Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Ninh Thuận, ngành LĐTBXH đã tổ chức thực hiện tốt, đầy đủ, kịp thời các chương trình, hoạt động lớn trong năm 2024; tổ chức thành công Hội nghị Biểu dương Người có công với cách mạng tiêu biểu và Lễ phát động xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa năm 2024; Tổ chức đưa đoàn đại biểu người có công tiêu biểu của tỉnh đi tham dự Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc; Đưa trên 840 thân nhân liệt sĩ đi thăm viếng mộ tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Bình Thuận và trên 700 thân nhân đi viếng Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Ninh Thuận trên 700 thân nhân; Tổ chức tốt điều dưỡng phục hồi sức khỏe theo niên hạn đối với 762 người, điều dưỡng tập trung 198 người; Thực hiện chế độ Bảo hiểm y tế cho 100% đối tượng người có công và thân nhân với trên 4.400 người/năm.
Cùng với đó, Sở LĐTBXH đã thực hiện điều chỉnh mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng theo Nghị định số 77/2024/NĐ-CP cho 2.883 đối tượng, tổng số tiền trợ cấp, phụ cấp tăng thêm 01 tháng hơn 2,3 tỷ đồng. Điều chỉnh trợ cấp hàng tháng 16 đối tượng theo Thông tư số 53/2024/TT-BQP ngày 17/9/2024 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Thông tư số 44/2024/TT-BCA ngày 23/9/2024 của Bộ Công an do ngành LĐTBXH quản lý. Hướng dẫn các địa phương thực hiện chế độ trợ cấp hằng tháng, phụ cấp hằng tháng, trợ cấp một lần và các chế độ ưu đãi khác đối với người có công với cách mạng, thân nhân của người có công trên cơ sở nguyên tắc đúng, đủ, kịp thời theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; Nghị định số 131/2021/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn. Trong năm, đã chi trả trợ cấp, phụ cấp hàng tháng cho trên 3 nghìn đối tượng người có công và thân nhân người có công với cách mạng, kinh phí gần 07 tỷ đồng/tháng, 100 tỷ đồng/năm; từ tháng 7/2024 số tiền trợ cấp, phụ cấp tăng thêm 2.314 triệu đồng/tháng. Ngoài nguồn ngân sách Trung ương, kinh phí cấp từ nguồn ngân sách địa phương trên 6 tỷ đồng/năm. Cùng với chi trả trợ cấp hàng tháng, thực hiện chi trợ cấp một lần các ưu đãi trong y tế, giáo dục – đào tạo, dụng cụ chỉnh hình, điều dưỡng phục hồi sức khỏe... Việc chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng được thực hiện qua dịch vụ Bưu điện đảm bảo chính xác, kịp thời. 100% hồ sơ tiếp nhận từ Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh và cổng dịch vụ công liên thông Đăng ký khai tử - Xóa đăng thường trú - Trợ cấp mai táng và hỗ trợ chi phí mai táng đã giải quyết kịp thời trước, đúng hạn, không có hồ sơ trễ hạn.
Trong năm cũng đã hỗ trợ 08 nhà ở cho người có công (trong đó: xây mới: 07 nhà/540 triệu đồng; sửa chữa: 02 nhà/60 triệu đồng) từ nguồn kinh phí Quỹ Đền ơn đáp nghĩa tỉnh. Công tác sửa chữa, cải tạo, nâng cấp Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh và mộ liệt sĩ được thực hiện hàng năm từ nguồn ngân sách Trung ương thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công và ngân sách địa phương. Hiện tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh đang quản lý 1.168 mộ; Sở LĐTBXH đã phối hợp cùng các tổ chức, cá nhân tìm kiếm, quy tập cất bốc và di chuyển 09 hài cốt liệt sĩ về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh.
Đến thời điểm này, địa phương đã duy trì 100% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ người có công. Phong trào Đền ơn đáp nghĩa được triển khai rộng khắp trên toàn tỉnh, huy động mọi nguồn lực trong xã hội, cộng đồng cùng Nhà nước chăm sóc tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của người có công với cách mạng. Cùng với sự nỗ lực vươn lên của chính thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng, đời sống vật chất và tinh thần của người có công không ngừng được nâng lên, đến nay 99,6% hộ người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú
Ninh Thuận phấn đấu những năm tiếp đến, 100% người có công và gia đình người có công với cách mạng sẽ được chăm lo toàn diện cả về vật chất và tinh thần, có mức sống từ trung bình khá trở lên so với mức sống của cộng đồng dân cư nơi cư trú. Trước mắt, trong năm 2025, toàn tỉnh tiếp tục thực hiện tốt Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, Nghị định và các văn bản hướng dẫn; triển khai đầy đủ, kịp thời, hiệu quả, bảo đảm công khai, minh bạch chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt đến các đối tượng hưởng chính sách trên địa bàn các huyện, thành phố. Cập nhật kịp thời dữ liệu người có công đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống” trên hệ thống cơ sở dữ liệu người có công với cách mạng. Thực hiện có hiệu quả phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, duy trì xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công, huy động mọi nguồn lực trong xã hội, cộng đồng cùng nhà nước chăm sóc tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của người có công với cách mạng; tăng cường vận động, hỗ trợ, tôn tạo, nâng cấp các công trình ghi công liệt sĩ đảm bảo khang trang…
Đăng Doanh