Năm 2019, công tác giải quyết việc làm ở Kiên Giang ước đạt 104,69% so với kế hoạch
(LĐXH) - Những năm gần đây, kinh tế - xã hội ở Kiên Giang có sự ổn định, đời sống và thu nhập của người dân từng bước được cải thiện… Đó là những tín hiệu đáng mừng nhờ vào sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành và địa phương về việc thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội ổn định chính trị, an ninh, quốc phòng, trong đó lĩnh vực giải quyết việc làm, ổn định thu nhập cho người lao động có vai trò then chốt…
Để tạo tiền đề cho năm 2020, thời điểm về đích của các mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2016 – 2020, Kiên Giang đã chủ động đưa ra một số giải pháp, trong đó tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh ban hành theo thẩm quyền các văn bản chỉ đạo thực hiện pháp luật về lao động, việc làm, người có công và chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh. Xây dựng kế hoạch phối hợp với các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chính sách, văn bản, quy định về lao động, người có công và xã hội. Triển khai đồng bộ các mặt công tác, tổ chức sơ, tổng kết nhằm đánh giá kết quả thực hiện, điều chỉnh kịp thời những khó khăn, vướng mắc; tổ chức thanh, kiểm tra thường xuyên để uốn nắn những thiếu sót, sai phạm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Nâng cao chất lượng công tác dự báo và thông tin thị trường lao động; gắn với kết nối hệ thống thông tin thị trường lao động của tỉnh với hệ thống thông tin thị trường lao động quốc gia; đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm của Trung tâm Dịch vụ việc làm; tổ chức tốt các phiên giao dịch việc làm tại các địa phương trong tỉnh. Tăng cường quản lý nhà nước về công tác an toàn - vệ sinh lao động; xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động. Khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, người lao động tham gia cải thiện điều kiện và môi trường lao động giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Tổ chức tốt Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2020.
Triển khai Đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp giai đoạn 2017-2021. Tăng cường thực hiện cơ chế đối thoại và thỏa thuận về tiền lương, quan hệ lao động giữa các bên, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ. Chủ động theo dõi, nắm bắt phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan giải quyết kịp thời các tranh chấp lao động, nhằm giảm thiểu các vụ đình công, lãn công của người lao động.
Bên cạnh đó, nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Kiên Giang sẽ tập trung thực hiện quy hoạch mạng lưới GDNN theo hướng nâng cao chất lượng đào tạo tại các Trường cao đẳng, trung cấp; đẩy mạnh xã hội hóa thông qua các cơ chế chính sách kêu gọi các tổ chức, cá nhân thành lập cơ sở GDNN tại những địa phương có nhiều khu, cụm công nghiệp và nhiều doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn. Chủ động triển khai Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025” đồng thời dự báo nhu cầu thị trường lao động đang có yêu cầu tuyển dụng lao động, việc làm sau tốt nghiệp để học sinh lựa chọn phù hợp với khả năng của gia đình và bản thân. Phối hợp các sở, ban ngành và địa phương triển khai hỗ trợ khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên và hỗ trợ đào tạo lao động làm việc trong các daonh nghiệp nhỏ và vừa.
Ưu tiên bố trí kinh phí hỗ trợ tạo việc làm sau tốt nghiệp cho lao động thuộc hộ nghèo tại 4 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao (Giang Thành, An Biên, An Minh và U Minh Thượng). Huy động đối tượng đang hưởng trợ cấp thất nghiệp trong tỉnh tích cực tham gia học nghề ở các trình độ nhằm tăng cường công tác giải quyết việc làm, đáp ứng yêu cầu của lao động đang thất nghiệp tại địa phương.
NHB
TAG: