tâm rất hạn chế và không có sự thống nhất. Một số tỉnh nhận thức được tầm quan trọng của công tác dự báo, đặc điểm thị trường lao động của địa phương thì bố trí nhân sự, nhiều nhất như Hà Nội (10 người), nhưng cũng có những tỉnh không có nhân sự cho hoạt động này. Như vậy, việc dự báo đang được thực hiện bởi rất nhiều cơ quan/tổ chức khác nhau trải dài theo cấp độ quản lý lẫn loại hình tổ chức. Theo chức năng nhiệm vụ của các Bộ, ngành, địa phương, dự báo cung - cầu lao động được thực hiện theo mục tiêu, yêu cầu thuộc phạm vi quản lý nhà nước. Các đơn vị thực hiện dự báo gần như chưa có cơ chế hợp tác, chia sẻ thông tin lẫn nhau.
Mục đích, phạm vi và đối tượng phục vụ của dự báo cung - cầu lao động mà các đơn vị này hướng đến thông thường là các khách hàng (cơ quan quản lý, ngành sản xuất, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo, người lao động...) rất khác nhau. Do vậy, các tiêu chí đầu ra, phương pháp dự báo, hệ thống chỉ tiêu đầu vào, nguồn số liệu (thứ cấp và sơ cấp), tần suất dự báo, cách thức công bố kết quả dự báo cũng rất khác nhau. Sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức chưa tốt cũng góp phần dẫn đến thiếu tính hệ thống, liên kết, kế thừa và chính xác của thông tin dự báo cung - cầu lao động ở Việt Nam; thiếu đồng bộ hay thậm chí dẫn đến tình trạng “nhiễu/mâu thuẫn” thông tin.
Cơ chế phối hợp tổ chức thực hiện dự báo chưa gắn kết, thống nhất theo phân công chức năng nhiệm vụ (theo cấp quản lý và phạm vi phụ trách) giữa các tổ chức với tổ chức (giữa Bộ/ngành này với các Bộ/ngành hoặc địa phương), và giữa các cơ quan trong cùng một tổ chức, mà về cơ bản là theo tính chất cá nhân riêng lẻ (dựa trên uy tín khoa học, trình độ chuyên môn hoặc quan hệ cá nhân) thuộc các đơn vị có chức năng nhiệm vụ thực hiện dự báo. Ví dụ, tại Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hiện nay do 3 cơ quan đơn vị - bao gồm: Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Cục Việc làm và Viện Khoa học Dạy nghề - tiến hành theo cách thức gần như độc lập với nhau mà không có sự kế thừa và chia sẻ các thông tin và kết quả dự báo. Ở cấp độ quốc gia, việc dự báo nhân lực phục vụ cho các chiến lược quốc gia thuộc chương trình của Chính phủ được thực hiện bởi một nhóm bao gồm các chuyên gia (nhà khoa học và quản lý) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Viện Chiến lược phát triển, Trung tâm dự báo quốc gia), mà gần như không có sự phối hợp/tham gia của các Bộ/ngành hay những tỉnh/thành phố khác, ngoại trừ việc gửi xin ý kiến và xem xét kết quả dự báo nhân lực tại một số ngành kinh tế hoặc một số địa phương trọng điểm mũi nhọn.
Với những bất cập về đơn vị thực hiện dự báo như nói ở trên, thì nhân sự làm công tác dự báo cung – cầu được bố trí rất đa dạng, không có sự thống nhất. Nhân sự làm công tác dự báo nói chung, dự báo cung – cầu lao động nói riêng vừa rất thiếu (75,32% không có nhân lực chuyên trách dự báo) và rất yếu (12,99% nhân lực làm công tác dự báo có được đào tạo nghiệp vụ dự báo). Hầu hết (76,62%) các đơn vị, cơ quan đều không có bộ phận chuyên trách cho công tác dự báo. Ở những cơ quan đã ứng dụng phương pháp khoa học để thực hiện dự báo thì hoạt động dự báo chưa thường xuyên, chưa có tính hệ thống. Trong các đơn vị có bộ phận chuyên trách cho hoạt động dự báo thì đa phần nhân lực đều qua đào tạo, có trình độ từ đại học và trên đại học.
Đối với dự báo cung – cầu lao động thì hiện nay không có tổ chức, đơn vị (Trung tâm, Viện) có chức năng chuyên về phân tích, dự báo thông tin thị trường lao độngnên công tác đào tạo, nâng cao năng lực cho nhân lực chuyên làm dự báo cung – cầu lao động hạn chế. Các nhân lực ở các cơ quan, tổ chức làm công tác dự báo cung – cầu lao động yếu cả về kiến thức kinh tế vĩ mô, kiến thức ngành kinh tế, kiến thức thị trường lao động và thống kê lao động cũng như các kỹ năng phân tích thị trường lao động, kỹ năng vận dụng và sử dụng các phương pháp, mô hình dự báo cung- cầu lao động, kỹ năng phân tích các giả định (kịch bản) và xử lý số liệu... Thêm vào đó, đội ngũ nhân lực dự báo còn thiếu các kỹ năng mềm quan trọng như làm việc nhóm và thảo luận vấn đề, hợp tác và thuyết phục hợp tác, khai thác dữ liệu và phân tích dữ liệu.
