Nhiều kết quả tích cực trong công tác giải quyết việc làm ở Bắc Kạn
(LĐXH) - Với sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, chính sách tạo việc làm cho người lao động, năm qua, tỉnh Bắc Kạn đã giải quyết việc làm cho 5.500 lao động (đạt 110% kế hoạch), qua đó giúp người dân thoát nghèo, từng bước ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Ông Văn Phúc Thụ, giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết: Là một tỉnh miền núi, có dân số trên 316.000 người (trên 86% là người dân tộc thiểu số), Bắc Kạn gặp khá nhiều bất lợi để phát triển kinh tế - xã hội như cơ sở hạ tầng còn nghèo nàn, ruộng đất manh mún, tỉ lệ người lao động chưa qua đào tạo và làm nông nghiệp cao… Toàn tỉnh có 200.000 người trong độ tuổi lao động, nhưng có đến 60% là lao động chưa qua đào tạo, chỉ có thể làm những công việc đơn giản trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp; Số lao động trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ chưa có bằng cấp cũng chiếm tới gần 50%. Điều này cho thấy cơ cấu lao động của tỉnh còn yếu kém về trình độ sản xuất, chất lượng nguồn lực lao động chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhận thức được điều này, thời gian qua, các cấp, các ngành trong tỉnh đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp để tạo việc làm cho người lao động, như: Tập trung cập nhật biến động lao động để hỗ trợ chuyển dịch việc làm sang hướng phi nông nghiệp; Đẩy mạnh giới thiệu việc làm, phát triển sản xuất nông nghiệp, tăng cường thu hút đầu tư vào công nghiệp, thương mại, dịch vụ, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ để tạo địa chỉ việc làm cho lao động nông thôn sau đào tạo. Bên cạnh đó, tỉnh cũng xác định nâng cao chất lượng đào tạo trình độ kỹ thuật cao để phục vụ công tác xuất khẩu lao động và các ngành kinh tế mũi nhọn…
Hiện trên địa bàn tỉnh có 19 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Thời gian vừa qua, song song với việc đầu tư, hiện đại hóa cơ sở vật chất để phục vụ dạy và học, việc cải tiến chương trình, xây dựng chiến lược đào tạo, đa dạng ngành nghề, đào tạo đội ngũ giáo viên giỏi… cũng được tỉnh quan tâm. Trong đó, chú trọng đào tạo nghề phù hợp với trình độ, khả năng, thế mạnh của người dân và địa phương. Đến nay, tỉnh đã xây dựng mới 27 chương trình, giáo trình dạy nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp. Năm 2019, toàn tỉnh tuyển mới và đào tạo nghề cho 6.196 người (trong đó: hệ cao đẳng 207 người; hệ trung cấp 542 người; sơ cấp và dưới 3 tháng là 5.447 người).
Các cơ sở GDNN còn phối hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để tăng cơ hội cọ xát, tiếp xúc thực tế cho học viên, giúp họ được thực hành những lý thuyết, kiến thức đã được giảng dạy trong nhà trường. Nhờ đó, đội ngũ lao động tương lai không chỉ được nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ mà còn có cơ hội tìm được việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Sự phối hợp này cũng đem lại lợi ích cho doanh nghiệp khi họ tìm được đội ngũ lao động có trình độ, phù hợp với yêu cầu, bởi vậy, các doanh nghiệp đều tích cực hưởng ứng. Trong đó phải kể đến các doanh nghiệp, như: Công ty Cổ phần khoáng sản Tây Giang, Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư phát triển hạ tầng Bắc Kạn, Công ty Cổ phần Cơ khí kết cấu thép Sóc Sơn… hàng năm tuyển dụng lao động sau đào tạo với số lượng lớn và có nhiều chính sách ưu đãi cho người lao động.
Từ việc bám sát lợi thế của từng vùng trong đào tạo nghề, nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng theo mô hình lưu trú tại nhà dân bản địa (homestay) ở vùng hồ Ba Bể, Trung tâm GDNN huyện đã tổ chức mở lớp đào tạo nghề hướng dẫn du lịch homestay cho bà con nhân dân nơi đây. Nhiều mô hình đã thực hiện thành công, giải quyết việc làm ổn định cho người dân địa phương. Riêng năm 2019, mô hình du lịch này đã thu hút được gần 200.000 lượt khách, chiếm gần một nửa tổng lượng khách du lịch đến với Bắc Kạn. Trung bình mỗi thôn, bản tham gia mô hình du lịch homestay có tổng thu nhập nhờ làm du lịch từ 2-3 tỷ đồng/năm.
Thời gian qua, tỉnh cũng quan tâm, tạo việc làm cho đối tượng chính sách, người nghèo, người khuyết tật. Từ năm 2010 đến nay, tỉnh đã đào tạo nghề cho 24.711 người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, thuộc hộ nghèo; 2.754 người thuộc hộ cận nghèo và 128 người khuyết tật, hầu hết các đối tượng đều có việc làm ổn định sau tốt nghiệp.
Bên cạnh công tác đào tạo nghề, hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh cũng được đẩy mạnh. Thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Kạn đã nỗ lực đa dạng hóa các hình thức tư vấn, giới thiệu việc làm, như: Tổ chức phiên giao dịch việc làm lưu động tại các địa phương; Tư vấn trực tuyến, giới thiệu thông tin tuyển dụng qua cổng thông tin vlbackan.vieclamvietnam.gov.vn... để người lao động có nhiều cơ hội lựa chọn việc làm phù hợp với khả năng, trình độ của mình và tạo thu nhập cho gia đình, bản thân ổn định cuộc sống, góp phần giảm nghèo bền vững, đặc biệt đối với lao động nông thôn, dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa. Năm 2019, Trung tâm đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho 6.981/3.500 người đạt 199% kế hoạch. Trong đó số tìm được việc làm cho 1.420/1.000 người, đạt 142% kế hoạch.
Ngoài ra, xuất khẩu lao động cũng được xác định là một chiến lược phù hợp để giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn tỉnh. Thời gian qua, Bắc Kạn đã tập trung thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ ban đầu cho người đi xuất khẩu lao động. Đối với huyện nghèo theo chương trình 30a, người lao động được hỗ trợ chi phí đào tạo nghề, định hướng, chi phí liên quan… từ 12 đến 14 triệu đồng/người. Ngân hàng Chính sách Xã hội Bắc Kạn triển khai cho vay xuất khẩu lao động với tổng dư nợ hơn 27 tỷ đồng, cho gần 600 hộ vay. Tỉnh phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp liên lạc, nắm tình hình lao động ở nước ngoài, không để xảy ra rủi ro đáng tiếc. Ngoài ra, Sở tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động thanh niên đi xuất khẩu lao động, nhất là tại các huyện còn đạt tỷ lệ thấp. Đồng thời, quản lý chặt chẽ các doanh nghiệp tư vấn, phối hợp tìm giải pháp giảm tới mức thấp nhất chi phí cho người lao động. Tập trung thực hiện hỗ trợ theo các cơ chế, chính sách đã được Trung ương ban hành, bao gồm cả các huyện không thuộc chương trình 30a; phấn đấu mỗi năm tăng thêm từ 30 đến 50 người đi xuất khẩu lao động so với năm trước. Năm 2019, toàn tỉnh đã đưa 520 lao động đi làm việc ở nước ngoài (đạt 130% kế hoạch).
Năm 2020, tỉnh Bắc Kạn phấn đấu giải quyết việc làm cho 5.000 người (2.000 lao động nữ), trong đó xuất khẩu lao động là 500 người; Tư vấn giới thiệu việc làm cho 3.500 người; Tuyển mới và đào tạo GDNN cho 6.000 người…/.
Cảnh Minh
TAG: