Nỗ lực duy trì thị trường lao động đi đôi với ổn định an sinh xã hội
(LĐXH) – Thực hiện mục tiêu kép về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an toàn cho nhân dân trước đại dịch Covid-19, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội đã triển khai nhiều giải pháp, chương trình, đề án, chính sách về lao động, giải quyết việc làm, phát triển nguồn nhân lực, trợ giúp xã hội, giảm nghèo…, góp phần ổn định, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.
Phát biểu tại Hội nghị sơ kết ngành LĐ-TBXH trong 6 tháng đầu năm 2020, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: Trước diễn biến phức tạp và khó lường bởi đại dịch Covid-19, bức tranh kinh tế - xã hội của Việt Nam đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Sự bùng phát mạnh mẽ của dịch bệnh đã dẫn đến đứt gãy hàng loạt chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu, dẫn đến tình trạng sản xuất ra hàng hóa nhưng không xuất khẩu được. Tình trạng thất nghiệp, mất việc, tạm ngừng việc gia tăng... tập trung chủ yếu ở những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nếu không kịp thời khắc phục được tình trạng này, sẽ dẫn đến nguy cơ thất nghiệp thực sự ở những khu vực tập trung các tập đoàn lớn có vốn FDI.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại hội nghị
Cùng với quyết tâm chung của cả hệ thống chính trị, với sự lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ để thực hiện mục tiêu kép trên tinh thần vừa chống dịch như chống giặc, vừa ưu tiên ổn định khôi phục để phát triển sản xuất. Theo đó, Chính phủ đã ưu tiên thực hiện hàng loạt các chương trình để kích cầu kinh tế đến những gói an sinh để hỗ trợ người lao động và các đối tượng yếu thế. Bằng các giải pháp quyết liệt được triển khai, thị trường lao động vừa qua đã có dấu hiệu phục hồi. Điển hình, những ngành nghề tưởng như khó khắc phục nhất là hàng không, trong quãng thời gian cao điểm có đến 98% lao động phải nghỉ việc, từ 500 chuyến bay/ngày giảm xuống còn 7 chuyến/ngày, đến nay, đã cơ bản khôi phục các đường bay nội địa và từng bước nới lỏng dần các đường bay quốc tế, đồng chí Đào Ngọc Dung chia sẻ.
Cùng với đó, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động trong 6 tháng qua thấp kỷ lục, tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ thiếu việc làm của lực lượng lao động trong độ tuổi tăng cao do nhu cầu thị trường lao động sụt giảm. Dịch COVID-19 có giai đoạn đã diễn biến rất nhanh, gây khó khăn cho dự báo thời điểm đỉnh dịch và thời điểm kết thúc, ảnh hưởng nặng nề đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Áp lực kiểm soát lạm phát, tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm tăng cao đã ảnh hưởng lớn đến việc bảo đảm an sinh xã hội, đời sống của nhân dân, đặc biệt là giai đoạn từ tháng 2 đến hết tháng 4 và đầu tháng 5/2020. Theo đó, Việt Nam có 30,8 triệu lao động bị “ảnh hưởng tiêu cực” bởi COVID-19 và có thể nhiều hơn vào cuối năm, trong đó, số người bị giảm thu nhập chiếm tới 57,3%. Thu nhập bình quân tháng của người lao động trong quý II giảm còn 5,2 triệu đồng (giảm 525 nghìn đồng so với quý I và 279 nghìn đồng so với cùng kỳ) năm 2019. Trong số lao động bị ảnh hưởng có 897.500 người thất nghiệp và 1,2 triệu người nằm ngoài lực lượng lao động.
Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội đang ngày một dần ổn định trở lại, sản xuất - kinh doanh được khôi phục, nhiều doanh nghiệp đăng ký mới hoặc trở lại hoạt động sau thời gian dài tạm ngừng do giãn cách xã hội đã tạo ra nhiều việc làm cho người lao động (theo ước tính, từ tháng 5/2020 trở đi, trung bình mỗi tháng cả nước có từ 70.000 đến 80.000 lao động bị mất việc làm quay trở lại thị trường lao động). Đặc biệt, thị trường lao động Việt Nam phục hồi nhanh chóng, nhiều lĩnh vực cho thấy tín hiệu tốt, các ngành nghề, lĩnh vực bị đứt chuỗi, bị ngừng việc đã trở lại thị trường. Dự báo thị trường lao động Việt Nam Quý III sẽ tốt hơn, đạt mức khoảng 55,4 triệu người.
Toàn cảnh hội nghị
Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm 2020, công tác phát triển thị trường lao động, kết nối cung - cầu lao động và cung ứng nhân lực có nhiều biến động, lực lượng lao động tiếp tục có xu hướng giảm, số lao động mất việc làm tiếp tục gia tăng dẫn đến tình trạng thất nghiệp diễn biến khó lường. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính chung 6 tháng đầu năm, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 54,2 triệu người, giảm gần 1,3 triệu người so với cùng kỳ năm 2019; tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ước tính đạt 73,8%, giảm 2,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; số lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc là 53 triệu người, giảm 1,3 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Sự suy giảm diễn ra mạnh ở đối tượng làm công hưởng lương khi tình trạng sa thải, ngưng việc ở các doanh nghiệp vẫn tiếp tục gia tăng, tập trung ở một số ngành nghề như ngành về may mặc, da giầy, túi xách; ngành thương mại điện tử, ngành du lịch; ngành khách sạn nhà hàng; ngành vận chuyển, giao nhận,... Tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi khu vực thành thị cao nhất trong 10 năm trở lại đây; tỷ lệ thiếu việc làm tăng, thu nhập của người làm công hưởng lương trong quý II giảm.
Công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19; khi dịch bùng phát mạnh trên thế giới, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo tạm dừng tuyển chọn, đào tạo và tổ chức xuất cảnh cho người lao động đến hết tháng 5/2020; đồng thời, thường xuyên theo dõi tình hình dịch bệnh tại các nước tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc, kiểm soát chặt chẽ số lao động xuất cảnh; yêu cầu các Ban quản lý lao động ở nước ngoài thông tin tới người lao động bình tĩnh ở lại làm việc, tuân thủ quy định của nước sở tại về phòng, chống dịch bệnh, không di chuyển, không đến địa bàn có dịch; tăng cuờng công tác quản lý, nắm tình hình và đảm bảo quyền lợi của người lao động trong trường hợp bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Từ nay đến cuối năm 2020, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển thị trường lao động. Đẩy mạnh giải quyết việc làm thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các chính sách, giải pháp tạo việc làm gắn với nâng cao chất lượng việc làm và thu nhập cho người lao động, đảm bảo chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với cơ cấu kinh tế; nâng cao tỷ trọng lao động trong khu vực chính thức, tập trung giải quyết việc làm cho lao động khu vực phi chính thức, đặc biệt là lao động nông nghiệp chuyển đổi ngành nghề; hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên người dân tộc thiểu số, lao động thuộc nhóm yếu thế.
Rà soát, nắm chắc tình hình lao động, việc làm, nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp để có giải pháp hỗ trợ, cung ứng lao động, khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động tạm thời do ảnh hưởng của dịch bệnh, góp phần ổn định sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, bảo đảm đời sống người lao động; chỉ đạo hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm tăng cường giao dịch việc làm trực tuyến, chủ động cung ứng nguồn lao động đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp, hướng dẫn người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp; ứng dụng công nghệ thông tin trong kết nối cung - cầu lao động. Chủ động xây dựng các phương án hỗ trợ trong trường hợp lao động bị sa thải với số lượng lớn do tác động kéo dài của dịch COVID-19, sản xuất kinh doanh tiếp tục đình trệ do sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, đơn hàng xuất khẩu sụt giảm, phương thức kinh doanh của các ngành thương mại điện tử, du lịch nội địa, nhà hàng, khách sạn, vận chuyển - giao nhận… thay đổi cũng như ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu.
Theo dõi sát tình hình lao động đang làm việc ở nước ngoài để có giải pháp hỗ trợ kịp thời, đảm bảo quyền lợi của người lao động. Nghiên cứu, mở các thị trường tiềm năng tiếp nhận lao động Việt Nam; có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp để tiếp tục người đưa lao động đi làm việc ở các nước đã kiểm soát được dịch bệnh COVID-19; đồng thời, chuẩn bị nguồn lao động để đưa sang làm việc ở nước ngoài khi các thị trường nước ngoài mở cửa trở lại.
Thực hiện việc gia hạn, cấp mới, cấp lại giấy phép lao động, xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo đúng thủ tục quy định với thời gian nhanh nhất, tạo điều kiện thuận lợi, nhanh chóng cho người lao động nước ngoài và doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài. Hỗ trợ đào tạo chuyển đổi, xây dựng phương án hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm lao động ở Việt Nam để thay thế cho số lao động nước ngoài hiện chưa quay lại Việt Nam làm việc khi tình hình dịch bệnh trên thế giới chưa được kiểm soát.
Hà Giang
TIN LIÊN QUAN
TAG: