Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Thúc đẩy đưa tu nghiệp sinh Việt Nam sang làm việc tại tỉnh Aichi (Nhật Bản)
07:52 AM 31/12/2019
(LĐXH)- Ngày 30/12, tại Bộ Lao động –TBXH, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung có buổi làm việc với Tiến sĩ Nagato Natsume, Lãnh sự danh dự nước CHXHCN Việt Nam tại Aichi (Nhật Bản) để trao đổi một số vấn đề liên quan đến công tác đưa lao động đi làm việc theo hợp đồng có thời hạn ở nước ngoài tại Nhật Bản.
Dự buổi làm việc còn có đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Trà Vinh cùng lãnh đạo các đơn vị liên quan trực thuộc Bộ Lao động –TBXH…
Tại buổi làm việc, Tiến sĩ Nagato Natsume, Lãnh sự danh dự nước CHXHCN Việt Nam tại Aichi, cho biết: Aichi được biết đến là một trong những tỉnh được thực tập sinh lựa chọn nhiều nhất để đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản. Một nơi có nền kinh tế phát triển hàng đầu Nhật Bản tập trung rất nhiều ngành nghề cho thực tập sinh lựa chọn, như: điện tử, cơ khí, xây dựng, chế biến thủy sản… Tất cả những điều đó đã chiếm trọn cảm tình của những người Việt Nam sang học tập và làm việc tại Nhật Bản.
Quang cảnh buổi làm việc
Theo Tiến sĩ Nagato Natsume, lãnh đạo tỉnh Trà Vinh và Bến Tre đã cùng trao đổi về việc mong muốn phía tỉnh Aichi (Nhật Bản) tiếp nhận thực tập sinh kỹ năng của 2 tỉnh này sang làm việc. Để có thể hợp tác, các bên đối tác cần xây dựng cơ chế giảm áp lực về kinh tế cho các thực tập sinh kỹ năng, giúp các em không phải mất chi phí ra Hà Nội hoặc Thành phố Hồ Chí Minh, tránh tình trạng tăng chi phí. Trên cơ sở đó đề xuất xây dựng mô hình đào tạo cho các trường đại học, trung học ở hai tỉnh Trà Vinh và Bến Tre, cơ chế quản lý học sinh sinh viên để giáo dục pháp luật, văn hóa tập quán Nhật Bản trước khi các em đến các xí nghiệp có uy tín tại Nhật Bản.
Tiến sĩ Nagato Natsume cũng cho biết, hiện nay ở khu vực phía Nam đa số các công ty phái cử là những công ty tư nhân, họ chú trọng về lợi nhuận. Khi tiếp nhận thực tập sinh kỹ năng, họ gửi đi rải rác, không quản lý được. Do đó, phía tỉnh Aichi muốn xây dựng cơ chế tổ chức quản lý để các em ở các xí nghiệp lớn để lao động Việt Nam sang làm việc tốt hơn tại Nhật Bản...
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, phát triển nguồn nhân lực đang trở thành một trong những trụ cột quan trọng trong hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản
Phát biểu tại buổi tiếp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nhấn mạnh: Nhật Bản luôn là đối tác quan trọng hàng đầu về kinh tế, thương mại và đầu tư của Việt Nam và có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Trong bối cảnh đó, phát triển nguồn nhân lực đang trở thành một trong những trụ cột quan trọng trong hợp tác giữa hai nước. Con số hàng trăm, nghìn lượt người sang Nhật Bản học tập và làm việc là minh chứng sống động của mối quan hệ hợp tác hai bên cùng có lợi đang ngày càng phát triển giữa hai nước.
“Tháng 7/2019 vừa qua tại Tokyo (Nhật Bản), trước sự chứng kiến của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Bộ Lao động -TBXH và Bộ Tư pháp Nhật Bản đã trao nhau Bản ghi nhớ hợp tác (MOC) về khung pháp lý cơ bản để thực hiện đúng Chương trình “lao động kỹ năng đặc định” với mục đích tăng cường bảo hộ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phái cử, tiếp nhận lao động đặc định trên cơ sở tuân thủ quy định pháp luật của hai nước. Trong hội đàm gần đây nhất tại Thái Lan, Thủ tướng Chính phủ hai nước Việt Nam và Nhật Bản cũng đã đề cập rất nhiều về vấn đề lao động kỹ năng đặc định. Riêng năm 2019, Việt Nam đã phái cử trên 80 nghìn người sang lao động tại Nhật Bản” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trao đổi.
Tiến sĩ Nagato Natsume thông tin về lao động Việt Nam đang học tập và làm việc tại tỉnh Aichi
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin, tuần trước Bộ trưởng cũng đã có cuộc gặp gỡ và trao đổi một số vấn đề xung quanh việc hợp tác về lao động giữa Việt Nam và Nhật Bản với ngài Umeda Kunio, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam.
Hợp tác đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại Nhật Bản hiện có 3 loại hình là thực tập sinh, điều dưỡng viên, lao động đặc định. Với từng chương trình, mức thu phí của doanh nghiệp được thu từ người lao động đều được Chính phủ quy định rõ ràng và được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đặc biệt, để giảm mức phí cho người lao động, cơ quan phái cử cùng cơ quan tiếp nhận phải chia sẻ về lợi ích, điều đó sẽ giảm chi phí cho người lao động.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cho biết: Thời gian tới, Bộ Lao động – TBXH sẽ tập trung ưu tiên đến địa bàn Đông Nam Bộ, đồng bằng Sông Cửu Long. Bởi đó là thị trường rất bền vững, không có người lao động bỏ trốn khi làm việc ở nước ngoài. Đồng thời cũng sẽ mở ra một số thị trường mới cho vùng này như thị trường Đức, Rumani…
Về đề xuất của Lãnh sự danh dự nước CHXHCN Việt Nam tại Aichi, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đồng ý để hai tỉnh Bến Tre và Trà Vinh hợp tác với tỉnh Aichi về việc đưa lao động của hai tỉnh này sang làm việc tại Nhật Bản. Bộ trưởng đề nghị hai bên phải thực hiện đúng theo pháp luật đã quy định về việc đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài.

Trần Thắng

TAG:
Tin khác
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
Huyện Phú Vang: Triển khai hiệu quả công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Kiên Giang tập trung thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm và giáo dục nghề nghiệp
Huyện Định Hóa: Tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Thành phố Thái Nguyên: Nhiều cơ hội việc làm cho người lao động tại Ngày hội việc làm năm 2024
Cà Mau: Giải quyết việc làm cho hơn 42.000 lao động trong 9 tháng đầu năm 2024
Hội thao kỹ thuật cấp cứu mỏ: Duy trì tác phong cứu hộ chuyên nghiệp và kỷ luật