Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Trang chủ / Lao động / Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Nghị quyết 68: Hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, đơn giản, dễ thực hiện
09:35 AM 02/07/2021
(LĐXH) - Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6 tổ chức vào chiều ngày 1/7/2021, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã thông tin và giải đáp về những nội dung mới nhất của Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 vừa được Chính phủ thông qua với tổng kinh phí hơn 26.000 tỷ đồng.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: Trong bối cảnh đợt bùng phát dịch lần này, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ trì, cùng các bộ ngành, cơ quan trung ương bàn bạc hướng ban hành một số chính sách hỗ trợ người dân.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin về Nghị quyết 68 tại cuộc Họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 6
Ngày 25/6, Bộ Chính trị đã cho chủ trương về việc ban hành một số chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn trong đợt bùng phát dịch bệnh lần này. Và trong ngày hôm nay, 1/7, Đảng Đoàn Quốc hội cũng đã chính thức cho ý kiến với Chính phủ về vấn đề này. Chính phủ, trong quá trình chuẩn bị, đã dành 2 buổi làm việc để thảo luận và chiều nay, trong phiên họp thường kỳ tháng 6, đã chính thức thông qua Nghị quyết 68, tập trung vào 2 đối tượng: Người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng sâu bởi đại dịch Covid-19, chủ yếu nhất là công nhân và người lao động trực tiếp.
Nghị quyết 68 đề ra 4 nguyên tắc cơ bản: Hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai minh bạch; Thiết kế chính sách minh bạch, đơn giản, dễ tiếp cận nhất, thủ tục hành chính giảm tới 2/3 so với Nghị quyết 42; Đảm bảo chính sách có tính khả thi; Mỗi đối tượng chỉ thụ hưởng một chính sách (trừ trường hợp đặc biệt là phụ nữ mang thai, người đang nuôi dưỡng trẻ em và trẻ em bị mắc Covid-19 hoặc phải cách ly).
Nghị quyết cũng nêu rõ tỷ lệ đảm bảo nguồn chi để thực hiện chính sách. Với các tỉnh khó khăn, ngân sách Trung ương sẽ lo đảm bảo 80%. Với những tỉnh có mức điều tiết ngân sách tốt hơn (trên 60%) thì phải tự đảm bảo nguồn lực thực hiện. Nhà nước hỗ trợ 40% với những tỉnh có tỷ lệ điều tiết ngân sách trên 30%...
Nghị quyết 68 bổ sung nhiều nhóm thụ hưởng so với Nghị quyết 42 trước đây. Cụ thể F0, F1 và trẻ em gặp khó khăn do dịch; giáo viên mầm non, tư thục; nghệ sĩ trong đơn vị nhà nước và hướng dẫn viên du lịch đều được hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt.
Các F0 được hỗ trợ tiền ăn 80.000 đồng một ngày, tính từ thời điểm bùng phát dịch lần thứ tư (27/4) đến cuối năm 2021; song không quá 3,6 triệu đồng. Các F1 nhận hỗ trợ như F0 song không quá 1,68 triệu đồng.
Trẻ em nhiễm nCoV hoặc cách ly y tế được ngân sách Nhà nước chi trả phí điều trị và tiền ăn. Ngân sách đồng thời hỗ trợ thêm một triệu đồng cho mỗi em trong thời gian điều trị, cách ly. Chính sách đặc biệt quan tâm lao động nữ phải hoãn, ngừng, nghỉ việc không lương hoặc mất việc đang nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi hoặc mang thai, nhận thêm một triệu đồng ngoài các chính sách khác với lao động khó khăn.
Lao động trong doanh nghiệp phải ngừng việc vẫn được hỗ trợ song mức thấp hơn, nhận một lần một triệu đồng thay vì 1,8 triệu, tối đa trong ba tháng như gói trước.
Điều kiện cho doanh nghiệp vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất đã được nới lỏng hơn. Nguồn vốn vay vẫn từ ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0 %. Điểm mới là doanh nghiệp không phải bảo đảm tiền vay song giữ nguyên điều kiện không có nợ xấu.
Nghị quyết 68 cũng áp dụng chính sách hỗ trợ đào tạo nâng cao tay nghề để duy trì việc làm cho người lao động với kinh phí trích từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
Về chính sách hỗ trợ người lao động tự do, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trong chỉ đạo của Bộ Chính trị cũng như Chính phủ về việc xây dựng Nghị quyết 68 đều lưu ý đến việc chăm lo cho nhóm lao động tự do bởi đây là những người bị ảnh hưởng sâu nhất vì dịch bệnh nhưng cũng khó triển khai hỗ trợ nhất. Thực tế, việc triển khai gói hỗ trợ lần đầu theo Nghị quyết 42 năm 2020, việc thực hiện rất khó khăn.
Khi xây dựng Nghị quyết 68 lần này, Chính phủ xác định, sử dụng ngân sách Trung ương để hỗ trợ với trường hợp này sẽ khó triển khai. Chính phủ sau đó quyết định vẫn hỗ trợ đối tượng này nhưng giao địa phương xây dựng danh sách người cần hỗ trợ. Các tỉnh, thành phố căn cứ điều kiện cụ thể, khả năng ngân sách để xác định người được hưởng và mức hỗ trợ cụ thể, song không thấp hơn 1,5 triệu đồng một người hoặc 50.000 đồng mỗi ngày.
Toàn cảnh buổi họp báo
Trả lời câu hỏi của các phóng viên về gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng lần này có giải ngân song song với gói 62.000 tỷ theo Nghị quyết 42 trước đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu lại thông tin, tổng số ngân sách hỗ trợ từ khi dịch bắt đầu xuất hiện đến giờ là khoảng 160.000 tỷ. Trong đó, riêng việc thực hiện Nghị quyết 42 đã có 14,4 triệu người được thụ hưởng với tổng số tiền khoảng 39.000 tỷ, riêng ngân sách nhà nước chi số tiền hỗ trợ là 13.000 tỷ.
Bộ trưởng khẳng định, gói hỗ trợ lần này không chạy song song với gói hỗ trợ theo Nghị quyết 42 vì thực tế chính sách đó đã kết thúc vào cuối năm 2020. Số tiền chưa sử dụng đã được chuyển sang sử dụng với những mục đích khác.
Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, để thực hiện Nghị quyết 68 lần này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ nhằm hướng dẫn thực hiện một cách chi tiết, cụ thể, tháo gỡ nhiều khó khăn thực tế đã bộc lộ khi thực hiện Nghị quyết 42 năm 2020. Nội dung hướng dẫn theo dự thảo đến nay dày khoảng 50 trang để đảm bảo chi tiết và dễ thực hiện.
Tinh thần đề ra là tinh giản tối đa các điều kiện, thủ tục "làm sao cho đơn giản, thông thoáng nhất" để các đối tượng tiếp cận, thụ hưởng chính sách. “Ví dụ, để giảm đóng vào Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, doanh nghiệp chỉ cần đến cơ quan BHXH, đưa danh sách đã đóng hàng tháng, sau đó sẽ được hỗ trợ. Bộ cũng sẽ quy định rõ trong 2 hoặc 3 ngày khi nhận hồ sơ, các đơn vị phải xử lý ngay. Nếu không đồng ý thì trả lời bằng văn bản ngay cho người lao động, doanh nghiệp. Nếu như trước đây cho tạm dừng đóng bảo hiểm phải có 4 thủ tục thì bây giờ tinh thần là cái gì luật không bắt buộc thì không cần" – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Đức Tùng
TAG:
Tin khác
1.337 cơ hội việc làm cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan
Hội chợ việc làm cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan thành phố Hà Nội năm 2024
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan: Đưa lao động Việt Nam sang Canada làm việc theo kế hoạch bài bản
Thời gian nộp hồ sơ, chuyển tiền đóng BHXH, BHYT, cấp giá trị sử dụng thẻ BHYT năm 2025
Hơn 2.700 vị trí việc làm tại Ngày hội việc làm lần 2-2024 tại TP.Thủ Đức
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
Huyện Phú Vang: Triển khai hiệu quả công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng