An toàn lao động
Trang chủ / Lao động / An toàn lao động
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Sản xuất an toàn để đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động
06:04 PM 29/03/2024
(LĐXH)- “Công ty thuốc lá Thăng Long luôn duy trì ổn định hoạt động kinh doanh, sản xuất an toàn để đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động” - Thứ trưởng Lê Văn Thanh ghi nhận.
Ngày 29/3, đoàn công tác của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội do Thứ trưởng Lê Văn Thanh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Tháng hành động ATVSLĐ Trung ương làm Trưởng đoàn đến thăm và làm việc với Công ty thuốc lá Thăng Long (Tổng Công ty thuốc lá Việt Nam) để nắm tình hình triển khai công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và kế hoạch hưởng ứng Tháng hành động ATVSLĐ năm 2024.
Tham gia đoàn công tác có Cục trưởng Cục An toàn Lao động Hà Tất Thắng; Phó Cục trưởng Cục An toàn Lao động Chu Thị Hạnh và lãnh đạo, chuyên viên các phòng thuộc Cục.
Tiếp và làm việc với đoàn có ông Nghiêm Xuân Toàn, Phó tổng Giám đốc Tổng Công ty thuốc lá Việt Nam; ông Nguyễn Hữu Kiên, thành viên Hội đồng Thành viên, Giám đốc Công ty thuốc lá Thăng Long cùng lãnh đạo các phòng, ban của Công ty.
Thực hiện nghiêm túc công tác ATVSLĐ
Tại buổi làm việc ông Nghiêm Xuân Toàn, Phó tổng Giám đốc Tổng Công ty thuốc lá Việt Nam cho biết. Năm 2023, tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song tình hình sản xuất kinh doanh của Tổng công ty thuốc lá Việt Nam có nhiều khởi sắc.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh và đoàn công tác kiểm tra công tác ATVSLĐ tại xưởng sản xuất
Theo Phó tổng Giám đốc Nghiêm Xuân Toàn, công tác đảm bảo ATVSLĐ được Tổng Công ty được xác định đây là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Do đó, các giải pháp về công tác đảm bảo ATVSLĐ, phòng cháy chữa cháy đều được triển khai nghiêm túc tại từng vị trí sản xuất của các đơn vị trong Tổng Công ty.
Ông Nguyễn Hữu Kiên, Giám đốc Công ty thuốc lá Thăng Long thông tin: Tiền thân là Nhà máy Thuốc lá Thăng Long, Công ty được thành lập và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 06/01/1957.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho rằng phòng ngừa nghiêm ngặt sẽ hạn chế rủi ro mất an toàn lao động
Đến nay, Công ty có 03 doanh nghiệp thành viên, gồm: Công ty TNHH một thành viên Thuốc lá Bắc Sơn, Công ty TNHH một thành viên Thuốc lá Thanh Hóa, Công ty TNHH Thuốc lá Đà Nẵng với gần 3.000 lao động, riêng tại Công ty Thuốc lá Thăng Long là gần 2.000 người.
Từ tháng 4/2020, Công ty Thuốc lá Thăng Long hoàn thành việc di dời toàn bộ mọi hoạt động điều hành, sản xuất kinh doanh từ 235 Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội) đến cơ sở mới tại Khu Công nghiệp Thạch Thất, huyện Quốc Oai (thành phố Hà Nội) với ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất và kinh doanh thuốc lá điếu.
Ông Nghiêm Xuân Toàn, Phó tổng Giám đốc Tổng Công ty thuốc lá Việt Nam thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh
Trong năm 2023, doanh thu của Công ty đạt 7.695 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước trên 5.000 tỷ đồng...
Dành gần 10 tỷ đồng mua thiết bị bảo vệ cá nhân
Giám đốc Nguyễn Hữu Kiên cho biết: Nhiều năm qua, công tác ATVSLĐ luôn được Tổng Công ty và Công ty quan tâm, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc. Hàng năm và hàng quý, Công ty đều xây dựng và thực hiện Kế hoạch ATVSLĐ theo 05 nội dung, gồm: nội dung, biện pháp, kinh phí, thời gian hoàn thành, phân công đơn vị sát với thực tế sản xuất kinh doanh khi triển khai thực hiện.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh đánh giá cao công tác ATVSLĐ ở Công ty Thuốc lá Thăng Long 
Cụ thể, Công ty đã thành lập Hội đồng ATVSLĐ (do 01 đồng chí Phó Giám đốc làm Chủ tịch), Mạng lưới An toàn vệ sinh viên, Trạm Y tế (gồm 02 bác sỹ, 03 y sỹ, 04 điều dưỡng)… theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, bố trí 05 cán bộ thực hiện chuyên trách về ATVSLĐ.
Theo kế hoạch năm 2024, Công ty dành 2.435.450.000 đồng thực hiện các biện pháp về kỹ thuật an toàn và phòng chống cháy nổ; 6.052.732.000 đồng thực hiện các biện pháp về kỹ thuật vệ sinh lao động phòng chống độc hại, cải thiện điều kiện lao động, bảo vệ môi trường; 9.834.800.000 đồng cho việc mua sắm trang thiết bị bảo vệ cá nhân; 9.729.200.000 đồng cho công tác chăm sóc sức khỏe người lao động; 1.730.120.000 đồng cho hoạt động tuyên truyền giáo dục, huấn luyện về ATVSLĐ.
Cục trưởng Cục An toàn Lao động Hà Tất Thắng trao đổi về các biện pháp nâng cao hơn nữa công tác ATVSLĐ
Hàng năm, Công ty tổ chức khám sức khỏe và khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động làm việc tại các đơn vị sản xuất 1 – 2 lần/năm; tổ chức tư vấn cho cán bộ, công nhân viên những biện pháp nâng cao sức khỏe và cách điều trị phục hồi sức khỏe đối với những người có các chỉ số vượt tiêu chuẩn cho phép, chuyển người lao động lên tuyến trên khám chuyên khoa khi có tư vấn của bác sỹ khám, kết luận.
Người lao động khi bắt đầu làm việc tại Công ty sẽ được lập hồ sơ quản lý vệ sinh lao động và sức khỏe người lao động (giấy khám sức khỏe trước khi tuyển dụng - trước khi bố trí công việc; hồ sơ khám sức khỏe định kỳ - khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; hồ sơ giám định, kết quả giám định).
Công ty cũng thực hiện quan trắc môi trường lao động định kỳ đúng quy định; quan trắc định kỳ môi trường xung quanh (khí thải, nước thải) 04 lần/năm.
Ông Nguyễn Hữu Kiên, Giám đốc Công ty thuốc lá Thăng Long
Năm 2023, Công ty đã thực hiện kiểm định 63 thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ, 57 thiết bị điều hòa công nghiệp, 07 trạm biến áp, 1.508 điểm trở nối đất thiết bị điện và tiếp địa chống sét nhà xưởng.
Hàng năm, Công ty tổ chức huấn luyện định kỳ cho các nhóm lao động 1,2,3,5,6 theo đúng quy định của pháp luật…
Phòng ngừa nghiêm ngặt, hạn chế rủi ro
Vui mừng về những thông tin đại diện doanh nghiệp báo cáo, Thứ trưởng Lê Văn Thanh ghi nhận và biểu dương toàn ngành thuốc lá đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn và thách thức. Trong đó, Công ty thuốc lá Thăng Long luôn duy trì ổn định hoạt động kinh doanh, sản xuất an toàn để đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động.
Cán bộ Công ty kiểm tra thực tế an toàn lao động tại các phân xưởng sản xuất
“Không chỉ tiền lương, môi trường làm việc, công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động hết sức quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Mặc dù là doanh nghiệp đặc thù như công ty thuốc lá, song trong nhiều năm qua, Công ty không để xảy ra tai nạn lao động” - Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh đánh giá: Nhờ nhận diện rõ nguy cơ xảy ra mất an toàn lao động trong hoạt động sản xuất kinh doanh, Công ty đã triển khai hiệu quả các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt, chặt chẽ nhằm hạn chế rủi ro mất an toàn lao động...
Công tác ATVSLĐ được người lao động ở các phân xưởng thực hiện nghiêm túc 
Thứ trưởng Lê Văn Thanh mong muốn: Thời gian tới, Tổng Công ty thuốc lá Việt Nam, Công ty thuốc lá Thăng Long tiếp tục quan tâm, chú trọng đến việc tăng năng suất lao động, có như vậy thu nhập, đời sống của người lao động ngày càng được cải thiện hơn. Đồng thời, đề nghị lãnh đạo Công ty tiếp tục quan tâm vấn đề ATVSLĐ, môi trường làm việc cho người lao động.

Chí Tâm

TAG: Công ty thuốc lá Thăng Long
Tin khác
Đảm bảo công tác an toàn, vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội
Hà Nội thực hiện hiệu quả các giải pháp phát triển lao động
Quận Cầu Giấy hỗ trợ hơn 1,6 tỷ đồng cho công nhân lao động đón Tết Ất Tỵ 2025
Thu nhập bình quân của lao động là 7,7 triệu đồng/tháng trong năm 2024
Sở LĐ-TB&XH TP.HCM: Có 87/88 chỉ tiêu, nhiệm vụ đạt và vượt so với yêu cầu đề ra
Phân tích các biến số vĩ mô và vi mô, chỉ ra cơ hội đầu tư tiềm năng trong thời gian tới
TP.HCM tăng cường kết nối cung – cầu giải quyết việc làm cho người lao động
Đảm bảo tiến độ thi công nhưng an toàn lao động vẫn phải là trên hết
Phú Thọ tích cực thu thập thông tin về người lao động, góp phần hỗ trợ việc làm bền vững