Nhìn lại 10 năm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững
(LĐXH) - Trong những năm qua, cùng với phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo luôn là một trong những mục tiêu lớn, xuyên suốt, được Đảng, Nhà nước ta quan tâm và bảo đảm các nguồn lực thực hiện gắn liền với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng giai đoạn và mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 theo chương trình Nghị sự của Liên hiệp Quốc.
Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững thời kỳ 2011-2020, Nhà nước đã ban hành và tổ chức thực hiện một cách có hiệu quả một loạt các chương trình, chính sách như: Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2015 và giai đoạn 2016-2020; chính sách tín dụng ưu đãi, hỗ trợ y tế, giáo dục, nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sạch, vệ sinh, thông tin, pháp lý; các chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên và đột xuất hỗ trợ tích cực cho các gia đình gặp hoàn cảnh rủi ro như thiên tai, lũ lụt… Nhờ đó công tác giảm nghèo đã thu được nhiều kết quả nổi bật, được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao cả về thành tựu và cách thức tiếp cận, giải quyết vấn đề nghèo đói. Năm 2006, Việt Nam đã hoàn thành “Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) về xóa nghèo”, về đích trước gần 10 năm so với thời hạn (thời hạn là năm 2015).
Nhìn lại chặng đường 10 năm (2011-2020), công tác giảm nghèo đã đạt được nhiều kết quả tích cực và nổi bật. Hệ thống cơ chế, chính sách về giảm nghèo được ban hành và tổ chức triển khai đồng bộ trên các lĩnh vực (y tế, giáo dục, nhà ở, tín dụng ưu đãi, hỗ trợ tiền điện, phát triển sản xuất, tạo việc làm; hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng…). Cơ chế, chính sách được rà soát, sửa đổi, bổ sung theo hướng giảm dần các chính sách hỗ trợ trực tiếp, cho không, tăng cường hỗ trợ có điều kiện cho hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững; đẩy mạnh phân cấp, trao quyền cho cơ sở, người dân, phát huy vai trò của cộng đồng, khuyến khích các sáng kiến giảm nghèo bền vững do cộng đồng đề xuất, thực hiện, nhất là khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt là năm 2015, Việt Nam đã chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều, với mục tiêu không chỉ bảo đảm thu nhập tối thiểu mà còn hỗ trợ để cải thiện mức độ tiếp cận của người nghèo đối với các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin.
Các kết quả thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo đều đạt và vượt mục tiêu, chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ đề ra. Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo trước 10 năm và được cộng đồng quốc tế đánh giá là hình mẫu giảm nghèo hiệu quả. Năm 1993, tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam là 58,1%; năm 2015: 9,88%; năm 2020: 2,75%. Chỉ tính riêng giai đoạn 2016-2019, số hộ nghèo giảm 58,12% so với tổng số hộ nghèo đầu giai đoạn với hơn 6 triệu người thoát nghèo, hơn 2 triệu người thoát cận nghèo.
Cùng với đó, thu nhập và đời sống của người nghèo, người dân trên địa bàn nghèo, vùng đặc biệt khó khăn được nâng cao; cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu, liên kết vùng nghèo được ưu tiên từng bước đầu tư, nhiều địa bàn nghèo đã nỗ lực thoát nghèo, thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Đến nay, 100% các xã đã có đường ô tô đến trung tâm; 99% trung tâm xã và 80% thôn có điện; 65% xã có hệ thống thuỷ lợi nhỏ đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống; 80% thôn có đường cho xe cơ giới; trên 50% xã có trạm y tế đạt chuẩn; 100% người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ mua bảo hiểm y tế miễn phí. Tính đến hết năm 2020, hơn 32 huyện, trên 650 xã, 1.200 thôn thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.
Thời gian qua, mặc dù nước ta gặp nhiều thiên tai, bệnh dịch, ngân sách còn nhiều khó khăn nhưng Nhà nước đã tăng nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo, luôn bố trí vượt mức đầu tư đã được phê duyệt trong Chương trình, giai đoạn 2016-2020 bố trí tăng 1,02% so với kế hoạch; đặc biệt, trong đại dịch Covid-19, nhiều người nghèo, kể cả lao động ở khu vực thành thị thiếu việc làm, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho 13 triệu người. Chỉ tính riêng giai đoạn 2016-2020, tổng nguồn lực bố trí, huy động để thực hiện công tác giảm nghèo là hơn 93.000 tỷ đồng; chính sách thường xuyên khác hỗ trợ hộ nghèo hộ cận nghèo (y tế, giáo dục, pháp lý, tiền điện…) khoảng 25.000 tỷ đồng/năm.
Có thể nói, Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện các mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm người nghèo tham gia và thụ hưởng thành quả phát triển kinh tế của đất nước. Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động đã được triển khai sâu rộng, đem lại hiệu quả thiết thực, phong trào đăng ký thoát nghèo đã được nhiều người nghèo thực hiện trên phạm vi cả nước, nhiều tấm gương, điển hình lan tỏa tích cực trong cộng đồng.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác giảm nghèo còn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức cần được quan tâm, nỗ lực giải quyết hiệu quả hơn trong giai đoạn tới. Trước tình hình quốc tế ngày càng diễn biến phức tạp, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu toàn cầu ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhân dân, đặc biệt là các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Cửu Long, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số, đối tượng bảo trợ xã hội còn cao; kết quả giảm nghèo chưa bền vững, dễ tái nghèo, chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%; chuẩn thu nhập trong chuẩn nghèo đa chiều hiện nay còn thấp, bằng 45% chuẩn mức sống tối thiểu, chưa được điều chỉnh kịp thời. Một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với địa bàn nghèo, khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa hiệu quả; việc hướng dẫn và triển khai Chương trình còn chậm; một số người dân, địa bàn nghèo vẫn còn tâm lý trông chờ, ỷ lại, chưa chủ động, nỗ lực vươn lên thoát nghèo.
Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo và an sinh xã hội đa chiều, bao trùm, bền vững, hiệu quả, đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế của công tác giảm nghèo trong 10 năm qua, Việt Nam cần nỗ lực, quyết tâm thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, xây dựng và tổ chức thực hiện tốt các chương trình, chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội bao trùm, bền vững theo hướng kiên quyết loại bỏ các chính sách chồng chéo, không hiệu quả, tích hợp chính sách, hỗ trợ có điều kiện; nâng cao chất lượng và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực, tạo việc làm đầy đủ, việc làm tốt cho tất cả mọi người… góp phần bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, giảm bất bình đẳng trong xã hội; xây dựng chuẩn nghèo mới có tiêu chí thu nhập bằng chuẩn mức sống tối thiểu vì Việt Nam đã trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình.
Hai là, bố trí đủ ngân sách nhà nước, lồng ghép các chương trình, huy động nguồn lực toàn xã hội để thực hiện các chính sách, chương trình giảm nghèo và an sinh xã hội, trong đó ưu tiên hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội các vùng khó khăn, vùng đặc biệt khó khăn; xây dựng các mô hình giảm nghèo và an sinh xã hội thích ứng với biến đổi khí hậu; nhân rộng các sáng kiến, mô hình hiệu quả, thành công.
Ba là, tăng cường công tác quản lý nhà nước; cải cách thủ tục hành chính để người dân, cộng đồng thuận lợi hơn khi tham gia và tiếp cận chính sách giảm nghèo; xử lý nghiêm các hành vi trục lợi, sai phạm trong tổ chức thực hiện chính sách, chương trình.
Bốn là, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân nhằm tạo đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để thực hiện mục tiêu giảm nghèo; thúc đẩy phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”; phong trào “thoát nghèo” sâu rộng trên phạm vi cả nước; khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, nỗ lực vươn lên của người dân, của người nghèo; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, sự chung sức đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và của toàn xã hội.
Năm là, mở rộng hợp tác quốc tế, huy động sự hỗ trợ kỹ thuật, nguồn lực của các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong công cuộc giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội.
TS. Lê Văn Thanh
Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
TAG: