Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Trang chủ / Lao động / Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Quảng Ngãi khó cân đối ngân sách để hỗ trợ lao động tự do
05:04 PM 25/09/2021
(LĐXH)- Hiện nay, kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 ở Quảng Ngãi là khá lớn, do phát sinh nhiều đối tượng. Vì vậy, tỉnh chưa ban hành chính sách hỗ trợ lao động tự do vì dự kiến kinh phí hỗ trợ vượt quá khả năng cân đối ngân sách của địa phương.
Theo báo cáo ngày 24/9/2021 của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Quảng Ngãi về kết quả thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, cho thấy: Tình hình người lao động tự do của tỉnh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khá nhiều. Dự kiến với số lượng khoảng 137.246 người, kinh phí hỗ trợ dự kiến 137,246 tỷ đồng (mức bình quân 01 triệu đồng/người lao động); nếu hỗ trợ mức cao nhất là 1,5 triệu đồng/người, kinh phí là 205,869 tỷ đồng.
Tuy nhiên, hiện tại tỉnh Quảng Ngãi còn nhiều khó khăn, từ năm 2019 đến nay hụt thu ngân sách địa phương lớn (năm 2019 là 2.681 tỷ đồng, năm 2020 là 3.157 tỷ đồng). Bên cạnh đó, nguồn dự phòng ngân sách địa phương hiện nay ưu tiên sử dụng chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các nhiệm vụ khẩn cấp khác của tỉnh. Vì vậy, kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng lao động tự do gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 theo dự kiến vượt quá khả năng cân đối ngân sách địa phương, nên tỉnh chưa ban hành chính sách hỗ trợ nhóm đối tượng này.

Lao động tự do ở Quảng Ngãi vẫn chưa được nhận gói hỗ trợ khó khăn do dịch bệnh Covid-19

Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Quảng Ngãi: Thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, các Sở, ban ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và đơn vị có liên quan ở Quảng Ngãi đã triển khai thực hiện kịp thời, đảm bảo đúng đối tượng, đúng chế độ hỗ trợ. Bên cạnh việc tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch để tổ chức thực hiện, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đã ban hành các văn bản hướng dẫn các địa phương, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh thực hiện các nhiệm vụ theo từng lĩnh vực của Ngành được phân công quản lý trong thời gian diễn ra dịch bệnh Covid-19.
“Đặc biệt, các cơ quan, đơn vị, chính quyền các cấp ở Quảng Ngãi đã tích cực chung tay trong việc triển khai rà soát, thống kê, lập danh sách các nhóm đối tượng; chế độ niêm yết các văn bản, thủ tục và danh sách các nhóm đối tượng được thực hiện công khai, minh bạch tại các xã, phường, thị trấn” - Phó Giám đốc Nguyễn Hữu Dũng, cho biết.
Kết quả cụ thể của từng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg tính đến ngày 24/9, gồm: Giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 2.472 doanh nghiệp, tương ứng với 82.182 lao động, tổng kinh phí hơn 4,379 tỷ đồng. Tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí tử tuất cho 04 doanh nghiệp với 41 lao động, số tiền hơn 264 triệu đồng.
Tỉnh Quảng Ngãi đã có 671 lao động được thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, tổng kinh phí trên 2,485 tỷ đồng. Thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc cho 17 người, số tiền hỗ trợ là 17 triệu đồng.
Về chính sách hỗ trợ bổ sung và trẻ em (người lao động đang mang thai, đang nuôi con hoặc chăm sóc thay thế, trẻ em bị nhiễm Covid hoặc cách ly y tế), toàn tỉnh đã có 42 người lao động, 346 trẻ em được hỗ trợ với kinh phí 388 triệu đồng. Hỗ trợ tiền ăn đối với người phải điều trị nhiễm Covid-19 (F0) và người cách ly y tế (F1), gồm: hỗ trợ 21 người F0, số tiền 43,15 triệu đồng; hỗ trợ F1 là 486 người, kinh phí 592,8 triệu đồng.
Quảng Ngãi cũng đã hỗ trợ 14 viên chức hoạt động nghệ thuật với số 51,94 triệu đồng và 19 hướng dẫn viên du lịch với kinh phí 70,49 triệu đồng.
Bên cạnh đó, toàn tỉnh còn có 173 hộ kinh doanh được hỗ trợ với số tiền 519 triệu đồng. 04 doanh nghiệp, tương ứng với 176 người lao động đã được giải ngân thực hiện chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, tổng kinh phí là 603,68 triệu đồng.
Hiện tại, tỉnh Quảng Ngãi có 2 nhóm chính sách theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg chưa phát sinh hồ sơ đề nghị hưởng là hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động và hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Chí Tâm

TAG:
Tin khác
Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Phước: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách Bảo hiểm thất nghiệp
Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Phước: Chủ động giải quyết chính sách Bảo hiểm thất nghiệp
Hà Nội: Thị trường lao động cuối năm có nhiều chuyển biến tích cực
Sóc Trăng: Gắn kết đào tạo nghề với giải quyết việc làm, tạo sinh kế bền vững cho người nghèo
Quảng Ninh: Đẩy mạnh các hoạt động kết nối, giải quyết việc làm cho người lao động
Tìm giải pháp nâng cao chất lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài
Yên Bái thúc đẩy nhân quyền, dành nhiều sự hỗ trợ về giải quyết việc làm cho người lao động
Trung tâm Dịch vụ việc làm Sơn La: Chủ động giải quyết chính sách Bảo hiểm thất nghiệp
Một số khó khăn và nguyên nhân khi thực hiện chính sách Bảo hiểm thất nghiệp ở Sơn La