Phòng, chống TNXH
Trang chủ / Xã hội / Phòng, chống TNXH
Quảng Ngãi: Tích cực thực hiện các giải pháp phòng, chống tệ nạn mại dâm
03:36 PM 23/12/2024
(LĐXH) - Theo số liệu thống kê, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có khoảng 1.235 cơ sở hoạt động kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, dễ phát sinh tệ nạn mại dâm, gồm: 570 cơ sở lưu trú, 01 quán bar, 125 quán karaoke, nhà hàng, massage và 539 cơ sở, loại hình khác. Những năm qua, tỉnh cũng đặc biệt quan tâm công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm, góp phần giữ vững trật tự an ninh chính trị, an toàn xã hội trên địa bàn.
Tập huấn công tác phòng, chống mại dâm năm 2024 trên địa bàn tỉnh

Tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Pháp lệnh phòng, chống mại dâm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện; phối hợp tổ chức tập huấn công tác phòng, chống mại dâm tại cộng đồng năm 2024. Hướng dẫn Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí để thực hiện về công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm năm 2024.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội về thực hiện chương trình phòng, chống mại dâm. Trong đó, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội trong năm 2024 đã tổ chức 18 lớp truyền thông “Nâng cao nhận thức về phòng, chống xâm hại trẻ em, bảo vệ trẻ em trên không gian mạng” cho 1.920 cha, mẹ, người chăm sóc trẻ. Phối hợp với các ngành chức năng, các hội đoàn thể, tổ chức xã hội tuyên truyền, phát động phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” ở 206 khu dân cư, 168 xã, phường, thị trấn với 269.358 lượt người tham dự, 20 trường PTTH và 43 trường THCS với 54.565 lượt giáo viên, học sinh tham gia; Kết hợp phổ biến pháp luật phòng, chống mại dâm, ma túy, tuyên truyền tác hại của tệ nạn mại dâm đến cơ quan, doanh nghiệp, trường học; Tổ chức cho học sinh, sinh viên ký cam kết không tham gia hoặc liên quan đến tệ nạn ma túy; Tổ chức 05 lớp tập huấn, hội nghị tổng kết chương trình về công tác phòng, chống mại dâm cho khoảng 600 lượt người làm công tác phòng chống tệ nạn xã hội ở huyện Bình Sơn…

Các sở, ban ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các Quy chế phối hợp trong triển khai các hoạt động nhằm thúc đẩy phòng, chống tệ nạn xã hội, phòng chống mại dâm; Thường xuyên phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật, chính sách liên quan đến phòng, chống mại dâm; Tổ chức đánh giá kết quả đạt được, những khó khăn, hạn chế, rút ra bài học kinh nghiệm, kịp thời động viên, khích lệ những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, phòng chống mại dâm để kịp thời khen thưởng.

Thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, đấu tranh xử lý, trong năm 2024, Công an tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức truy quét, triệt phá, bắt và xử lý 02 vụ, với 06 đối tượng liên quan đến hoạt động mại dâm, trong đó xử lý hành chính 02 vụ, với 06 đối tượng (03 mua dâm, 03 bán dâm). Tổ chức 05 lớp tập huấn cho hơn 600 thành viên Đội công tác xã hội tình nguyện tại cơ sở với các nội dung về Luật Phòng, chống mại dâm; kỹ năng cơ bản của tình nguyện viên trong công tác phòng, chống mại dâm tại cơ sở; phòng chống HIV/AIDS và các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục trong công tác phòng, chống mại dâm.

Nhìn chung, công tác phòng, chống mại dâm tại Quảng Ngãi đã có sự phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện giữa các ngành, các địa phương. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về phòng, chống các loại tệ nạn xã hội nói chung và tệ nạn mại dâm nói riêng được quan tâm, qua đó góp phần bảo đảm tình hình an ninh trật tự ở địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số hạn chế như: Một số địa phương chưa thực hiện tốt việc phát động phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm”, chưa chú trọng đến công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia đẩy lùi những nguyên nhân phát sinh tệ nạn mại dâm. Phần lớn đối tượng người bán dâm thường hay dấu kín thông tin, bỏ địa phương đi nơi khác làm ăn, tránh mặc cảm và kỳ thị của xã hội nên khó theo dõi, quản lý. Công tác hỗ trợ người bán dâm thông qua các chương trình đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ vốn tại cộng đồng ở nhiều địa phương hiệu quả chưa cao. Chế độ trao đổi thông tin, báo cáo về công tác phòng, chống mại dâm một số ngành, địa phương chưa kịp thời.

Thêm vào đó, tình hình tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh luôn biến động theo từng địa bàn, từng thời điểm và tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Các đối tượng mại dâm tham gia nhóm kín trên các trang web, trên mạng xã hội để giới thiệu, tiếp thị, thỏa thuận mua và bán dâm, tổ chức môi giới để hưởng hoa hồng, tiền công môi giới; một số con em các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh lười lao động, bị dụ dỗ làm việc nhẹ, lương cao để lừa gạt, cưỡng ép bán dâm. Hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm tiếp tục có chiều hướng gia tăng. Bên cạnh những cơ sở, dịch vụ kinh doanh chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về phòng, chống mại dâm, vẫn còn xảy ra ở một số cơ sở kinh doanh lợi dụng sơ hở trong công tác kiểm tra, quản lý của chính quyền địa phương để tổ chức môi giới hoặc dẫn dắt, tạo điều kiện cho các đối tượng hoạt động tệ nạn mại dâm ngay tại cơ sở kinh doanh của mình nhằm thu lợi bất chính, gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự tại địa phương.

Thời gian tới, tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Pháp lệnh phòng, chống mại dâm; Tăng cường công tác kiểm tra liên ngành về phòng, chống tệ nạn mại dâm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng hoạt động mại dâm trên địa bàn tỉnh năm 2025. Chú trọng công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về phòng, chống mại dâm theo chương trình, kế hoạch của tỉnh đã được ban hành.

Phối hợp với Công an tỉnh trong việc đấu tranh, xử lý các ổ nhóm, các đường dây liên quan đến hoạt động mại dâm, tập trung đấu tranh tội phạm chứa môi giới, tổ chức hoạt động mại dâm; ngăn chặn các điểm phức tạp về tệ nạn mại dâm; bảo đảm quyền bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ xã hội của người bán dâm, tạo cơ hội giúp họ hòa nhập cộng đồng.

Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, nhất là phong trào quần chúng tham gia phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm. Tiếp tục các biện pháp tuyên truyền, giáo dục phù hợp với từng địa bàn, đối tượng. Tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin giữa các ngành, đơn vị, địa phương trong công tác quản lý về phòng, chống mại dâm, tội phạm tổ chức mại dâm./.
Minh Anh
TAG:
Tin khác
Hiệu quả từ những chương trình, dự án giảm nghèo ở vùng biên giới biển Sóc Trăng
Những tấm gương thương binh ở Nam Định vươn lên chiến thắng đói nghèo
Chủ động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống mại dâm
Nghệ An nâng cao chất lượng công tác bình đẳng giới
Nhìn lại công tác phòng, chống mại dâm tại một số địa bàn trọng điểm
Tăng cường tuyên truyền nhận biết các hình thức mại dâm trá hình
Huyện Thạnh Trị: Phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách để giảm nghèo bền vững
Nghệ An: Triển khai nhiều hoạt động phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em
Nghệ An: Phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em