Sóc Trăng: Gắn kết đào tạo nghề với giải quyết việc làm, tạo sinh kế bền vững cho người nghèo
(LĐXH) - Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Sóc Trăng, trong năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm hơn 4.000 hộ và giảm gần 4.600 hộ cận nghèo. Hiện nay, toàn tỉnh còn gần 4.500 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,34 %, hộ cận nghèo, toàn tỉnh còn hơn 17.000 hộ, chiếm tỷ lệ 5,1%. Có được kết quả trên là do sự đóng góp không nhỏ của Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp và việc làm bền vững, là một trong 7 dự án thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 được thực hiện trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương của tỉnh Sóc Trăng đã luôn quan tâm, dành nguồn lực cho đào tạo nghề, hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Qua đó, mở hướng sản xuất mới, tạo cơ hội để người nghèo vươn lên, ổn định cuộc sống.
Thực hiện Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp và việc làm bền vững, tỉnh Sóc Trăng đã nâng cao quy mô và chất lượng đào tạo nghề, hỗ trợ đào tạo nghề cho người nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn tỉnh, gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với tạo việc làm, sinh kế bền vững; tích cực hỗ trợ người nghèo, người dân ở huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Trong đó, thực hiện Tiểu dự án 3 về hỗ trợ việc làm bền vững, năm 2024, Sóc Trăng đã hỗ trợ đầu tư hiện đại hóa Sàn giao dịch Việc làm – Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh; tổ chức thành công 101 Phiên giao dịch việc làm trực tiếp và trực tuyến, tăng 09 phiên so với cùng kỳ. Trong đó: 12 phiên trực tiếp tại sàn, 10 phiên trực tuyến và 79 phiên trực tiếp tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. (Có 71 phiên thực hiện theo kế hoạch của các địa phương triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025).
Bên cạnh đó, Trung tâm DVVL còn tổ chức tư vấn việc làm trong nước và nước ngoài: 25.068/25.000 người, đạt 100,27% kế hoạch, tăng 11,02% so với cùng kỳ. Giới thiệu và cung ứng việc làm trong nước cho 2.206 lượt người, tăng 2,6% so với cùng kỳ. Tư vấn, giới thiệu người lao động đăng ký đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cho 271 người; tổ chức giới thiệu, cung ứng 154 người. Xuất cảnh cho 68/45 người, đạt 151,11% kế hoạch.
Tính đến tháng 11/2024, Trung tâm đã thu thập 668/550 lần thông tin, đạt 121,46% kế hoạch năm, so với cùng kỳ năm 2023 tăng 28,22% (tăng 147 lượt); cung cấp 615/500 lượt thông tin, đạt 123% kế hoạch năm, so với cùng kỳ năm 2023 tăng 30,85% (giảm 145 lượt).
Nhìn chung, Tiểu dự án 3 thuộc Dự án 4 được triển khai trên địa bàn tỉnh đã được Sóc Trăng triển khai đồng bộ và hiệu quả và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, tỉnh vẫn còn gặp một số khó khăn hạn chế cần được tháo gỡ. Điển hình như Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp và việc làm bền vững chỉ hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người lao động có thu nhập thấp. Trong khi, người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo phần lớn không có khả năng lao động hoặc quá độ tuổi lao động, còn đối tượng người lao động có thu nhập thấp chưa thực hiện được vì chưa có văn bản hướng dẫn xác định người lao động có thu nhập theo Quyết định số 90/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Các đối tượng thụ hưởng giữa các Chương trình MTQG tính theo tiêu chí còn trùng với nhau. Hay như cùng là người DTTS, nhưng không thuộc vùng đồng bào DTTS thì chưa được hỗ trợ học nghề, giải quyết việc làm dù hoàn cảnh gia đình còn rất khó khăn. Thực tế triển khai còn cho thấy, chương trình đào tạo một số ngành, nghề vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu vị trí việc làm trong doanh nghiệp. Đa số các khóa học tập trung vào ngành, nghề nông nghiệp, tiểu thủ công truyền thống, trong khi các ngành, nghề kỹ thuật cao, dịch vụ và công nghiệp hiện đại lại chưa được quan tâm đúng mức. Điều này khiến chất lượng, cơ hội việc làm sau đào tạo chưa được mở rộng, nhất là trong bối cảnh thị trường lao động thay đổi nhanh chóng.
Với những giải pháp và sự hỗ trợ từ các cấp, các ngành trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tin tưởng rằng việc triển khai Dự án 4 nói chung và Tiểu dự án 3 về hỗ trợ việc làm bền vững cho người lao động, đặc biệt là lao động thuộc vùng nghèo, vùng khó khăn, vùng đồng bào DTTS của tỉnh sẽ tiếp tục đạt được những bước tiến mới, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống cho lao động vùng nghèo, vùng khó khăn nói chung và cho người lao động là người DTTS nói riêng.
Nguyễn Thị Hà Giang
TAG: