Tiền lương
Trang chủ / Lao động / Tiền lương
Thủ tướng Chính phủ chính thức tăng mức lương tối thiểu vùng từ ngày 1.1.2017
03:14 PM 22/11/2016
(LĐXH) Theo Nghị định số 153/2016/NĐ-CP do thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mới ban hành, bắt đầu từ ngày 1.1.2017, mức lương tối thiểu người lao động sẽ tăng từ 180.000 đến 250.000 đồng so với mức lương cũ tùy theo từng vùng miền quy định.
Như vậy, các doanh nghiệp sẽ áp dụng mức lương tối thiểu vùng mới đối với người lao động là từ 2,58 đến 3,75 triệu đồng vào năm sau. Đối tượng áp dụng Nghị định quy định về lương tối thiểu vùng bao gồm người lao động làm việc có hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động; doanh nghiệp thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Trong đó, các dạng doanh nghiệp được đề cập gồm có các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động.
Mức tăng lương tối thiểu vùng cụ thể như sau:
_ Doanh nghiệp thuộc địa bàn vùng I: Mức 3.750.000 đồng/tháng - tăng 250.000 đồng.
_ Doanh nghiệp thuộc địa bàn vùng II: Mức 3.320.000 đồng/tháng - tăng 220.000 đồng.
_ Doanh nghiệp thuộc địa bàn vùng III: Mức 2.900.000 đồng/tháng - tăng 200.000 đồng.
_ Doanh nghiệp thuộc địa bàn vùng IV: Mức 2.580.000 đồng/tháng - tăng 180.000 đồng.
Mức lương tối thiểu vùng tăng từ 180.000 đồng đến 250.000 đồng tùy theo vùng (Ảnh minh họa)
Nghị định đã nêu rõ, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn nào thì áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn đó. Trường hợp doanh nghiệp có đơn vị, chi nhánh hoạt động trên các địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì đơn vị, chi nhánh hoạt động ở địa bàn nào, áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn đó.
Doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế và khu công nghệ cao nằm trên các địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì áp dụng theo địa bàn có mức lương tối thiểu vùng cao nhất. Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn có sự thay đổi tên hoặc chia tách thì tạm thời áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn trước khi thay đổi tên hoặc chia tách cho đến khi Chính phủ có quy định mới.
Ngoài ra, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn được thành lập mới từ một địa bàn hoặc nhiều địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì áp dụng mức lương tối thiểu vùng theo địa bàn có mức lương tối thiểu vùng cao nhất.
Trong khi thực hiện mức lương tối thiểu vùng quy định tại Nghị định này, doanh nghiệp không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, làm việc trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với các chức danh nghề nặng nhọc, độc hại và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động.
Các khoản phụ cấp, bổ sung khác, trợ cấp, tiền thưởng do doanh nghiệp quy định thì thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc trong quy chế của doanh nghiệp.
Trước đó 3 tháng, sau 2 lần nhóm họp, ngày 2.8.2016, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã họp kín để bỏ phiếu quyết định mức lương tối thiểu vùng 2017 để trình Chính phủ phê duyệt với mức đề xuất tăng là 7,3%.
Minh Ngọc

 

 

 

TAG:
Tin khác
Diễn đàn hợp tác lao động Việt Nam - Phần Lan
Kiếm hàng nghìn USD nhờ bán video cho các công ty AI
Ký kết hợp tác về dịch chuyển chuyên gia, lao động có kỹ năng nghề giữa Việt Nam và Phần Lan
Sơn La: Hơn 22 nghìn lao động được giải quyết việc làm
Tiếp viên hàng không bỏ nghề về nuôi lợn kiếm tiền khủng
Đảm bảo công tác an toàn, vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội
Hà Nội thực hiện hiệu quả các giải pháp phát triển lao động
Quận Cầu Giấy hỗ trợ hơn 1,6 tỷ đồng cho công nhân lao động đón Tết Ất Tỵ 2025
Thu nhập bình quân của lao động là 7,7 triệu đồng/tháng trong năm 2024