Sơn La: Nỗ lực thúc đẩy thị trường lao động qua các phiên giao dịch việc làm
(LĐXH)-Trung tâm Dịch vụ việc làm có nhiệm vụ làm tốt thông tin thị trường lao động, có các dự báo về cung - cầu lao động để định hướng cho hoạt động của các doanh nghiệp, đồng thời là “cầu nối” giữa người lao động và người sử dụng lao động. Qua đó, góp phần quan trọng đối với sự hình thành và phát triển của thị trường lao động, quản trị thị trường lao động, sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực, giúp doanh nghiệp giải được bài toán về thiếu hụt nguồn nhân lực, rút ngắn được thời gian người lao động đi tìm việc, giúp người lao động có việc làm, thu nhập ổn định, bảo đảm cuộc sống của bản thân và gia đình, góp phần giảm nhu cầu bức bách của xã hội về việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp.
Sơn La là một tỉnh miền núi phía Bắc, có điều kiện kinh tế - xã hội rất khó khăn. Tỉnh chưa có kinh phí hỗ trợ cho việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm tại địa phương, song những năm qua, UBND tỉnh Sơn La ban hành các văn bản về việc làm, thị trường lao động và quản lý lao động, tạo hành lang pháp lý, thúc đẩy công tác giải quyết việc làm theo hướng bền vững cho người lao động Sơn La.
Sàn giao dịch việc làm của Trung tâm Dịch vụ việc làm Sơn La xây dựng xong từ năm 2010, nhưng Trung tâm chưa được bố trí kinh phí cấp vốn mua sắm thiết bị cho sàn giao dịch việc làm và cũng không được cấp kinh phí hỗ trợ tổ chức giao dịch việc làm. Do đó hiện nay Trung tâm Dịch vụ việc làm Sơn La phối hợp tổ chức các phiên giao dịch việc làm với mô hình là giao dịch việc làm lưu động tại các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh (các điểm xã) để tư vấn và tuyển lao động cho các Doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động; Tư vấn định hướng nghề nghiêp, việc làm cho học sinh khối 12 và cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh trước khi sinh viên ra trường.
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội với trách nhiệm, vai trò quản lý Nhà nước về lĩnh vực việc làm đã chỉ đạo, định hướng việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm cho Trung tâm Dịch vụ việc làm Sơn La, điều tiết thông qua việc ban hành và chỉ đạo thực hiện các văn bản như các kế hoạch, chương trình, công văn phối hợp …
Sở Lao động Thương binh và xã hội cũng đã theo dõi, đôn đốc việc tổ chức triển khai thực hiện các phiên giao dịch việc làm với mô hình giao dịch việc làm lưu động hiện nay.
Cùng với sự vào cuộc của các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương nơi tổ chức các phiên giao dịch và sự nỗ lực của Trung tâm Dịch vụ việc làm Sơn La, việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động đã đạt được một số kết quả nhất định. Thực tế cho thấy việc chỉ đạo và ban hành các văn bản phối hợp thực hiện tổ chức các phiên giao dịch việc làm đã tạo nên sự gắn kết, sự phối hợp thực hiện chặt chẽ giữa Trung tâm Dịch vụ việc làm, Phòng Lao động –Thương binh và xã hội các huyện thành phố, các đơn vị, Doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động, tạo điều kiện cho lao động chưa có việc làm ở Sơn La nâng cao nhận thức về việc làm, tìm kiếm được việc làm phù hợp với khả năng sở trường và nguyện vọng của bản thân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội
Phương thức tổ chức các phiên giao dịch việc làm ở Sơn La được tổ chức theo hướng Trung tâm Dịch vụ việc làm là đầu mối phối hợp với các Phòng Lao động – Thương binh và xã hội các huyện, thành phố, các đơn vị trường học, các Doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động, quy trình thực hiện như sau: Trung tâm Dịch vụ việc làm sẽ xây dựng kế hoạch tổ chức các phiên giao dịch việc làm, phân công nhiệm vụ cho các thành viên phối hợp; Tổ chức công tác khảo sát, tiền trạm nắm tình hình tại các điểm trước khi tổ chức phiên giao dịch việc làm; Chuẩn bị nội dung tư vấn phù hợp với từng phiên giao dịch; Phối hợp với các Doanh nghiệp tuyển dụng lao động xây dựng ma két, băng rôn, poster tuyên truyền; Phối hợp tổ chức tiếp đón khách tham dự; Cung cấp các thông tin về thị trường lao động nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, trong ngoài nước; theo dõi tình trạng lao động sau khi được tuyển dụng…
Phòng Lao động – TBXH các huyện, thành phố; Các trường PTTH cơ sở: Cử cán bộ tham gia phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm; Lựa chọn địa điểm tổ chức hội nghị tại các xã hoặc cụm xã; Phối hợp cấp ủy chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, thông báo rộng rãi đến người lao động, đảm bảo đúng đối tượng và thành phần tham dự. Đảm bảo Hội trường, âm thanh ánh sáng…cho việc tổ chức phiên giao dịch việc làm.(Đối với trường PTTH cơ sở địa điểm tổ chức ngay tại trường và có Ban Giám hiệu, Đoàn thanh niên và tất cả học sinh khối 12 của nhà trường tham gia)
Còn các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động có nhiệm vụ thông tin tư vấn về chế độ chính sách, quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động và trực tiếp tuyển dụng lao động ngay tại phiên giao dịch việc làm. Hỗ trợ người lao động đến dự phiên giao dịch việc làm; Hỗ trợ tiền hội trường tại các điểm giao dịch việc làm; Hỗ trợ cán bộ làm công tác tổ chức các phiên giao dịch việc làm (Nếu có).
Ngoài ra Trung tâm Dịch vụ việc làm Sơn La đã phối hợp với các Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh bạn như Bắc Ninh, Hà Hội, Hải Dương... tổ chức các phiên giao dịch việc làm online; Tổ chức tư vấn việc làm ngay tại Trung tâm.
Từ năm 2015 và đến nay, tỉnh Sơn La đã tổ chức 189 phiên giao dịch tại các điểm xã trong toàn tỉnh
Qua việc triển khai mô hình giao dịch việc làm lưu động đến tận nơi để trực tiếp tuyên truyền, tư vấn việc làm, học nghề và tuyển dụng lao động đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về việc làm, đào tạo nghề cho lao động. Kết quả từ năm 2015 và đến nay, tỉnh đã tổ chức 189 phiên giao dịch tại các điểm xã trong toàn tỉnh, có 12 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh có nhu cầu tuyển lao động tham gia. Tổng số có 21.812 lao động tham dự các phiên giao dịch để được tư vấn tuyển dụng và giới thiệu việc làm. Qua các phiên giao dịch đã có 5.058 lao động có việc làm ổn định tại các Doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh
Bên cạnh đó, còn tư vấn tại các phiên giao dịch và ngày tại văn phòng Trung tâm cho 23.361 lượt người về các lĩnh vực việc làm cho người lao động; về kỹ năng thi tuyển; về tự tạo việc làm, tìm việc làm trong nước và ngoài nước; tư vấn cho người sử dụng lao động về tuyển dụng lao động.
Trung tâm cũng đã trực tiếp cung ứng Giới thiệu việc làm cho 1.265 lao động, trong đó 991 lao động ngoài tình, 243 lao động trong tỉnh, xuất khẩu 31 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Và phối hợp với các Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh bạn tổ chức 9 phiên giao dịch việc làm online
Mặc dù đạt được kết quả nêu trên song thực tế triển khai cho thấy tần suất tổ chức các phiên giao dịch việc làm tại Sơn La chưa cao, hình thức chưa phong phú do chưa có kinh phí hỗ trợ tổ chức các phiên giao dịch việc làm, đội ngũ tư vấn viên còn mỏng, 1 số chưa được đào tạo nghiệp vụ tư vấn một cách bài bản, chưa có đội ngũ cộng tác viên do không có kinh phí chi cho đội ngũ này. Bên cạnh đó, Sơn La chưa thiết lập hệ thống thông tin thị trường lao động đối với các huyện, thành phố trong tỉnh, do chưa có quy hoạch tổng thể cho hệ thống. Chưa tổ chức hoạt động sàn giao dịch việc làm do thiết bị sàn giao dịch việc làm và kinh phí hỗ trợ cho việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm chưa được cấp. Đặc biệt, thị trường lao động Sơn La chưa phát triển do ở Sơn La chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, chưa thu hút được nhiều lao động vào làm việc. Trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động sơn la chưa đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp.
Để triển khai thực hiện tốt hoạt động giao dịch việc làm trong thời gian tới, Trung tâm Dịch vụ việc làm Sơn La kiến nghị, đề xuất với Cục việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) là cần đẩy mạnh việc triển khai Quyết định số: 1051/QĐ-LĐTBXH ngày 10/8/2018 của Bộ Lao động - TBXH về định mức kinh tế kỹ thuật áp dụng đối với Dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước lĩnh vực việc làm. Thống nhất mô hình tổ chức các phiên giao dịch việc làm mang quy mô vùng, miền vì mỗi vùng, miền có những đặc thù khác nhau. Quan tâm đến công tác kết nối giữa các địa phương có nhu cầu về nguồn lao động với các tỉnh có nguồn lao động lớn.
Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ của các trung tâm dịch vụ việc làm nhằm nâng cao năng lực trong tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động và định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên; Chỉ đạo, hướng dẫn việc nâng tần suất các phiên giao dịch việc làm. Quan tâm đến vấn đề thông tin, tư liệu có liên quan, tạo điều kiện cho cán bộ, nhân viên làm công tác tư vấn, giới thiệu việc làm được tham quan, học hỏi mô hình tiêu biểu để nắm bắt kịp thời những vấn đề mới nhất, trên cơ sở đó mới có đủ điều kiện đẩy mạnh công tác giải quyết việc làm đáp ứng thoả mãn nhu cầu của thị trường lao động hiện nay.
Sơn La cũng mong muốn ngân sách cần đảm bảo kinh phí cho các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, thu thập, phân tích và cung cấp thông tin thị trường lao động, có chính sách riêng của các hoạt động này cho Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh miền núi (Do địa bàn đi lại khó khăn, trình độ dân trí của lao động thấp) thì hoạt động này sẽ hiệu quả hơn. Đồng thời cần có chính sách hỗ trợ ban đầu cho người lao động , đặc biệt lao động ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng cao, vùng biên giới và lao động thuộc dân tộc ít người đi làm việc ngoài tỉnh.
Một vấn đề cần thực hiện nữa là nghiên cứu Logo và đồng phục chung cho hệ thống Trung tâm Dịch vụ việc làm trực thuộc Sở Lao động – TBXH các tỉnh thành phố, tạo hình ảnh riêng, tăng tính chính quy trong tổ chức và hoạt động. Xét, giải quyết kinh phí mua sắm thiết bị sàn giao dịch việc làm, kinh phí thiết bị làm việc và kinh phí hỗ trợ tổ chức giao dịch việc làm cho Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Sơn La để Trung tâm đưa sàn giao dịch việc làm đi vào hoạt động./.
Trần Thị Mỹ Hạnh
TAG: