Thừa Thiên Huế: Huy động mọi nguồn lực hỗ trợ người dân gặp khó khăn do Covid-19
(LĐXH) - Sau hơn 02 tháng thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg cùng các chính sách riêng trên địa bàn, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhiều chính sách được triển khai kịp thời và quyết liệt như: giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật và người lao động là hướng dẫn viên du lịch; chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh; hỗ trợ tiền ăn cho F0, F1..., góp phần chăm lo đời sống khó khăn cho người dân trên địa bàn.
Tính đến ngày 21/10/2021, toàn tỉnh đã hoàn thành việc hỗ trợ cho 120.105 lượt người với với tổng kinh phí 51,15 tỷ đồng. Trong đó, nguồn Bảo hiểm xã hội, ngân hàng CSXH là 113.387 lượt người với kinh phí 38,127 tỷ đồng; hỗ trợ 1.460 lượt người từ ngân sách của Trung ương và của tỉnh; hỗ trợ 5.258 lượt người theo Nghị quyết 84 từ ngân sách tỉnh.
Thực hiện chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, Thừa Thiên Huế đã tiến hành giảm mức đóng cho 1.633 đơn vị và 113.076 lượt lao động với kinh phí 36.273 triệu đồng. Hỗ trợ 03 doanh nghiệp và 157 lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền: 832,23 triệu đồng. Hỗ trợ 13 DN với 124 lao động tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương với kinh phí 467,5 triệu đồng. Hỗ trợ 09 DN và 35 lao động ngừng việc với số tiền 56 triệu đồng; 09 lao động chấm dứt HĐLĐ nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp với số tiền 46,39 triệu đồng; 1.047 viên chức hoạt động nghệ thuật và người lao động là hướng dẫn viên du lịch với kinh phí gần 3,9 tỉ đồng
Về chính sách hỗ trợ đối với trẻ em và người đang điều trị COVID-19 (F0), cách ly y tế (F1), theo số liệu rà soát từ Sở Y tế, từ ngày 28/4/2021 đến 20/10/2021, toàn tỉnh có 914 (F0), 4637 (F1). Theo đó, tất cả các F0, F1 trên địa bàn tỉnh hiện nay đều được hỗ trợ miễn phí 100% chi phí điều trị F0, chi phí tiền ăn F0, F1 từ nguồn ngân sách của địa phương. Ngoài ra, tỉnh cũng trích 41 triệu để hỗ trợ thêm cho 41 trẻ em là F0, F1.
Đến nay, toàn tỉnh đã hỗ trợ cho 204 lượt hộ kinh doanh với số tiền 612 triệu đồng; tiến hành giải ngân trên 1 tỉ đồng để hỗ trợ 04 DN và 154 lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất. Riêng đối với chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm, hiện nay, các sở, ngành đang tích cực triển khai thực hiện tuy nhiên đến nay chưa phát sinh số liệu. Nguyên nhân là do nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh không đáp ứng đủ các điều kiện được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo quy định (cụ thể như điều kiện về có doanh thu của quý II/2021 không giảm 10% so với cùng kỳ năm 2019 hoặc 2020; Hoặc không thay đổi cơ cấu, công nghệ theo quy định tại khoản 1, Điều 42 Bộ luật Lao động 2019). Ngoài ra, tỉnh cũng trích trên 7.9 tỉ đồng để hỗ trợ cho 5.258 lượt lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác.
Tạo điều kiện tối đa cho lao động ngoại tỉnh
Nhằm hỗ trợ công dân Thừa Thiên Huế trở về từ các tỉnh, thành phố gặp khó khăn do đại dịch covid-19, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 242/KH-UBND ngày 16/7/2021 về tiếp nhận công dân bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 trở về từ Thành phố Hồ Chí Minh. Đến nay, đã tổ chức thực hiện 5 đợt đón công dân từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam trở về với số lượng 1.681 người thật sự gặp khó khăn như người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, người bị ốm đau, bệnh tật, mất việc làm.
BCH quân sự tỉnh chuẩn bị cơ sở vật chất tại các khu cách ly y tế để đón lao động ngoại tỉnh
Thực hiện chủ trương hỗ trợ người dân Thừa Thiên Huế ở các tỉnh, thành phố khác (đang thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ) đang gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 (hộ nghèo, người già neo đơn, lao động mất việc làm giảm sâu thu nhập, phụ nữ có thai, nuôi con nhỏ, người bệnh tật,…) với mức hỗ trợ cho mỗi hộ gia đình gặp khó khăn 01 triệu đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước và huy động xã hội hóa. UBND tỉnh ban hành Công văn số 8357/UBND-XH ngày 11/9/2021 về việc hỗ trợ người dân tỉnh Thừa Thiên Huế ở các tỉnh, thành phố khác gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 để tổ chức triển khai thực hiện. Tính đến 21/10/2021, toàn tỉnh đã hỗ trợ cho 8.052 lượt hộ gia đình với tổng kinh phí 8,052 tỷ đồng.
Trong những tháng cuối năm, Thừa Thiên Huế tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, Nghị quyết số 84/NQ-HĐND ngày 26/8/2021, Kế hoạch số 235/KH-UBND của UBND tỉnh.
Cùng với đó, quyết liệt thực hiện Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 của Chính phủ và Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Tăng cường công tác hướng dẫn, tuyên truyền sâu rộng các quy định về chính sách hỗ trợ của Chính phủ, của Tỉnh để người dân, người lao động và doanh nghiệp, cơ sở biết, tham gia thực hiện.
Bám sát, tăng cường đi cơ sở, đến với người dân, người lao động, đơn vị, doanh nghiệp để nắm bắt tình hình, hướng dẫn tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm giải quyết đúng, kịp thời các chính sách hỗ trợ theo quy định. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ, xử lý kịp thời hoặc báo cáo đề xuất xử lý theo thẩm quyền những vấn đề liên quan đến việc tổ chức triển khai hỗ trợ theo quy định.
Hà Giang
TIN LIÊN QUAN
TAG: