Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Trang chủ / Lao động / Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Quảng Bình: Người dân có “cần câu” nhờ học nghề nông nghiệp
10:21 AM 23/03/2021
Đào tạo nghề nông nghiệp, là một trong những giải pháp giúp người lao động ở nông thôn, miền núi Quảng Bình có thêm kiến thức, kinh nghiệm, để chủ động hơn trong tạo việc làm, nâng cao thu nhập và giảm nghèo.
Nhiều người lao động sau khi tham gia lớp học nghề nông nghiệp đã phát huy hiệu quả trong thực tiễn
Sản xuất hiệu quả nhờ học nghề nông nghiệp 
Nhận thấy việc trồng lúa chỉ đủ ăn, không có thu nhập đáng kể, ông Hà Văn Bàng ở thôn Phúc Duệ, xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) mong muốn kiếm thêm thu nhập từ nghề khác, song chưa biết bắt đầu từ đâu. Biết đến nghề nuôi ong từ người quen, ông thử mày mò mua 2 đàn ong về nuôi thử, nhưng do không biết kĩ thuật và kinh nghiệm nên không hiệu quả.
Nhân dịp huyện tổ chức lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, ông Bàng liền đăng ký lớp học nuôi ong. Ông Bàng kể lại: “Từ khi được học nghề, tôi đã biết cách phòng trừ bệnh cho ong, biết tách đàn, biết che chắn, chăm sóc đàn ong khi mùa mưa rét đến. Nhờ đó, đàn ong ngày càng tăng lên về số lượng. Đến nay, gia đình tôi có 30 đàn ong, góp phần cải thiện thu nhập cho gia đình”.
Trung bình mỗi năm, đàn ong của ông Bàng cho khoảng 200 chai mật, với giá bán 350.000 đồng/chai, gia đình ông thu về hơn 40 triệu đồng.
Tương tự, nhiều năm trồng rau nhưng năng suất không cao, chị Nguyễn Thị Lan, ở xã Hòa Trạch, huyện Bố Trạch quyết tâm tham gia lớp học nghề trồng rau do địa phương tổ chức.
Sau khi tham gia lớp học, được dạy các kiến thức, kỹ thuật trồng rau an toàn theo hướng VIETGAP, chị Lan đã thay đổi bỏ cách thức trồng, chăm sóc trước đây. Thay vào đó, chị sử dụng phân hữu cơ để chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho diện tích rau theo quy chuẩn an toàn. Nhờ đó, vườn rau của chị phát triển tốt, đầu ra của sản phẩm ổn định. Thu nhập bình quân từ trồng rau của gia đình chị đạt từ 7 - 8 triệu đồng/sào/vụ.
Cũng như ông Bàng và chị Lan, hàng trăm lao động nông thôn khác ở Quảng Bình đã tìm được hướng sản xuất hiệu quả mới sau khi tham gia các lớp học nghề. 
Tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo nghề
Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình) cho biết, những năm qua, hiệu quả từ việc đào tạo nghề nông nghiệp là thấy rõ, giúp lao động tăng thu nhập, giảm nghèo.
Cụ thể, trong 10 năm qua, toàn tỉnh Quảng Bình có trên 125.000 lao động nông thôn tham gia học nghề, trong đó, có gần 38.000 lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo nghề theo chính sách của đề án đào tạo nghề. Gần 80% lao động sau đào tạo nghề có việc làm, đã góp phần quan trọng trong xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững.
Trong đó, một số ngành nghề đào tạo đem lại hiệu quả kinh tế và thu hút số lượng lớn học viên tham gia, như: chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, kỹ thuật nuôi bò, kỹ thuật trồng rau an toàn theo hướng VietGAP, trồng nấm, trồng cây ăn quả... 
Bên cạnh mở các lớp đào tạo nghề cho người dân, ngành Nông nghiệp cũng đã chú trọng đến công tác đào tạo nghề, gắn với giải quyết việc làm sau học nghề; liên kết với các Hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn tiêu thụ sản phẩm sau đào tạo cho người dân.
Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề nông nghiệp cho người dân, thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Bình sẽ khảo sát nhu cầu học nghề, gắn với nhu cầu lao động của các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp để đào tạo phù hợp, lao động sau khi đào tạo xong có việc làm. 
Đồng thời, tiếp tục đổi mới chương trình, nội dung đào tạo nghề, chủ yếu tập trung dạy thực hành và thực hiện tại nơi sản xuất. Trong đó, ưu tiên đào tạo nghề phục vụ cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chế biến, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, chứng nhận an toàn…
Quỳnh Chi
TAG:
Tin khác
Huyện Nguyên Bình (Cao Bằng): Đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến chính sách hỗ trợ việc làm bền vững, thị trường lao động
Hỗ trợ việc làm bền vững, hướng tới mục tiêu giảm nghèo tại thành phố Thái Nguyên
Huyện Si Ma Cai (Lào Cai): Nhiều giải pháp hỗ trợ việc làm cho lao động nghèo
Lạng Sơn: Phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, hình thành sàn giao dịch việc làm trực tuyến
Nam Định: Đảm bảo an toàn lao động để phát triển bền vững
Thanh Hóa: Quan tâm cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động
AEON Việt Nam đẩy mạnh tuyển dụng và mở rộng quy mô năm 2025
Nestlé và PRO Việt Nam thúc đẩy thực hành an toàn vệ sinh lao động trong quản lý rác thải
Thừa Thiên Huế: Giải quyết việc làm gắn với giảm nghèo bền vững