Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Trang chủ / Lao động / Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Phú Thọ: Đổi mới công tác đào tạo nghề gắn với nhu cầu thị trường lao động
04:44 PM 12/05/2021
Những năm qua, công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực gắn với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và thị trường lao động luôn được các cấp, ngành, các địa phương trong tỉnh quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo và đã tạo sự chuyển biến tích cực về chất lượng và hiệu quả đào tạo.
Từ nhu cầu thực tế, các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh đã đổi mới công tác đào tạo, xây dựng chương trình giảng dạy phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Trong đó, chủ động mở thêm các ngành nghề xã hội đang cần; tăng cường liên kết với các doanh nghiệp trong quá trình đào tạo và giới thiệu việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 31 cơ sở giáo dục nghề nghiệp gồm: 8 trường Cao đẳng, 5 trường Trung cấp, 18 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp tham gia đào tạo 225 ngành, nghề. Trong đó có một số ngành, nghề như: Công nghệ ô tô, hàn, cắt gọt kim loại, điện tử, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, quản trị khách sạn, điện dân dụng… thu hút nhiều đối tượng tham gia học tập. Những năm gần đây, công tác đào tạo nghề đã có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng đào tạo gắn với thị trường lao động và nhu cầu doanh nghiệp. Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề được quan tâm, phát triển toàn diện.
Đến nay, toàn tỉnh có 1.333 giáo viên tham gia giảng dạy tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, 1.182 người đạt chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ. Trong đó, nhiều cơ sở dạy nghề đã chủ động tìm đầu ra cho học sinh bằng các hợp đồng đào tạo; các doanh nghiệp chủ động cho sinh viên thực tập trực tiếp trên dây chuyền sản xuất.
Công tác đào tạo nghề được tỉnh đặc biệt quan tâm

Để thu hút, tuyển dụng lao động, một số doanh nghiệp đã chủ động đặt hàng, phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh để tuyển sinh, hỗ trợ đào tạo và thực hiện nhiều chính sách ưu đãi đối với người học. Nhờ đó, năm 2020 đã có 196 doanh nghiệp hợp tác với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trên 87% học viên sau khi tốt nghiệp được các doanh nghiệp tuyển dụng ngay vào làm các công việc phù hợp ngành, nghề được đào tạo với mức lương từ 5 - 8 triệu đồng/tháng, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2020 của toàn tỉnh đạt 70% (tăng 15% so với năm 2015). 
Có thể thấy, việc liên kết đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp đang là hướng đổi mới khá hiệu quả trong công tác đào tạo nghề, được các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh quan tâm, tạo nhiều chuyển biến tích cực, nhất là về nhận thức, quy mô tuyển sinh, chất lượng và hiệu quả đào tạo. Từ đó, xuất hiện ngày càng nhiều mô hình đào tạo chất lượng cao gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Theo báo cáo của sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 78.384 lao động, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra. Mục tiêu của tỉnh trong giai đoạn 2021-2025 là tạo việc làm cho 80.000 người, trong đó có 13.500 người xuất khẩu lao động. Riêng năm nay, phấn đấu giải quyết việc làm tăng thêm cho 15.000 lao động, trong đó xuất khẩu lao động 2.500 người, cung ứng 9.000 lao động cho các doanh nghiệp và các khu, cụm công nghiệp trong và ngoài tỉnh. Trong bối cảnh đó, việc liên kết với doanh nghiệp để đổi mới đào tạo nghề theo hướng nâng cao kỹ năng thực hành nghề vẫn được xác định là một hướng đi phù hợp hiệu quả. Tuy nhiên, để tạo ra bước chuyển thực sự trong đào tạo nghề trong tình hình mới, cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận của các cấp, ngành, người dân và sự đồng hành của doanh nghiệp về phát triển nhân lực có kỹ năng nghề.
Trong đó, việc gắn kết giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp cần được đẩy mạnh với các hình thức hợp tác đôi bên cùng có lợi như: Cùng xây dựng chương trình đào tạo; tham gia vào quá trình giảng dạy; sắp xếp, bố trí nơi thực tập cho học sinh, sinh viên, nhà giáo; hỗ trợ trang, thiết bị cho các cơ sở đào tạo và tuyển dụng học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp hoặc các thỏa thuận khác... Đồng thời, tiếp tục triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề; tăng cường chuyển đổi số và đào tạo trực tuyến, chú trọng đào tạo lại và đào tạo thường xuyên cho lao động, bảo đảm thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.
Để nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp và tăng cường sự liên kết, phối hợp giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các doanh nghiệp trong đào tạo nghề nhằm mang lại “lợi ích kép” cho cả hai bên, bà Phạm Thị Thu Hương - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: “Thời gian tới, bên cạnh việc tham mưu cho tỉnh ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia hoạt động đào tạo nghề, Sở sẽ chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đẩy mạnh liên kết, phối hợp với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh để tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên. Trong đó, tổ chức đào tạo nghề gắn với nhu cầu việc làm của người học và nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu lao động trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng cần cải tiến phương pháp giảng dạy, tăng cường học thực hành, áp dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy để nâng cao chất lượng dạy và học nghề. Đồng thời, thực hiện tốt việc rà soát, đánh giá nhu cầu học nghề, nhu cầu sử dụng lao động trong xã hội để làm cơ sở xây dựng kế hoạch tuyển sinh và đào tạo đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế ở mỗi địa phương”./.
PV
 
TAG:
Tin khác
Huyện Nguyên Bình (Cao Bằng): Đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến chính sách hỗ trợ việc làm bền vững, thị trường lao động
Hỗ trợ việc làm bền vững, hướng tới mục tiêu giảm nghèo tại thành phố Thái Nguyên
Huyện Si Ma Cai (Lào Cai): Nhiều giải pháp hỗ trợ việc làm cho lao động nghèo
Lạng Sơn: Phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, hình thành sàn giao dịch việc làm trực tuyến
Nam Định: Đảm bảo an toàn lao động để phát triển bền vững
Thanh Hóa: Quan tâm cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động
AEON Việt Nam đẩy mạnh tuyển dụng và mở rộng quy mô năm 2025
Nestlé và PRO Việt Nam thúc đẩy thực hành an toàn vệ sinh lao động trong quản lý rác thải
Thừa Thiên Huế: Giải quyết việc làm gắn với giảm nghèo bền vững