Trong số này, có gần 35.000 công nhân lao động phải giảm giờ làm; có 4.600 công nhân lao động được doanh nghiệp bố trí cho nghỉ phép năm 2020; trên 2.500 công nhân lao động nghỉ luân phiên và nghỉ có trả lương; 710 công nhân lao động chấm dứt hợp đồng lao động để hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Theo Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Bình, nguyên nhân chính ảnh hưởng đến sản xuất của doanh nghiệp và đời sống việc làm của công nhân lao động là do hàng sản xuất ra tồn kho, vì không xuất khẩu được nhất là thị trường châu Âu và Mỹ; doanh nghiệp thiếu nguyên liệu hoặc chậm nguyên liệu; không nhập được nguyên liệu; doanh nghiệp không ký được đơn hàng mới hoặc bị hủy đơn hàng; do thiếu chuyên gia nước ngoài.
Theo dự báo của Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Bình, tháng 4.2020 và các tháng tiếp theo, các doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn về thiếu nguyên vật liệu, hàng sản xuất không xuất khẩu được, chưa có đơn hàng mới, một số đơn hàng tháng 5, 6, 7 có thể bị hủy bỏ..., nên doanh nghiệp tiếp tục phải sản xuất cầm chừng hoặc phải dừng sản xuất làm ảnh hưởng tới đời sống, việc làm của công nhân lao động...
Về giải quyết chế độ cho người lao động, Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Bình đưa ra một số đề xuất trên cơ sở quy định của Bộ luật Lao động, như: Chuyển làm công việc khác tạm thời so với hợp đồng lao động; cho người lao động nghỉ hàng năm (nghỉ phép); trả lương ngừng việc (không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định).
Ngoài ra, Liên đoàn Lao động tỉnh còn đưa ra một đề xuất nữa là người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (các đơn vị cam kết nhận công nhân lao động trở lại khi doanh nghiệp hoạt động). Khi chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp, theo quy định tại Khoản 1 Điều 50 Luật Việc làm 2013 quy định./.
Bảo Hân - Bá Mạnh