Nghề bảo mẫu cực nhọc, lương bèo, lại... không chính danh!
Những quy định chồng chéo đã khiến các nhân viên nuôi dưỡng trong trường mầm non, tiểu học không hề có chức danh. Thu nhập của họ không chỉ rất thấp mà vai trò tại nơi làm việc cũng không được coi trọng.
Những quy định chồng chéo lâu nay đã khiến các nhân viên nuôi dưỡng (thường gọi là bảo mẫu - BM) trong trường mầm non, tiểu học không hề có chức danh. Thực trạng này khiến thu nhập của họ không chỉ rất thấp mà vai trò tại nơi làm việc cũng không được coi trọng. Vì thế, hiện nhiều trường không thể tuyển được BM, ảnh hưởng không nhỏ đến việc chăm sóc trẻ.
Theo nghề 21 năm, lương 3 triệu đồng/tháng!
“Tôi đã làm BM tại trường 21 năm, nhưng hiện thu nhập sau khi trừ bảo hiểm chỉ còn hơn 3 triệu đồng/tháng. Mức lương đầu tiên tôi lãnh ở trường là 300.000đ/tháng, tăng dần theo thời gian là 380.000đ, 420.000đ, 670.000đ và nay chỉ có bấy nhiêu”, cô Thái Thị Hòa, BM tại Trường tiểu học Trần Quốc Toản (Q.Tân Bình, TP.HCM) bộc bạch trong buổi đối thoại với lãnh đạo quận vừa diễn ra.
là những tình cảm đầu đời quan trọng của trẻ.
Theo cô Hòa, nguyên nhân khiến thu nhập của BM thấp là do chức danh không nằm trong biên chế nên thu nhập chủ yếu chỉ từ nguồn thu bán trú. Suốt bao năm quy định phí bán trú chỉ 30.000đ/tháng/học sinh, tăng lên 60.000đ và nay là 120.000đ. Thu ít nên thù lao cho nhân viên phục vụ bán trú cũng chẳng được bao nhiêu. “Tôi cũng sắp nghỉ việc. Làm 21 năm nhưng tôi không đủ điều kiện hưởng lương hưu, bảo hiểm y tế cũng không, vì một năm học đi làm và đóng bảo hiểm có chín tháng”, cô Hòa chia sẻ.
Quan sát công việc của các BM tại trường mới thấy, họ phải “ôm” vô số việc không tên. Tờ mờ sáng, các cô phải có mặt ở trường. Trước khi trẻ đến, phải vệ sinh lớp học sạch sẽ; sắp xếp dụng cụ, bàn ghế sẵn sàng. Khi giáo viên (GV) đón trẻ các cô lo chuẩn bị bữa ăn sáng cho các cháu. Khi GV dẫn trẻ đi vệ sinh nếu xảy ra “sự cố”, BM phải quản lớp, dọn dẹp “hiện trường”. Sau đó, BM tiếp tục chuẩn bị bữa trưa, bữa xế, dọn dẹp, vệ sinh cho trẻ…
Cô Nguyễn Thị Linh, BM của Trường mầm non 13 (Q.Tân Bình) cho biết: “Chúng tôi phải có mặt ở trường khoảng 4-4g30 sáng, ra về sau 16 giờ. Công việc nhiều, việc nào cũng liên quan đến an toàn của trẻ nên rất căng thẳng”. Thu nhập thấp, điều kiện làm việc áp lực cao, thời lượng lại đến gần 10 giờ/ngày… BM khó có thể yên tâm làm việc.
Một BM của Trường mầm non Sơn Ca kể, cô làm BM suốt 14 năm, nhưng thu nhập tổng cộng chỉ 2,8 triệu đồng/tháng: “Giờ còn sức khỏe để làm, có thể xoay xở sống qua ngày với công việc mình yêu thích nhưng tôi luôn chạnh lòng khi nghĩ đến ngày về hưu, hoặc nếu không may bệnh tật không còn khả năng lao động thì không biết lấy gì mà sống”. Không chỉ người trong cuộc lo lắng, những người quản lý cũng thấy rõ sự thiệt thòi của các BM.
Ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Tân Bình chia sẻ: “Trong trường, BM là những người thiệt thòi nhất. Họ đến trường sớm nhất nhưng rời trường trễ nhất vì phải đợi trả trẻ xong, nhưng lương lại quá thấp. Tuổi thanh xuân của nhiều người đã trôi qua ở trường, có người phải chấp nhận sống độc thân do không có điều kiện tiếp xúc rộng rãi bên ngoài để tạo lập các quan hệ…”.
Thiệt thòi vì không chính danh
Nghị quyết 01-2014 của UBND TP.HCM về hỗ trợ giáo dục mầm non đã quy định bổ sung biên chế cho chức danh nhân viên nuôi dưỡng, nhưng Thông tư liên tịch 06-2015 của Bộ GD-ĐT - Bộ Nội vụ lại không có định biên cho chức danh này. Nghị quyết và thông tư vênh nhau khiến các trường mầm non phải loay hoay tìm giải pháp tạm thời, các BM đành làm việc một cách không chính danh, là nhân viên hợp đồng không có trong biên chế, thu nhập dựa vào nguồn thu từ bán trú của phụ huynh nên không ổn định.
Thêm một yếu tố khiến nghề BM “ế” là việc đòi hỏi trình độ. Tuy lương còn thua cả người giúp việc nhà nhưng BM buộc phải có trình độ trung cấp nghề trở lên. Chưa hết, phận không chính danh còn khiến BM chịu nhiều thiệt thòi khác như không được chuyển ngạch để có thu nhập cao hơn dù đã nâng chuẩn trình độ…
Hiệu trưởng một trường mầm non tại Q.Tân Bình nói: “BM ở các trường đang làm việc trong tâm thế bất an vì sự không chính danh khiến họ chịu quá nhiều thiệt thòi trong công việc và bấp bênh khi nghỉ hưu; trong khi nếu bỏ ra ngoài làm thì mức lương sẽ cao hơn nhiều.”
Khi Nghị quyết 01 về hỗ trợ giáo dục mầm non được thông qua, các trường tại TP.HCM phấn khởi vì có cơ sở pháp lý để tuyển dụng nhân sự cho trường. Điểm nổi bật của nghị quyết là bổ sung biên chế cho chức danh nhân viên nuôi dưỡng. Theo đó, một lớp có một nhân viên nuôi dưỡng làm nhiệm vụ hỗ trợ giáo viên đứng lớp chăm sóc trẻ, vệ sinh môi trường với kinh phí chi trả từ ngân sách. Thế nhưng, nghị quyết này chỉ nằm trên giấy vì vướng thông tư của các bộ.
Bà Nguyễn Thị Hồng Lê, Hiệu trưởng Trường mầm non Họa Mi 1 (Q.5) cho biết: “Đã nhiều năm trường không có BM vì khó tuyển người bởi thu nhập và điều kiện làm việc như thế. Các cô phải tự choàng gánh hết mọi việc, từ chăm trẻ đến vệ sinh cho trẻ , trườ ng lớ p. Nếu có BM hỗ trợ, chắc chắn GV sẽ chăm sóc trẻ tốt hơn nhiều. Mỗi lớp có hai cô phải trông nom trên dưới 40 cháu. Khi một cô có việc ra khỏi lớp thì BM sẽ hỗ trợ trông lớp để tránh tai nạn cho trẻ. Họ giúp công việc của GV đỡ vất vả hơn”.
Tại Q.12 các trường hiện còn thiếu hơn 100 BM. Tương tự, Q.6 có 18 trường mầm non công lập chưa tuyển được bảo mẫu. Hiện các trường vẫn tính toán dựa trên điều kiện cụ thể của trường để hợp đồng với BM, chưa được tuyển theo dạng biên chế chính thức…
Ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM lý giải: Lâu nay dư luận kêu lương GV mầm non thấp, nhưng thực ra là không thấp, vấn đề nằm ở điều kiện làm việc quá vất vả, không tương xứng với thu nhập. TP đã “cởi trói” bằng Nghị quyết 01 cho tuyển nhân viên nuôi dưỡng. Nhân viên cấp dưỡng đúng ra được tuyển một cô/35 trẻ nhà trẻ và một cô/50 trẻ mẫu giáo, thế nhưng thực tế 100 trẻ mới được tuyển một cô. Chính những vướng mắc này khiến các trường khó tuyển và giữ chân được lực lượng hỗ trợ đảm bảo chất lượng nuôi dạy trẻ này. Do thiếu hụt nhân sự nên GV phải kiêm hết các việc như hiện nay.
Thật khó hiểu khi công việc đang rất cần và thực tế nhân sự BM đã làm việc tại các trường nhiều năm nay, nhưng chức danh BM mãi vẫn chưa được thừa nhận. Sự chính danh không chỉ cải thiện thu nhập của các BM, mà còn góp phần giảm áp lực làm việc cho lực lượng GV và việc chăm sóc trẻ được tốt hơn.
Theo Phụ nữ
TAG: