Quan điểm về chăm sóc xã hội ở Việt Nam hiện nay
(LĐXH) Ngày 18/11, tại Hà Nội, Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động - TBXH) đã tổ chức Hội thảo về chăm sóc xã hội nhằm thống nhất, hoàn thiện định nghĩa, đặc điểm và nội hàm của cụm từ “Chăm sóc xã hội” để sử dụng trong văn bản chính sách; đồng thời giới thiệu những nội dung chính của Đề án Đổi mới và phát triển chính sách trợ giúp xã hội giai đoạn 2016 -2025 và tầm nhìn đến năm 2030 đang được xây dựng ban hành.
Tham dự Hội thảo có lãnh đạo Cục Bảo trợ xã hội, tổ chức UNICEF, đại diện một số đơn vị trong Bộ như Vụ Bình đẳng giới, Vụ Pháp chế, Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đại diện một số trường đại học có liên quan, các Sở Lao động - TBXH và một số tổ chức quốc tế.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Tô Đức, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội nhấn mạnh vai trò của chính sách trợ giúp xã hội trong việc ổn định, nâng cao đời sống người dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội của đất nước. Trong thời gian qua, Bộ Lao động - TBXH đã từng bước nghiên cứu, sửa đổi cơ chế chính sách lĩnh vực trợ giúp xã hội theo hướng tiếp cận xu hướng thế giới, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam. Hoạt động chăm sóc xã hội là gì, đặc điểm của chăm sóc xã hội, ai là nhóm đối tượng cần chăm sóc xã hội, đội ngũ cán bộ thực hiện công tác chăm sóc là ai... đang cần phải làm rõ để thống nhất đưa khái niệm này vào trong các văn bản quy phạm pháp luật.
Hiện nay, tại Việt Nam, theo rà soát các văn bản pháp lý cho thấy chưa có một định nghĩa rõ ràng về chăm sóc xã hội. Thuật ngữ “chăm sóc” thường được sử dụng trong các văn bản tiếng Việt, còn “chăm sóc xã hội” thì thường được sử dụng trong các văn bản tiếng Anh. Chăm sóc xã hội được nhìn nhận như một phần thiết yếu trong trợ giúp xã hội nhưng sự khác biệt và ranh giới giữa chăm sóc xã hội, trợ giúp xã hội hay bảo trợ xã hội có vẻ mờ nhạt. Chăm sóc xã hội hoặc các dịch vụ chăm sóc tại Việt Nam được phát triển nhằm hướng tới các nhóm người dễ bị tổn thương nhất. Các dịch vụ được cung cấp dưới nhiều dạng khác nhau từ tiền mặt, tài trợ hiện vật, hay trợ giúp chăm sóc y tế, dịch vụ tham vấn tâm lý, thúc đẩy cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội khác như giáo dục, hướng nghiệp, tìm việc... Phần lớn các hoạt động chăm sóc xã hội do Chính phủ tài trợ, luật pháp và chính sách khuyến khích hợp tác liên Bộ và liên ngành.
Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe ông Nguyễn Ngọc Toản, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội giới thiệu những nội dung chính của Đề án Đổi mới và phát triển chính sách trợ giúp xã hội giai đoạn 2016 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2020. Đề án đang được lấy ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương và Cục sẽ trình Bộ phê duyệt. Theo đó, Đề án có nhiều điểm mới, tiếp cận trên quan điểm chính sách, đảm bảo các điều kiện về sức khỏe, giáo dục, vui chơi giải trí, có chỗ ở ổn định. Mục tiêu của Đề án là hoàn thiện luật pháp về trợ giúp xã hội; tiếp tục cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân có hoàn cảnh khó khăn; mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách trợ giúp xã hội, ưu tiên người nghèo, người sống ở vùng núi, vùng hải đảo, vùng dân tộc thiểu số; nâng mức trợ giúp xã hội phù hợp với vòng đời, khả năng ngân sách Nhà nước và xu hướng quốc tế; bảo đảm người dân gặp rủi ro được hỗ trợ kịp thời từ Nhà nước, các tổ chức và cộng đồng; phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội...
Hồng Phượng
TAG: