Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Trang chủ / Lao động / Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Nghị quyết 68 đáp ứng lòng mong muốn của người lao động, doanh nghiệp
11:00 AM 12/07/2021
(LĐXH)- Những nguồn lực động viên, hỗ trợ thiết thực, kịp thời để vượt qua đại dịch, đưa cuộc sống trở lại bình thường là mong muốn của người lao động, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân.
Thời gian vừa qua, dịch COVID-19 tác động mạnh mẽ tới sự phát triển kinh tế- xã hội, nhất là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi có nhiều doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh. Để kịp thời hỗ trợ, khắc phục khó khăn, ngày 1/7/2021 Chính phủ ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Doanh nghiệp là một trong những đối tượng được hỗ trợ trong đại dịch COVID-19
Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg nhằm quy phạm hóa việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ tại Nghị quyết 68.
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định, việc triển khai Quyết định 23 sẽ theo phương châm thủ tục phải thông thoáng nhất để người lao động và người sử dụng lao động thụ hưởng chính sách nhưng vẫn bảo đảm đúng luật. Theo Bộ trưởng, những gì luật quy định phải chấp hành, những quy phạm có thể cho phép vận dụng sẽ được thực hiện.
Trên cơ sở bám sát tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, rút kinh nghiệm từ việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ, Nghị quyết Nghị quyết 68 được xây dựng trên nguyên tắc hỗ trợ kịp thời; các tiêu chí, điều kiện thuận lợi để người lao động và người sử dụng lao động dễ dàng tiếp cận chính sách; phát huy tính chủ động của các cấp, các ngành, các địa phương, căn cứ vào điều kiện cụ thể để linh hoạt triển khai, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của các chính sách và nguồn lực để thực hiện.
Nghị quyết đi vào lòng dân
Nghị quyết tập trung hỗ trợ hai đối tượng là người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, ổn định sản xuất, kinh doanh, bảo đảm đời sống và an toàn cho người lao động.
Việc hỗ trợ sẽ được thực hiện theo các nguyên tắc: Bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách; xây dựng các tiêu chí, điều kiện thuận lợi để người lao động và người sử dụng lao động dễ dàng tiếp cận chính sách; bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của các chính sách và nguồn lực để thực hiện.
Do đó, theo đánh giá từ các chuyên gia, Nghị quyết 68 đã đáp ứng mong mỏi của đông đảo các tầng lớp nhân dân, là một nghị quyết đi vào lòng dân. 
Ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và Lao động, Tổng cục Thống kê khẳng định: “So sánh với các gói hỗ trợ trước đây mà doanh nghiệp và người lao động phản ánh là quá nhiều tiêu chí, tiếp cận rất khó, Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 là một trong những thiết kế chính sách thật sự đơn giản, thân thiện với người lao động. Điểm nổi bật là giảm 2/3 số thủ tục hành chính, các đối tượng sẽ dễ dàng tiếp cận, thụ hưởng hơn.
Một dẫn chứng cụ là là TP HCM tuyên bố khi người lao động hay người sử dụng lao động nộp hồ sơ thì sau từ 6 đến 7 ngày sẽ được xét duyệt. Với việc giảm thủ tục hành chính, người lao động hay người sử dụng lao động sẽ không cần phải đến cơ quan chức năng để làm việc. Thay vào đó, cơ quan chức năng sẽ có trách nhiệm chuyển số tiền hỗ trợ vào tài khoản, chỉ đối tượng nào không có tài khoản thì mới chuyển tiền mặt.
ILO: “Chiếc cầu bắc qua dòng nước siết”
Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã đánh giá cao Nghị quyết 68. ILO tin rằng thực thi tốt Nghị quyết là một trong những nền tảng quan trọng để Việt Nam hồi phục và phát triển kinh tế - xã hội.
Ông André Gama, phụ trách chương trình về An sinh xã hội, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam
“Nghị quyết số 68/NQ-CP là bước đi quan trọng hướng tới việc mở rộng độ bao phủ và tăng cường hiệu quả của các gói hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam bằng cách thêm các nhóm lao động được nhận hỗ trợ và giảm bớt gánh nặng thủ tục hành chính. Giờ là lúc chúng ta cần chờ đợi quá trình thực hiện để có thể đánh giá mức độ thành công của chính sách mới này.
ILO tin rằng các gói hỗ trợ kinh tế đang đi đúng hướng, và chúc mừng Chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng triển khai chương trình ngay cả khi làn sóng COVID-19 hiện tại vẫn đang diễn tiến phức tạp” - ông André Gama, chuyên gia phụ trách chương trình về an sinh xã hội, Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam khẳng định.
Chuyên gia ILO cho rằng, không nên nhìn nhận các gói hỗ trợ kinh tế như Nghị quyết số 68-NQ/CP trên khía cạnh chi phí, nên coi đó chính là sự đầu tư - là “chiếc cầu bắc qua dòng nước siết”, giúp bình ổn nền kinh tế, giúp các gia đình không bị rơi vào nghèo khó, đất nước hồi phục nhanh hơn và mạnh mẽ hơn từ cơn bão COVID-19 này.
Quá trình vượt qua những “dòng nước siết” ấy cũng đồng thời mở ra những cơ hội quan trọng. Nhiều Chính phủ trên thế giới hiện nay đang mở rộng cánh cửa đăng ký để người lao động phi chính thức có thể tham gia bảo hiểm xã hội bằng cách miễn giảm đóng góp và cho họ được tiếp cận với các chương trình hỗ trợ do dịch COVID-19 nhất định.
Ông André Gama lưu ý thêm, nếu Việt Nam có thể áp dụng một sáng kiến tương tự, điều đó sẽ trở thành một thành tố quan trọng bổ sung cho các nỗ lực hiện tại để đạt được các mục tiêu che phủ bảo hiểm xã hội đặt ra trong Nghị quyết số 28-NQ/TW năm 2018 (về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân).
Hơn nữa, trong bối cảnh chính sách hiện tại, khi Chính phủ đang thảo luận sửa đổi Luật Bảo hiểm Xã hội, Việt Nam nên nắm bắt cơ hội này để làm thế nào có thể đẩy mạnh hệ thống an sinh xã hội, có khả năng đối phó tốt hơn với những thách thức trong tương lai.
Cụ thể, nếu chúng ta có thể giúp hệ thống an sinh xã hội có khả năng phản ứng tốt hơn với các cú sốc, chúng ta sẽ có thể bảo đảm rằng, nếu xảy ra khủng hoảng lần tới, Chính phủ sẽ không phải đối mặt với nhiều thách thức như hiện nay khi triển khai hỗ trợ cho những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất./.
Nguyễn Lại Thìn
TAG:
Tin khác
Lâm Đồng: Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp giải quyết việc làm
Thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) đẩy mạnh việc giải ngân vốn chương trình giảm nghèo
TP.Hồ Chí Minh: Hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp giảm mạnh
TP.HCM: Giải quyết việc làm cho 221.337 lượt lao động
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan: Đưa 1.000 lao động Việt Nam sang Australia làm việc góp phần nâng cao quan hệ đối tác hai nước
Hà Nội: Giải quyết việc làm cho trên 164 nghìn lao động trong 8 tháng đầu năm 2024
Những kết quả trong giải quyết việc làm ở Quảng Trị
Hỗ trợ kết nối cung cầu lao động trên địa bàn tỉnh Nam Định
TP Đà Nẵng: Ước giải quyết việc làm cho 26.970 lao động trong 8 tháng đầu năm