Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Quý I/2021: 9,1 triệu lao động từ 15 tuổi bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
11:37 AM 16/04/2021
(LĐXH) - Đây là thông tin được Tổng cục Thống kê công bố vào sáng 16/4. Theo đó, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức và lao động thiếu việc làm đều tăng so với quý trước và cùng kỳ năm trước. Điểm sáng đáng lưu ý nhất trong quý I của thị trường lao động là sự gia tăng mức thu nhập từ công việc của người lao động so với quý trước và cùng kỳ năm trước.
Báo cáo tổng quan về tình hình lao động việc làm trong quý I năm 2021, ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động,  cho biết: Thị trường lao động Việt Nam đã hứng chịu những tác động xấu do sự bùng phát lần thứ 3 của Đại dịch Covid 19. Kết quả điều tra lao động việc làm quý I năm 2021 ghi nhận số người tham gia thị trường lao động giảm so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Trong quý đầu năm 2021, cả nước có 9,1 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên chịu ảnh hưởng của dịch Covid 19. Lực lượng lao động giảm so với quý trước và cùng kỳ năm trước, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng, đạt 26,0%
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý I năm 2021 là 51,0 triệu người, giảm 1,1 triệu người so với quý trước và giảm 180,9 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.
So sánh với quý trước, sự sụt giảm của lực lượng lao động là xu thế thường quan sát được trong nhiều năm kể cả những năm trước khi xảy ra đại dịch do tâm lý “tháng giêng là tháng ăn chơi” của nhiều lao động sau kì nghỉ Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, sự bùng phát trở lại của đại dịch Covid-19 ngay trước dịp Tết Nguyên đán đã làm thay đổi xu thế tăng thường thấy so với cùng kỳ các năm trước. Thông thường, theo đà tăng dân số, lực lượng lao động năm sau luôn tăng so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lực lượng lao động quý I năm 2021 xuống thấp hơn cùng kỳ năm trước gần 200 nghìn người và thấp hơn cùng kỳ khi chưa có dịch (năm 2019) khoảng 600 nghìn người.

Ông Phạm Quang Vinh, Phó cục trưởng Tổng cục Thống kê
Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý I năm 2021 ước tính là 68,7%, giảm 1,6 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 1,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ là 62,6%, thấp hơn 12,7 điểm phần trăm so với nam (75,3%). Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của khu vực thành thị là 66,7%, trong khi đó tỷ lệ này ở nông thôn là 69,9%. Xem xét theo nhóm tuổi, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở khu vực thành thị thấp hơn khu vực nông thôn ở hầu hết các nhóm tuổi, trong đó chênh lệch nhiều nhất được ghi nhận ở nhóm 15-24 tuổi (thành thị: 41,2%; nông thôn: 48,0%) và nhóm từ 55 tuổi trở lên (thành thị: 35,0%; nông thôn: 47,9%).
Sự bùng phát lần thứ 3 của đại dịch Covid-19 đã làm suy giảm đà phục hồi của thị trường lao động đã đạt được trong 2 quý cuối năm 2020.
Tại Hội nghị, bà Valentina Baccuci, chuyên gia kinh tế lao động thuộc ILO tại Việt Nam cũng đã trao đổi về ý kiến của Tổ chức lao động quốc tế về việc áp dụng khung khái niệm mới ICLS 19 ở Việt Nam. Theo đó, khung khái niệm này có tên gọi chung là tiêu chuẩn ICLS 19 được ban hành để thay thế tiêu chuẩn ICLS 13, năm 1982. Tiêu chuẩn ICLS 19 ra đời thay thế tiêu chuẩn ICLS 13 trong bối cảnh tốc độ khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ, nền kinh tế của hầu hết các quốc gia trên thế giới đã chuyển mạnh sang nền kinh tế thị trường hiện đại với tình trạng phụ thuộc vào các sản phẩm tự cung tự cấp hầu như không đáng kể. Theo tiêu chuẩn mới ICLS 19, những người làm việc với mục đích sản xuất sản phẩm tự cung tự cấp trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản sẽ không được xác định là những người có việc làm như quy định trước đây của tiêu chuẩn ICLS 13. Tiêu chuẩn ICLS 19 được khuyến nghị sử dụng chung trên toàn thế giới với mục tiêu đảm bảo tính so sánh giữa các nền kinh tế thị trường có trình độ phát triển khác nhau của tất cả các quốc gia.
Bà Valentina Baccuci, chuyên gia kinh tế lao động thuộc ILO tại Việt Nam
Trong quý I năm 2021, số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 49,9 triệu người, giảm 959,6 nghìn người so với quý trước và giảm 177,8 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giảm chủ yếu ở khu vực nông thôn và ở nam giới (tương ứng là giảm 491,5 nghìn người và 713,4 nghìn người so với cùng kỳ năm trước).
Trong năm 2020, sự bùng phát mạnh của dịch Covid-19 đã làm thị trường lao động suy giảm mạnh trong quý II, số lao động có việc làm giảm từ 50,1 triệu người trong quý I xuống còn 48,1 triệu người, giảm gần 2 triệu người. Cũng trong năm này ở hai quý tiếp theo, do sự kiểm soát dịch tốt cùng việc thực hiện nới lỏng cách ly xã hội và những chính sách hỗ trợ ảnh hưởng của Chính phủ, thị trường lao động có có sự phục hồi trở lại, lao động có việc làm tăng lên đạt mức 50,9 triệu người, gần đạt được mức trước khi xảy ra dịch Covid-19 là 51,0 triệu người. Tuy nhiên, đến quý I năm 2021, sự bùng phát trở lại của đại dịch Covid với những diễn biến phức tạp ngay trong dịp Tết nguyên đán, đã làm giảm đà phục hồi của thị trường lao động đã đạt được trước đó. Lao động có việc làm giảm còn 49,9 triệu người, giảm 1,8% so với quý trước và giảm 0,36% so với cùng kỳ năm trước.
Trong quý I năm 2021, số người có việc làm phi chính thức là 20,7 triệu, giảm 251,7 nghìn người so với quý trước và tăng 525,4 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức quý I năm 2021 là 57,1%, tăng 1,1 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ này tăng cao ở khu vực nông thôn (tăng so với quý trước và cùng kỳ năm trước tương ứng là 2,1 và 2,6 điểm phần trăm) và ở nữ giới (tăng so với quý trước và cùng kỳ năm trước tương ứng 1,8 và 2,5 điểm phần trăm).
Các đại biểu tham dự hội nghị
Dịch Covid-19 bùng phát lần thứ ba ngay trước và trong dịp Tết nguyên đán làm tăng đáng kể số lao động thiếu việc làm so với quý trước và cùng kỳ năm trước
Số người lao động thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý I năm 2021 là 971,4 nghìn người; tăng 143,2 nghìn người so với quý trước và tăng 78,7 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý I năm 2021 là 2,20%; tăng 0,38 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,22 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý I năm 2021 ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 3,88%, khu vực công nghiệp và xây dựng là 1,51%; khu vực dịch vụ là 1,76%. Mặc dù khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản vẫn có tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động cao nhất nhưng so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ thiếu việc làm trong khu vực này đã giảm đi 0,8 điểm phần trăm, trong khi đó tỷ lệ này ở khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 0,86 điểm phần trăm và khu vực dịch vụ tăng 0,31 điểm phần trăm. Rõ ràng, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã làm tình trạng thiếu việc làm lan rộng sang cả khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.
Toàn cảnh Hội nghị
Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I năm 2021 là gần 1,1 triệu người, giảm 137,0 nghìn người so với quý trước và tăng 12,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I năm 2021 là 2,42%, giảm 0,21 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,08 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ này ở khu vực thành thị là 3,19%, giảm 0,51 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Thu nhập bình quân tháng của người lao động quý I năm 2021 đạt 6,3 triệu đồng, tăng 339 nghìn đồng so với quý trước và tăng 106 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân tháng của lao động nam cao hơn 1,4 lần của lao động nữ (tương ứng 7,3 triệu đồng so với 5,2 triệu đồng); thu nhập bình quân lao động khu vực thành thị cao hơn 1,5 lần lao động khu vực nông thôn (tương ứng 7,9 triệu đồng so với 5,4 triệu đồng).
Tính chung quý I năm 2021 so với cùng kỳ năm trước, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ghi nhận tốc độ tăng thu nhập bình quân cao nhất, tăng 5,2%; khu vực dịch vụ có tốc độ tăng là 1,5% và khu vực công nghiệp và xây dựng có tốc độ tăng thu nhập bình quân thấp nhất, tăng 0,8%.
Thu nhập bình quân tháng của lao động làm công ăn lương quý I năm 2021 đạt 7,2 triệu đồng, tăng 556 nghìn đồng so với quý trước và tăng 132 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Lao động nam có thu nhập bình quân cao gấp 1,2 lần lao động nữ (7,6 triệu đồng so với 6,6 triệu đồng).
Hà Giang

 

TIN LIÊN QUAN
TAG:
Tin khác
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
Huyện Phú Vang: Triển khai hiệu quả công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Kiên Giang tập trung thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm và giáo dục nghề nghiệp
Huyện Định Hóa: Tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Thành phố Thái Nguyên: Nhiều cơ hội việc làm cho người lao động tại Ngày hội việc làm năm 2024
Cà Mau: Giải quyết việc làm cho hơn 42.000 lao động trong 9 tháng đầu năm 2024
Hội thao kỹ thuật cấp cứu mỏ: Duy trì tác phong cứu hộ chuyên nghiệp và kỷ luật