Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Trang chủ / Lao động / Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Thanh Hóa quyết định hỗ trợ lao động tự do theo Nghị quyết 68
10:18 AM 31/08/2021
(LĐXH)- Ngày 30/8/2021, UBND tỉnh Thanh Hóa có Quyết định số 18/2021/QĐ-UBND về việc ban hành chính sách hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa theo quy định tại khoản 12 Mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP.
Theo Quyết định, đối tượng được hỗ trợ là những lao động tự do cư trú hợp pháp trên địa bàn tỉnh (không thuộc các trường hợp đang hưởng lương hưu, trợ cấp xã hội, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp ưu đãi hàng tháng), làm một trong các công việc sau: Thu gom rác, phế liệu không có địa điểm cố định; Bốc vác, vận chuyển hàng hóa; Lái xe mô tô 02 bánh chở khách (xe ôm truyền thống và xe công nghệ), xe xích lô chở khách; Đánh giày, thợ xây, phụ hồ; giúp việc gia đình theo giờ, theo ngày không có địa điểm cố định; Bán lẻ vé số lưu động; Bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; Tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong các lĩnh vực: ăn uống, lưu trú, du lịch; cơ sở làm đẹp, chăm sóc sức khoẻ; cơ sở dịch vụ cung cấp dịch vụ không thiết yếu.

Người buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định ở Thanh Hóa sẽ được nhận mức hỗ trợ 1.500.000 đồng

Ngoài các đối tượng quy định nêu trên, trong quá trình triển khai thực hiện, nếu phát sinh các đối tượng khác cần hỗ trợ thì UBND cấp huyện chủ động sử dụng ngân sách của địa phương để hỗ trợ cho đối tượng. Trường hợp vượt quá khả năng thì báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định.
Những lao động tự do được xem xét hỗ trợ phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện: Bị mất việc làm, không có thu nhập, gặp khó khăn do ở trong các khu vực bị phong toả, cách ly hoặc phải dừng, tạm dừng hoạt động trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (UBND tỉnh, UBND cấp huyện) để phòng, chống dịch COVID-19 trong khoảng thời gian từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021.
Theo Quyết định, mỗi người chỉ được hỗ trợ một lần với mức 50.000 đồng/người/ngày căn cứ theo thời gian thực tế tạm dừng hoạt động bị mất việc làm nhưng không quá 1.500.000 đồng/người/lần hỗ trợ. Được chi trả 01 lần cho người lao động bằng tiền mặt hoặc qua tài khoản ngân hàng (đối với trường hợp cá nhân có tài khoản ngân hàng).
Về kinh phí, ngân sách Nhà nước hỗ trợ thực hiện chính sách theo cơ chế quy định tại điểm đ khoản 2 mục I của Nghị quyết số 68/NQ-CP: địa phương chủ động sử dụng 50% nguồn dự phòng ngân sách địa phương (bao gồm cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã) và 70% quỹ dự trữ tài chính địa phương, nguồn cải cách tiền lương còn dư và các nguồn huy động hợp pháp khác để thực hiện chính sách. Số đối tượng dự kiến hỗ trợ khoảng 10.000 người, kinh phí thực hiện là 15 tỷ đồng. Quyết định cũng quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thực hiện chính sách hỗ trợ lao động tự do gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan Thường trực, chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ đảm bảo theo quy định. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, giám sát, nắm bắt tình hình triển khai thực hiện chính sách trên địa bàn tỉnh; chủ động, kịp thời xử lý, giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện hoặc tham mưu, đề xuất ý kiến báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh những nội dung vượt thẩm quyền…
Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thanh Hóa về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, tính đến ngày 30/8, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ đối với 31 lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương, kinh phí phê duyệt hỗ trợ là 139.010.000 đồng; Quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ 28 lao động ngừng việc, kinh phí phê duyệt hỗ trợ 31 triệu đồng
Đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã có 6.232 đơn vị, doanh nghiệp với 278.255 lao động được giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, với tổng số tiền giảm mức đóng 02 tháng (tháng 7 và tháng 8/2021) trên 12,377 tỷ đồng; 03 đơn vị được tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất với 143 lao động, tổng số tiền tạm dừng đóng là 155.760.394 đồng. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh đã có 03 doanh nghiệp được hỗ trợ vay hơn 2,168 tỷ đồng để trả lương ngừng việc cho 670 lao động.
Tính đến ngày 30/8/2021, Thanh Hóa đã ban hành Quyết định phê duyệt danh sách, kinh phí hỗ trợ đối với 11 hướng dẫn viên du lịch và 89 viên chức hoạt động nghệ thuật, tổng kinh phí hỗ trợ phê duyệt là 370.100.000 đồng. Bên cạnh đó, tỉnh cũng ban hành Quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ đối với 305 hộ kinh doanh, kinh phí hỗ trợ phê duyệt là 915 triệu đồng; hiện đã có 02 huyện đã thực hiện chi trả hỗ trợ đối với 31 hộ kinh doanh, với tổng số tiền 93 triệu đồng (gồm Cẩm Thủy 12 hộ và Như Thanh 19 hộ)…

Chí Tâm

TAG:
Tin khác
Hội chợ việc làm cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan thành phố Hà Nội năm 2024
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan: Đưa lao động Việt Nam sang Canada làm việc theo kế hoạch bài bản
Thời gian nộp hồ sơ, chuyển tiền đóng BHXH, BHYT, cấp giá trị sử dụng thẻ BHYT năm 2025
Hơn 2.700 vị trí việc làm tại Ngày hội việc làm lần 2-2024 tại TP.Thủ Đức
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
Huyện Phú Vang: Triển khai hiệu quả công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Kiên Giang tập trung thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm và giáo dục nghề nghiệp