An toàn lao động
Trang chủ / Lao động / An toàn lao động
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Giám sát chặt chẽ nơi có nguy cơ cao xảy ra tai nạn lao động
08:01 PM 28/05/2024
(LĐXH)- “Giám sát chặt chẽ nơi có nguy cơ cao xảy ra tai nạn lao động để phát hiện và phòng tránh những sự việc đáng tiếc…” - Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh.
Ngày 28/5, tại thành phố Phổ Yên (tỉnh Thái Nguyên), Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Tháng hành động về ATVSLĐ Trung ương cùng đoàn công tác đến Công ty Cổ phần môi trường Việt Xuân mới để nắm bắt, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện công tác đảm bảo ATVSLĐ.
Đây hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ và Tháng công nhân năm 2024 và cũng là một trong những nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tại Công điện ngày 21/5/2024 về việc chấn chỉnh, tăng cường công tác ATVSLĐ.
Cùng đi có ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn Lao động; bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thái Nguyên; ông Nguyễn Ngọc Thiện, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phổ Yên…
Buổi làm việc tại trụ sở Công ty Cổ phần môi trường Việt Xuân mới
Công ty Cổ phần môi trường Việt Xuân mới thành lập năm 2013 với ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chính là thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải công nghiệp.
Công ty được coi là hình mẫu về thực hiện mô hình “kinh tế tuần hoàn” tại tỉnh Thái Nguyên, vì sau khi thu gom, phân loại, tái chế thì sản phẩm của công đoạn này sẽ là thành phẩm của công đoạn sau…
Hiện tại, Công ty có 212 người lao động, trong đó có 57 người lao động làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, 69 người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Công ty có 02 cán bộ làm công tác ATVSLĐ (trong đó có 01 cán bộ chuyên trách); 12 an toàn, vệ sinh viên.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh đề nghị doanh nghiệp giám sát chặt chẽ nơi có nguy cơ cao xảy ra tai nạn lao động
Ông Nguyễn Đức Trọng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần môi trường Việt Xuân mới cho biết: Từ khi thành lập đến nay, xuyên suốt từ Ban lãnh đạo đến cán bộ, nhân viên, người lao động luôn coi công tác đảm bảo ATVSLĐ là nhiệm vụ hàng đầu. Hàng tuần, hàng ngày, đội an toàn vệ sinh phải kiểm tra thiết bị, máy móc, kiểm tra phòng cháy chữa cháy hàng ngày và phải khởi động định kỳ toàn bộ hệ thống…
Hàng năm, Công ty đều xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch ATVSLĐ; thực hiện đánh giá các biện pháp phòng, chống các yếu tố nguy hiểm, nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ; thành lập đội ứng phó sự cố môi trường cơ sở; thường xuyên tự kiểm tra, đánh giá, đưa ra các biện pháp khắc phục ATVSLĐ.
Nhiều năm qua, Công ty luôn thực hiện trang cấp phương tiện tiện bảo vệ cá nhân đúng tiêu chuẩn theo từng khu vực làm việc cho người lao động, có quy định về định mức cấp phát, có kế hoạch và sổ theo dõi cấp phát phương tiện bảo vệ cá nhân. 
Đến nay, Công ty đã xây dựng và ban hành nội quy, quy trình bảo đảm ATVSLĐ, quy trình làm việc trong không gian hạn chế và ban hành tiêu chuẩn làm việc trong không gian kín. Đơn vị có trang bị, gắn đầy đủ biển cảnh báo tại các khu vực, bộ phận, hệ thống máy thiết bị sản xuất. Đồng thời, xây dựng các phương án xử lý sự cố kỹ thuật gây mất ATVSLĐ, tổ chức diễn tập định kỳ theo quy định.
Hàng năm, Công ty thực hiện thuê đơn vị huấn luyện cấp chứng chỉ và cấp thẻ ATVSLĐ; tiến hành theo dõi và lưu trữ hồ sơ liên quan đến hoạt động huấn luyện ATVSLĐ.
Về công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về ATVSLĐ, các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại và các biện pháp đảm bảo ATVSLĐ được đơn vị thực hiện qua hình thức treo băng rôn, khẩu hiệu tại các phân xưởng sản xuất; chăng dây, đặt biển cảnh báo tại các nơi có nguy cơ mất an toàn; tuyên truyền các yếu tố nguy hiểm, có hại thông qua các buổi đào tạo an toàn nội bộ, chia sẻ các thông tin qua kenh zalo nhóm…
Thành viên đoàn công tác đánh giá công tác TVSLĐ tại Công ty
Việc khám sức khoẻ định kỳ hàng năm được đơn vị thực hiện đối với 100% lao động bình thường, 94 người lao động cần phải khám phát hiện bệnh nghề nghiệp và được lập hồ sơ quản lý, theo dõi sức khỏe người lao động.
Bên cạnh đó, Công ty còn tiến hành quan trắc môi trường lao động định kỳ theo quy định, tổ chức đánh giá mối nguy cơ, rủi ro tại tất cả các khu vực trong Công ty; ban hành các quy định mang mặc bảo hộ lao động, tài liệu đào tạo an toàn các nội dung nội bộ. Đồng thời, thực hiện các biện pháp kỹ thuật nhằm cải thiện điều kiện, môi trường làm việc như lắp quạt thông gió, thay tấm chiếu sáng, bổ xung đèn chiếu sáng các khu vực, định kỳ bảo dưỡng máy móc, thiết bị; thực hiện bồi dưỡng người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại bằng hiện vật…
Thứ trưởng Lê Văn Thanh và đoàn công tác kiểm tra công tác ATVSLĐ tại dây chuyền thu hồi kim loại từ linh kiện điện tử
Sau khi nghe báo cáo, Thứ trưởng Lê Văn Thanh ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của Công ty Cổ phần môi trường Việt Xuân mới trong công tác đảm bảo ATVSLĐ.
“Việt Xuân mới là doanh nghiệp xử lý về môi trường, đối tác chủ yếu là các doanh nghiệp FDI như Samsung, Canon… Để làm việc với doanh nghiệp nước ngoài thì không phải là đơn giản, vì xử lý rác thải phải đảm bảo an toàn môi trường và phải đặt vấn đề ATVSLĐ lên hàng đầu. Hàng đầu ở đây là cả ở những người làm việc trực tiếp, những người thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải đến những người làm việc ở văn phòng phải coi công tác an toàn lao động là điều tiên quyết” - Thứ trưởng Lê Văn Thanh đánh giá.
Theo Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Thông thường, có an toàn mới giúp cho doanh nghiệp có doanh thu, có lợi nhuận. Không có an toàn thì không ai ai hợp tác, đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài. Nếu có vấn đề xảy ra tai nạn thì ảnh hưởng rất lớn tới uy tín của họ, vì vậy Việt Xuân mới phải quan tâm nhiều hơn tới công tác này để tránh ảnh hưởng đến người lao động, ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp…

Thăm phân xưởng tái chế nhôm

“Để đảm bảo ATVSLĐ thì phải có quy trình, quy định rõ ràng; khi đã trang bị thiết bị bảo hộ cá nhân thì phải yêu cầu người lao động chấp hành đúng, nhắc nhở thường xuyên để hình thành ý thức, đặc biệt thường thường xuyên nhắc nhở trước giờ làm việc và cái gì nguy cơ cao thì phải yêu cầu nhiều hơn. Tiếp tục quan tâm đầu tư kinh phí lắp thêm camera, lắp ở những nơi nguy cơ cao nhất để quan sát mọi nơi, quan sát xem có làm đúng quy trình quy định. Đồng thời, giám sát chặt chẽ nơi có nguy cơ cao xảy ra tai nạn lao động để phát hiện và phòng tránh những sự việc đáng tiếc…” - Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh.

Chí Tâm

TAG: Công ty Cổ phần môi trường Việt Xuân mới
Tin khác
Ký kết hợp tác về dịch chuyển chuyên gia, lao động có kỹ năng nghề giữa Việt Nam và Phần Lan
Sơn La: Hơn 22 nghìn lao động được giải quyết việc làm
Tiếp viên hàng không bỏ nghề về nuôi lợn kiếm tiền khủng
Đảm bảo công tác an toàn, vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội
Hà Nội thực hiện hiệu quả các giải pháp phát triển lao động
Quận Cầu Giấy hỗ trợ hơn 1,6 tỷ đồng cho công nhân lao động đón Tết Ất Tỵ 2025
Thu nhập bình quân của lao động là 7,7 triệu đồng/tháng trong năm 2024
Sở LĐ-TB&XH TP.HCM: Có 87/88 chỉ tiêu, nhiệm vụ đạt và vượt so với yêu cầu đề ra
Phân tích các biến số vĩ mô và vi mô, chỉ ra cơ hội đầu tư tiềm năng trong thời gian tới