Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Trang chủ / Lao động / Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Quảng Nam đẩy nhanh việc hỗ trợ người lao động và người dân người gặp khó khăn do dịch Covid-19
11:49 PM 28/08/2021
(LĐXH)-Trước tình hình kinh tế - xã hội khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành công văn chỉ đạo và thường xuyên tổ chức họp về tình hình thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ, Nghị quyết 45 của HĐND tỉnh nhằm cập nhật tình hình của người dân gặp khó khăn và kịp thời đưa ra phương án hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Hỗ trợ người lao động bị cách ly theo các chính sách của Nghị quyết 68/NQ-CP
UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành Công văn 5539 yêu cầu khẩn trương đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ, Nghị quyết 45 của HĐND tỉnh về các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao thực hiện nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả các văn bản chỉ đạo của HĐND, UBND tỉnh về hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn để người dân nắm rõ chính sách hỗ trợ của Nhà nước và thực hiện đúng quy định các chính sách hỗ trợ; xác định đúng đối tượng, điều kiện, hồ sơ, trình tự thủ tục, giải ngân kinh phí hỗ trợ kịp thời cho đối tượng.
UBND các địa phương căn cứ tình hình cụ thể phòng chống dịch bệnh Covid-19 như việc tạm dừng các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ, thực hiện phong tỏa, giãn cách trên địa bàn để xác định đối tượng hỗ trợ, nhất là đối với lao động tự do. Kịp thời phê duyệt danh sách, kinh phí và chỉ đạo việc chi hỗ trợ, không để người lao động, người dân quá khó khăn.
Trường hợp người lao động không giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) có nơi thường trú, tạm trú ở hai địa phương trong tỉnh thì sau khi địa phương nơi tiếp nhận, giải quyết hỗ trợ kinh phí có trách nhiệm thông tin bằng văn bản cho địa phương nơi thường trú, tạm trú của người lao động biết, nhằm tránh tình trạng trùng lắp trong quá trình chi hỗ trợ.
Cán bộ phường Hòa Thuận, thành phố Tam Kỳ hướng dẫn người lao động thực hiện thủ tục nhận tiền hỗ trợ.
Thực hiện Nghị quyết 68, toàn tỉnh đã thông báo giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động (LĐ), bệnh nghề nghiệp đối với 3.012 đơn vị, doanh nghiệp, tổng số 127.517 LĐ với số tiền gần 42 tỷ đồng, thời gian tính hưởng từ tháng 7.2021 đến tháng 6.2022 (12 tháng).
Về trường hợp người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, qua khảo sát, toàn tỉnh có 29.165 hộ với 76.968 khẩu cần được hỗ trợ hơn 1.380 tấn gạo. UBND tỉnh đã trình Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH xem xét hỗ trợ, khi có gạo sẽ phân bổ ngay cho người dân.
Đối với khoảng 3.000 LĐ về từ TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam có nhu cầu hỗ trợ đào tạo nghề, kết nối giải quyết việc làm, ngoài tư vấn, giới thiệu việc làm cho LĐ đã có nghề, tỉnh cũng nghiên cứu phương án hỗ trợ đào tạo cho người chưa có nghề, người tự tạo việc làm được thì giúp vay vốn để phát triển sản xuất.
Ngày 26.8.2021 vừa qua, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Nam tiếp tục tổ chức Hội nghị thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ về hỗ trợ người LĐ và chủ sử dụng LĐ; Nghị quyết 45 của HĐND tỉnh về hỗ trợ LĐ tự do và một số nhóm đối tượng khác gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Theo báo cáo, đến hết ngày 25.8.2021, toàn tỉnh đã có 673 người LĐ tạm hoãn hợp đồng LĐ, ngừng việc, nghỉ việc không hưởng lương, trẻ em dưới 6 tuổi là con người LĐ, người điều trị Covid-19, cách ly y tế, viên chức nghệ thuật, hướng dẫn viên du lịch được hỗ trợ, với tổng số tiền hơn 848 triệu đồng.
Ngoài ra, đã có 4 doanh nghiệp vay vốn để trả lương ngừng việc cho 121 LĐ, số tiền hơn 474 triệu đồng; 1 doanh nghiệp vay vốn phục hồi sản xuất với số tiền hơn 172 triệu đồng. Đối với Nghị quyết 45 của HĐND tỉnh, LĐ tự do đã được các địa phương thẩm định hồ sơ, giải quyết hỗ trợ là 429 người với số tiền hơn 835 triệu đồng. Toàn tỉnh đã có 2.696 người cách ly tập trung được hỗ trợ tiền ăn với hơn 2,1 tỷ đồng.
Theo Sở LĐTBXH, các địa phương, ngành liên quan trên địa bàn tỉnh đã đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ người lao động và người dân trên cơ sở khảo sát, thống kê cụ thể về con người để hoạch định và thực hiện chính sách. Bởi muốn giải quyết chính xác thì phải biết được nhu cầu của người LĐ, sau đó mới tiến hành xây dựng phương án hỗ trợ phù hợp được.
Mức hỗ trợ tối đa là 2 triệu đồng/người. Số tiền này cũng không giải quyết được những khó khăn chồng chất khó khăn của người lao động nhưng đây cũng là nguồn động viên đối với họ. Chị Ngô Thị Thanh Tuyền (phường Hòa Thuận) - nhân viên spa bị mất việc làm đã gần 2 tháng. Chị là lao động tự do nên không đóng bảo hiểm và hiện cũng không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp như công nhân làm việc ở công ty. Còn chồng chị là nhân viên bán hàng, công việc cũng không ổn định vì dịch bệnh. Vì vậy, nhờ nguồn hỗ trợ này, chị đã bớt thêm phần khó khăn và có thêm khoản kinh phí để lo cho con trai vào lớp 1.
Anh Trần Quốc Bảo (phường Hòa Thuận, TP.Tam Kỳ) kinh doanh cửa tiệm internet cũng phải đóng cửa do đại dịch Covid trong 4 tháng nay và chỉ ở nhà dựa vào cha mẹ. Cùng với đó, 2 nhân viên làm việc ở cửa tiệm của anh cũng mất việc kể từ đầu tháng 5.2021, họ cũng phải về quê chứ ở phố cũng không có việc gì làm, phải thuê trọ lại tốn kém”. Với thông tin hỗ trợ khó khăn do dịch bệnh từ loa phát thanh, anh đã đến phường Hòa Thuận đăng ký làm thủ tục hồ sơ nhận tiền hỗ trợ. Và nay, anh Bảo cùng với 3 LĐ khác của phường Hòa Thuận là những người đầu tiên nhận gói hỗ trợ LĐ tự do theo Nghị quyết 45 của HĐND tỉnh.
Nhìn chung, với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương tỉnh Quảng Nam đã thực hiện hỗ trợ kịp thời các nhóm đối tượng đảm bảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng./.
Mỹ Hạnh
TAG:
Tin khác
Một số khó khăn trong thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp ở Bình Phước
Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Phước: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách Bảo hiểm thất nghiệp
Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Phước: Chủ động giải quyết chính sách Bảo hiểm thất nghiệp
Hà Nội: Thị trường lao động cuối năm có nhiều chuyển biến tích cực
Sóc Trăng: Gắn kết đào tạo nghề với giải quyết việc làm, tạo sinh kế bền vững cho người nghèo
Quảng Ninh: Đẩy mạnh các hoạt động kết nối, giải quyết việc làm cho người lao động
Tìm giải pháp nâng cao chất lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài
Yên Bái thúc đẩy nhân quyền, dành nhiều sự hỗ trợ về giải quyết việc làm cho người lao động
Trung tâm Dịch vụ việc làm Sơn La: Chủ động giải quyết chính sách Bảo hiểm thất nghiệp