Quản lý và sử dụng kết quả Dự báo cung – cầu lao động
- Về quản lý dự báo cung – cầu lao động
Mặc dù hiện nay đã có các kết quả dự báo tuy nhiên tính xác thực, độ chính xác như thế nào là không kiểm soát được. Kết quả dự báo có thông tin về cung lao động, về cầu lao động được triển khai bởi các cơ quan khác nhau, theo những mục tiêu, yêu cầu riêng và sử dụng các bộ dữ liệu rất khác nhau, phương pháp, mô hình dự báo cũng khác nhau do vậy kết quả dự báo cũng không thống nhất. Công tác quản lý kết quả dự báo cung – cầu lao động chưa được đặt ra, chưa có đầu mối để thực hiện do vậy hoạt động dự báo chưa theo một quy chuẩn nào, không có sự thống nhất trong quản lý.
- Về phổ biến, sử dụng kết quả dự báo
Với các sản phẩm dự báo cung – cầu lao động thời gian qua do được thực hiện từ nhiều nguồn dữ liệu khác nhau, mô hình, phương pháp dự báo cung cầu lao động và từ các cơ quan, đơn vị khác nhau. Do đó, các kết quả dự báo cung cầu lao động đưa ra nhiều kết quả khác nhau, có sự chênh lệch giữa các cơ quan thực hiện... dẫn đến các kết quả dự báo chưa mang lại tính kịp thời, tin cậy và là cơ sở cho các nhà hoạch định chính sách, người sử dụng lao động cũng như người lao động.
Các sản phẩm dự báo của các Bộ, ngành mới dự báo được cấp toàn quốc, với một số chỉ tiêu cơ bản, dựa trên những nguồn dữ liệu sẵn có, mô hình đi “vay mượn”. Kết quả dự báo không có cơ quan thực hiện kiểm định, quản lý thống nhất. Do vậy, mặc dù đã có sản phẩm dự báo nhưng tính đúng đắn chưa được quản lý, không kịp thời cung cấp thông tin cho mọi chủ thể tham gia thị trường lao động nên xảy ra một số bất cập, tiêu cực.
Các kết quả dự báo cung cầu lao động hiện nay thường dừng lại ở các sản phẩm dự báo (Báo cáo, ấn phẩm...) nhưng chưa có cơ quan, đơn vị đứng ra làm đầu mối trong việc kiểm soát, kiểm định tính tin cậy của các sản phẩm dự báo...để đưa ra những kết quả thống nhất để thông tin đến các đối tượng người dùng. Mà đa số các sản phẩm dự báo chỉ dừng lại ở việc chia sẻ và phổ biến nội bộ trong các cơ quan, đơn vị của Bộ, Ngành... riêng biệt, chưa có tính liên kết và chia sẻ rộng rãi cho nhiều nhóm đối tượng trong xã hội; các hình thức chia sẻ cũng chưa đa dạng. Do đó, hiệu quả mà các hoạt động dự báo cung cầu mang lại chưa đáp ứng được nhu cầu của các đối tượng sử dụng, nhu cầu thị trường, chưa tạo ra hiệu quả kết nối giữa các đối tượng của thị trường, chưa sử dụng tối đa hiệu quả nguồn nhân lực hiện có cũng như chưa đáp ứng nhu cầu của phát triển kinh tế - xã hội.
Dự báo cung cầu lao động có vai trò vô cùng quan trọng, là căn cứ cho việc hoạch định kế hoạch, chiến lược phát triển thị trường lao động. Mục đích chính của công tác này là cơ sở khoa học cho việc định hướng chiến lược phát triển việc làm, thị trường lao động…, đồng thời định hướng cho công tác đào tạo theo nhu cầu xã hội. Việc thiếu hụt kỹ năng giữa cung cầu lao động sẽ làm hạn chế các mục tiêu phát triển, lãng phí nguồn lực. Khi có thông tin dự báo về sự thiếu hụt hay dư thừa nguồn lực theo các tiêu chí, các nhà hoạch định chính sách về việc làm cũng như đào tạo sẽ có những biện pháp điều chỉnh kịp thời cơ cấu ngành nghề, kỹ năng đào tạo cho người lao động, từ đó sẽ làm hạn chế cao nhất việc mất cân đối giữa cung- cầu lao động, cũng như góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp./.
Ths.Vũ Thị Ánh Tuyết
TAG: