Quảng Nam: Hơn 12,3 nghìn tỷ thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững
(LĐXH) – Theo số liệu thống kê, tính đến cuối năm 2020, toàn tỉnh Quảng Nam có 416 hộ nghèo (2.076 khẩu) thuộc đối tượng chính sách người có công, phân bố trên địa bàn 12 huyện. Phần lớn hộ nghèo thuộc chính sách người có công tập trung ở các huyện miền núi, như: Bắc Trà My, Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Hiệp Đức, Phước Sơn, Nam Trà My...
Phần lớn hộ nghèo thuộc chính sách người có công ở Quảng Nam thiếu hụt các chỉ số dịch vụ xã hội cơ bản về nhà ở, nước sinh hoạt và nhà vệ sinh, thông tin.
Tỷ lệ hộ nghèo cao gấp 1,6 lần so với mức bình quân của cả nước
Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam cuối năm 2020 đã thống nhất phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 với 25 nhóm chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Trong đó, Quảng Nam phấn đấu đến cuối năm 2025, tỉ lệ hộ nghèo của toàn tỉnh giảm còn 2,87% (trong đó, tỉ lệ hộ nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội khoảng 1,83%) và đặt mục tiêu đến năm 2025, tỉ lệ che phủ rừng đạt 61%.
tỉnh Quảng Nam vẫn còn nhiều khó khăn
Hiện nay, tỉ lệ hộ nghèo của tỉnh Quảng Nam cao gấp 1,6 lần so với mức bình quân chung của cả nước, trong đó, tỉ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới hơn 40%. Mặc dù đã bỏ ra hàng nghìn tỉ đồng để thực hiện giảm nghèo nhưng thiên tai cuối năm 2020 đã “quét” đi nhiều nỗ lực của các huyện miền núi trong phát triển sinh kế cho người dân. Vì vậy, dù nỗ lực đến đâu nếu không bảo vệ được rừng, người dân vẫn bị thiệt hại về tài sản lẫn tính mạng.
Được biết, giai đoạn 2016-2020, tổng kinh phí huy động để thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, các chính sách giảm nghèo thường xuyên của tỉnh Quảng Nam là hơn 12,3 nghìn tỉ đồng. Từ nguồn kinh phí trên, các ngành, địa phương trong tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều chính sách về giảm nghèo bền vững. Sau 5 năm triển khai Chương trình, nhìn chung các huyện nghèo và xã nghèo đều đạt và vượt mục tiêu giảm nghèo chung của tỉnh; đặc biệt đã hạn chế tình trạng tái nghèo xảy ra trên địa bàn tỉnh. Đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 6,06%, bình quân giảm 1,71%/năm. Toàn tỉnh còn 10.922 hộ cận nghèo, tỷ lệ 2,58%; giảm 3,62% bình quân giảm 0,91%/năm. Toàn tỉnh giảm 18 xã nghèo ĐBKK vùng DTTS, miền núi; giảm 11 xã nghèo vùng bãi ngang ven biển, hải đảo. Hiện nay, toàn tỉnh còn 6 huyện nghèo theo Quyết định số 275/Q-TTg; 71 xã nghèo ĐBKK vùng bãi ngang ven biển, hải đảo và vùng DTTS và miền núi. Nhìn chung, các huyện nghèo và xã nghèo đều đạt và vượt mục tiêu giảm nghèo chung của tỉnh; đặc biệt đã hạn chế tình trạng tái nghèo xảy ra trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, đến nay 100% xã, thị trấn của 06 huyện nghèo có đường ô tô đến trung tâm xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định; 100% số xã có trạm y tế xã phục vụ khám chữa bệnh ban đầu, đủ điều kiện khám chữa bệnh BHYT; 80% hộ gia đình được sử dụng nước hợp vệ sinh; mạng lưới giáo dục đảm bảo đáp ứng nhu cầu học tập và phổ biến kiến thức cho người dân…
Hướng tới mục tiêu phát triển song song ngành công nghiệp và dịch vụ
Năm 2020, Quảng Nam là một trong những tỉnh có tăng trưởng âm, một phần là do ngành Du lịch dịch vụ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Chính vì vậy, tỉnh Quảng Nam đặt mục tiêu sẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển song song ngành công nghiệp và dịch vụ, phấn đấu đến năm 2030 là tỉnh có cơ cấu kinh tế thương mại dịch vụ - công nghiệp xây dựng - nông nghiệp cân bằng nhau.
Bên cạnh đó, Quảng Nam sẽ chuyển các ngành kinh tế truyền thống sang kinh tế hiện đại, phát triển bền vững theo chiều sâu, chủ yếu dựa vào lợi thế đổi mới công nghệ, thân thiện môi trường, ít hao tốn tài nguyên, năng suất và giá trị gia tăng cao. Đặc biệt, tỉnh sẽ ưu tiên đầu tư cho vùng động lực phía đông, nhưng phải đảm bảo sự kết nối, tương hỗ phát triển với vùng tây.
Với việc xác định ngành Du lịch, dịch vụ vẫn là kinh tế mũi nhọn, Quảng Nam sẽ đẩy mạnh xã hội hóa, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, nhất là chuỗi liên kết du lịch đáp ứng bộ tiêu chuẩn du lịch quốc tế, đi đôi với bảo tồn, phát triển di tích, di sản, nhất là di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn, khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm - Hội An, cảnh quan thiên nhiên, quảng bá hình ảnh, văn hóa con người Quảng Nam.
Đối với phát triển công nghiệp bền vững theo chiều sâu, tỉnh sẽ xây dựng các khu, cụm liên kết ngành tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; thu hút và phát triển nhóm ngành công nghiệp chủ lực; duy trì quy mô hiện tại, tăng giá trị sản xuất trực tiếp, giảm gia công đối với ngành Dệt may và công nghiệp hỗ trợ ngành May, da giày. Đơn cử như việc phát triển Khu kinh tế mở Chu Lai giai đoạn mới đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Quảng Nam đặt mục tiêu Chu Lai sẽ trở thành khu kinh tế động lực của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước. Đây là khu công nghiệp chuyên nông, lâm nghiệp nhằm thu hút các dự án công nghiệp chế biến, bảo quản sản phẩm phục vụ xuất khẩu quy mô lớn.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ phát triển dịch vụ tài chính, các nhóm dự án dịch vụ vận tải, hậu cần cảng và logistics gắn với cảng biển và sân bay Chu Lai; phấn đấu xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai trở thành trung tâm tài chính và dịch vụ logistics của vùng.
Thục Quyên
TIN LIÊN QUAN
TAG: