Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Vốn vay hỗ trợ giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội ở Ninh Thuận
02:52 PM 22/06/2020
(LĐXH)- Nằm ở khu vực Nam Trung bộ, tỉnh Ninh Thuận có điều kiện địa lý khắc nghiệt, việc phát triển kinh tế gặp nhiều khó khăn, số hộ nghèo, cận nghèo và hộ có điều kiện khó khăn chiếm tỷ lệ cao, nhu cầu vay vốn để tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm rất lớn. Trước thực tế đó, chính sách tín dụng ưu đãi về cho vay giải quyết việc làm (GQVL) của Chính phủ được xem là một trong những chương trình mang tính thiết thực, thúc đẩy nhanh quá trình giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.
Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội hướng dẫn bà con thủ tục vay vốn

Hàng năm, căn cứ vào nhu cầu vốn vay từ các huyện, thành phố và dựa trên kinh phí phân bổ tín dụng của Ngân hàng CSXH Việt Nam, Chi nhánh Ninh Thuận, phòng giao dịch các huyện tổ chức tham mưu cho Trưởng ban Đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH tỉnh và các địa phương giao chỉ tiêu kế hoạch đến các xã, phường, thị trấn; đồng thời, thực hiện linh hoạt các biện pháp cân đối, thu hồi các khoản vay đến hạn để tổ chức giải ngân vốn kịp thời đến các đối tượng có nhu cầu vay. Trong đó, ưu tiên cho các chương trình, dự án sử dụng nhiều lao động và vốn để cho vay GQVL đối với những đối tượng là thanh niên, phụ nữ khởi nghiệp. Trên cơ sở bám sát các định hướng, chủ trương phát triển kinh tế ở từng khu vực địa phương, nhiều lao động sau khi được vay vốn đã tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, xây dựng các mô hình kinh tế nông nghiệp, nông thôn; phát triển ngành nghề truyền thống… mở ra hướng đi mới trong việc nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống gia đình. Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh áp dụng 2 phương thức cho vay gồm: trực tiếp đối với các dự án vay vốn của các cơ sở sản xuất kinh doanh và các dự án vay vốn của hộ gia đình bằng nguồn vốn do Tổng Liên đoàn Lao động, Liên minh các Hợp tác xã; vay ủy thác đối với các dự án vay vốn của hộ gia đình bằng nguồn vốn của UBND cấp tỉnh quản lý và 4 tổ chức hội đoàn thể đang nhận ủy thác với Ngân hàng CSXH.

Nhờ nguồn vay ưu đãi, các hộ dân có điều kiện phát triển sản xuất, tự tạo việc làm và vươn lên thoát nghèo bền vững

Tính đến ngày 30/4/2020, tổng dư nợ của 15 chương trình tín dụng ưu đãi của Ngân hàng CSXH tỉnh đạt 2.203 tỷ đồng, với trên 75,6 ngàn khách hàng vay vốn; trong đó, dư nợ chương trình cho vay GQVL đạt 108,23 tỷ đồng, chiếm 4,91% trong tổng số dư nợ của toàn chi nhánh, với 3.972 khách hàng vay, bình quân khoảng 27 triệu đồng/người. Đặc biệt hơn, thông qua chương trình tín dụng cho vay GQVL theo Nghị định số 74/2019/NĐ-CP, ngày 23-9-2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 61/2015/NĐ-CP, ngày 9/7/2015 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ GQVL ban hành trước đây, đã tạo nhiều ưu đãi thuận lợi hơn cho người lao động. Chỉ tính từ ngày 8/11/2019 đến 30/4/2020, doanh số cho vay QGVL theo Nghị định mới của Ngân hàng CSXH tỉnh đạt 41,5 tỷ đồng/1.120 lượt khách hàng vay vốn, tổng dư nợ tăng thêm 30,24 tỷ đồng. Thống kê tổng doanh số cho vay từ 2015 – 2020 đạt 3.355 tỷ đồng, với trên 122,5 ngàn lượt hộ vay, bình quân dư nợ của mỗi xã, phường, thị trấn đạt 34 tỷ đồng; đặc biệt, vốn tín dụng chính sách đã tập trung hướng vào địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số. Cụ thể, tổng dư nợ cho vay tại các khu vực miền núi là 905,2 tỷ đồng với hơn 27 ngàn hộ vay, vùng đồng bào dân tộc thiểu số 720,6 tỷ đồng, với hơn 29,9 ngàn hộ vay. Các chương trình tín dụng dành cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo chiếm tỷ trọng 59,9% trên tổng dư nợ của toàn Chi nhánh, với số tiền 1.321,7 tỷ đồng cho 51.166 hộ vay. Nguồn vốn tín dụng chính sách triển khai thời gian qua đóng vai trò rất lớn trong việc hỗ trợ vốn cho người nghèo, các đối tượng chính sách khác đầu tư vào phục vụ sản xuất, kinh doanh, chi phí học tập, xây dựng công trình nước sạch, nhà vệ sinh, nhà ở cho hộ nghèo. Một trong những điểm nổi bật nhất là góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở Ninh Thuận trên 2% mỗi năm, giúp 26 xã đạt xã chuẩn nông thôn mới.

Có thể thấy, tại Ninh Thuận, nguồn vốn tín dụng chính sách đã tác động mạnh mẽ đến diện mạo khắp miền quê, góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, giải quyết được nhiều việc làm cho xã hội, hỗ trợ vốn cho các cơ sở sản xuất kinh doanh và hộ gia đình để mở rộng sản xuất, thu hút tạo việc làm cho nhiều người lao động đặc biệt là lao động bị chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, lao động nữ, đặc biệt là những người nghèo vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động.

Trần Huyền

 

TAG:
Tin khác
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
Huyện Phú Vang: Triển khai hiệu quả công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Kiên Giang tập trung thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm và giáo dục nghề nghiệp
Huyện Định Hóa: Tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Thành phố Thái Nguyên: Nhiều cơ hội việc làm cho người lao động tại Ngày hội việc làm năm 2024
Cà Mau: Giải quyết việc làm cho hơn 42.000 lao động trong 9 tháng đầu năm 2024
Hội thao kỹ thuật cấp cứu mỏ: Duy trì tác phong cứu hộ chuyên nghiệp và kỷ luật