Phòng, chống TNXH
Trang chủ / Xã hội / Phòng, chống TNXH
Bình Dương: Tăng cường kiểm tra và xử lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm dễ phát sinh tệ nạn xã hội
10:20 PM 23/12/2024
(LĐXH) - Cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, các cấp, các ngành tỉnh Bình Dương cũng tăng cường phối hợp thực hiện tốt công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác này, từ đó giúp họ chủ động trong phòng, chống mại dâm.
Tập huấn triển khai chính sách pháp luật về công tác phòng, chống mại dâm
trên địa bàn thị xã Bến Cát năm 2024
Bình Dương là tỉnh thuộc khu vực miền Đông Nam Bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong những năm qua, tỉnh đã thu hút một lượng lớn người lao động từ các tỉnh thành về làm việc, sinh sống. Điều này, một mặt cung ứng được nguồn lao động dồi dào cho sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế- xã hội; mặt khác cũng gây ra những khó khăn trong công tác bảo đảm an sinh xã hội, an ninh trật tự và phòng chống tệ nạn xã hội, đặc biệt là ma túy và mại dâm.
Theo khảo sát, tính đến hiện nay, tỉnh Bình Dương hiện có 2.172 cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm dễ phát sinh tệ nạn xã hội, trong đó có 769 cơ sở lưu trú (nhà nghỉ, khách sạn, nhà trọ, nhà cho thuê,…); 185 nhà hàng, quán karaoke và cơ sở massage; 01 vũ trường và 993 loại hình khác (quán bia, nhà hàng ăn uống, quán cà phê, cắt tóc gội đầu thư giãn…). Số người lao động làm việc trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm hiện nay là hơn 7.400 người, trong đó có ký kết hợp đồng lao động là 2.357 người.
Căn cứ các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác phòng, chống mại dâm, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã chủ động phối hợp với các sở, ngành xây dựng các Kế hoạch để triển khai thực hiện; phối hợp cùng các ban, ngành, đoàn thể và các huyện, thị, thành phố tổ chức lồng ghép tuyên truyền về giáo dục phòng, chống mại dâm nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, lối sống của cá nhân, gia đình, cộng đồng, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội. Tăng cường lồng ghép với các chương trình an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội; quản lý chặt chẽ các yếu tố dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ có liên quan; gắn kết chặt chẽ với xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, không có tệ nạn xã hội, nhất là ở xã, phường, thị trấn và những địa bàn trọng điểm về tệ nạn xã hội. Theo đó, Sở đã tổ chức tuyên truyền được 441 cuộc với 36.656 lượt người tham dự; lắp đặt 25.275 panô, áp phích, tờ rơi về công tác phòng, chống mại dâm. Bên cạnh đó, còn tổ chức tập huấn cho 200 người là chủ các cơ sơ kinh doanh dịch vụ nhạy cảm dễ phát sinh tệ nạn xã hội các quy định pháp luật về phòng, chống mại dâm, ma túy tại cơ sở.
Phối hợp các lực lượng chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý, đẩy lùi tội phạm và tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn mại dâm; hạn chế phát sinh các loại tệ nạn xã hội trên địa bàn, đặc biệt là tình hình lợi dụng kinh doanh dịch vụ để hoạt động mại dâm và vi phạm các loại tệ nạn xã hội khác. Xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tệ nạn mại dâm.   
Thường xuyên tổ chức các hoạt động phòng ngừa và đấu tranh, trấn áp tội phạm liên quan đến mại dâm, triệt phá các tụ điểm, đường dây tổ chức hoạt động mại dâm ở các địa bàn trọng điểm; tuần tra, kiểm soát tại các tụ điểm đã triệt xóa, không để tái hoạt động trở lại. Xét xử nghiêm minh các tội phạm liên quan đến mại dâm, tổ chức xét xử lưu động các vụ án liên quan đến hoạt động môi giới, chứa chấp mại dâm để giáo dục, phòng ngừa chung trong xã hội. Kiểm tra, quản lý chặt chẽ điều kiện thành lập và hoạt động kinh doanh, dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm theo quy định của pháp luật nhằm phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn việc lợi dụng các hoạt động này để tổ chức hoạt động mại dâm…
Xây dựng các hoạt động lồng ghép cho nhóm phụ nữ có nhu cầu tìm kiếm việc làm trong các chương trình về dạy nghề, tìm việc làm, hỗ trợ vay vốn, giảm nghèo nhằm cung cấp cho họ các cơ hội lựa chọn công việc phù hợp, tạo cho họ các cơ hội thay đổi cuộc sống, tránh quay lại con đường cũ.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Đội Kiểm tra liên ngành về phòng, chống mại dâm tăng cường công tác quản lý địa bàn, chủ động áp dụng các biện pháp phòng ngừa tệ nạn mại dâm. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Đội Kiểm tra liên ngành 178 tỉnh và các huyện, thị tiến hành khảo sát thanh, kiểm tra và xử lý các cơ sở kinh doanh – dịch vụ nhạy cảm dễ phát sinh tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh tổng cộng được 54 lượt cơ sở, trong đó có 31 cơ sở cảnh cáo, 23 cơ sở vi phạm, đã đề nghị ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền  532 triệu đồng, đình chỉ hoạt động 02 cơ sở, đồng thời giao cho các địa phương liên quan thực hiện việc giám sát việc chấp hành hình phạt bổ sung đối với 02 cơ sở.
Ngoài ra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các huyện, thành phố tổ chức tập huấn cho 300 đại biểu là thành viên đội công tác xã hội tình nguyện cấp xã, cán bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cấp huyện, xã và những người làm công tác phòng, chống mại dâm các địa phương về những chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác phòng, chống mại dâm; những kỹ năng nghiệp vụ trong tiếp cận, làm việc với nhân viên trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng hoạt động mại dâm, gái bán dâm…
Để thực hiện tốt hơn công tác phòng, chống mại dâm trong thời gian tới, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp như: Tiếp tục phối hợp đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức và nội dung nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội. Tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm, góp phần ổn định tình hình tệ nạn xã hội tại các địa phương, nhất là các xã, phường trọng điểm về tệ nạn xã hội.
Tăng cường sự phối hợp liên ngành trong thanh, kiểm tra và xử lý các cơ sở kinh doanh – dịch vụ nhạy cảm dễ phát sinh tệ nạn xã hội trên địa bàn. Phối hợp cùng các ngành, đoàn thể ở địa phương, nhất là Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp thường xuyên thăm hỏi, giúp đỡ, cho vay vốn, tạo công ăn việc làm nhằm ổn định cuộc sống cho những người bán dâm đã được hoàn lương để họ không quay lại con đường cũ./.
Minh Anh
TAG:
Tin khác
Hiệu quả từ những chương trình, dự án giảm nghèo ở vùng biên giới biển Sóc Trăng
Những tấm gương thương binh ở Nam Định vươn lên chiến thắng đói nghèo
Chủ động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống mại dâm
Nghệ An nâng cao chất lượng công tác bình đẳng giới
Nhìn lại công tác phòng, chống mại dâm tại một số địa bàn trọng điểm
Tăng cường tuyên truyền nhận biết các hình thức mại dâm trá hình
Huyện Thạnh Trị: Phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách để giảm nghèo bền vững
Nghệ An: Triển khai nhiều hoạt động phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em
Nghệ An: Phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em