An toàn lao động
Trang chủ / Lao động / An toàn lao động
Mạng thông tin Quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động: Tăng cường kết nối, chia sẻ thông tin
03:33 PM 29/11/2024
(LĐXH) – Sáng ngày 29/11, tại Hà Nội, Cục An toàn Lao động (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) chủ trì phối hợp tổ chức Hội nghị thường niên Mạng thông tin quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2024.
Quang cảnh hội nghị
Tham dự Hội nghị có ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động; Ông Nguyễn Anh Thơ, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật ATVSLĐ (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam); ông Nguyễn Khánh Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động; cùng các đại biểu đại diện các cơ quan thành viên Mạng, đại biểu đến từ các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp, các tổ chức dịch vụ huấn luyện, kiểm định.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động đã chia sẻ một số kết quả nổi bật trong công tác ATVSLĐ năm 2024. Cụ thể như: Cục An toàn lao động đã tham mưu trình Bộ LĐTBXH, trình Ban bí thư, Chính phủ ban hành nhiều chính sách, văn bản pháp luật lớn trong công tác ATVSLĐ như: Chỉ thị 31-CT/TW ngày 19/3/2024 của Ban Bí thư Trung ưởng Đảng khoá XIII về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động (thay thế Chỉ thị 29-CT/TW); Nghị quyết số 209/NQ-CP ngày 28/10/2024 của Chính phủ Ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 31-CT/TW; Nghị định số 143/NĐ-CP ngày 01/11/2024 của Chính phủ quy định về bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động.
Ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động phát biểu khai mạc hội nghị
Các hoạt động truyền thông, thông tin ATVSLĐ thường xuyên được đổi mới, tăng cường với nhiều hình thức, hoạt động truyền thông nhằm thúc đẩy Luật ATVSLĐ, các chủ trương, nghị quyết, nghị định, văn bản của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đi vào thực tiễn. Công tác huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động được chú trọng, nâng cao chất lượng huấn luyện, đổi mới, cập nhật các tài liệu huấn luyện. Công tác quản lý nhà nước về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu nhóm 2 được quan tâm. Công tác thanh tra, kiểm tra, pháp chế và báo cáo tai nạn lao động được tăng cường. Năm 2024, thực hiện thanh tra tại 61/62 đơn vị, doanh nghiệp (01 đơn vị tại thời điểm thanh tra đã dừng hoạt động), kết quả hoàn thành 61/61 đơn vị, doanh nghiệp. Kết quả thanh tra đã đưa ra 65 kiến nghị đề nghị đơn vị, doanh nghiệp thực hiện; xử phạt vi phạm hành chính 10 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng và các tỉnh: Hải Dương, Phú Yên, Vĩnh Phúc.
Tuy đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên nhưng năm qua, công tác ATVSLĐ cũng còn tồn tại, hạn chế. Trên cả nước đã xảy ra các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, nguyên nhân chủ yếu do thiếu tuân thủ quy trình làm việc an toàn; một số đơn vị, cơ sở, địa phương đầu tư chưa tương xứng cho công tác ATVSLĐ, nhận thức trong công tác giáo dục, tuyên truyền chưa sâu sát. Một số vụ tai nạn lao động điểm hình như: Vụ tai nạn lao động xảy ra ngày 22/4/2024, tại Nhà máy Xi măng thuộc Công ty Cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái làm 07 người tử vong, 03 người bị thương…
Để tiếp tục phát huy vai trò kết nối, chia sẻ thông tin của Mạng thông tin quốc gia, ông Hà Tất Thắng đề nghị trong những năm tới các hoạt động kết nối, chia sẻ thông tin cần tập trung vào một số nội dung chính sau: Tổ chức triển khai Nghị quyết 209/NQ-CP ngày 28/10/2024 của Chính phủ Ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 31-CT/TW...; tích cực tham gia góp ý, xây dựng các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật theo chương trình công tác năm 2025 của Chính phủ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội như: sửa đổi nghị định số 39/2016/NĐ-CP, nghị định số 44/2016/NĐ-CP, nghị định số 58/2020/NĐ-CP…
Đại diện Phòng Pháp chế, Thanh tra (Cục An toàn lao động) thông tin về công tác thanh tra, kiểm tra ATVSLĐ
Đổi mới, nâng cao chất lượng trong công tác huấn luyện bao gồm tài liệu huấn luyện, nghiệp vụ, kỹ năng giảng dạy, chương trình huấn luyện cần sát với thực tiễn; chú trọng đào tạo, huấn luyện kỹ năng làm việc an toàn cho người lao động, kỹ năng đánh giá, nhận diện các nguy cơ, rủi ro, phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Các cơ quan quản lý nhà nước sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong một số ngành, lĩnh vực để xảy ra nhiều tai nạn lao động, các tổ chức cung cấp dịch vụ huấn luyện, kiểm định kỹ thuật về ATVSLĐ. Bên cạnh đó, các cơ quan thành viên Mạng thông tin cần chủ động và tăng cường hơn nữa trong việc kết nối, chia sẻ, tư vấn, hỗ trợ thông tin tới doanh nghiệp, cơ sở; mở rộng các chia sẻ, sáng kiến của doanh nghiệp cơ sở qua nhiều hình thức cả trực tiếp tại nơi làm việc và trên các nền tảng mạng xã hội như như zalo, face book...
Đại diện Phòng Pháp chế, Thanh tra (Cục An toàn lao động) cho biết: Năm 2023 đã tiến hành thanh tra tại 1.617 đơn vị, ban hành 8.270 kiến nghị và 378 quyết định xử phạt với tổng số tiền xử phạt là 26.961 triệu đồng. Năm 2024, chỉ tính riêng tại Thanh tra Bộ, đã tiến hành thanh tra tại 106 đơn vị, ban hành 336 kiến nghị và 24 quyết định xử phạt với tổng số tiền xử phạt là 1.507 triệu đồng. Qua công tác thanh tra, kiểm tra đã góp phần đảm bảo quyền lợi và an toàn cho người lao động, đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Các đại biểu đến từ các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp, các tổ chức dịch vụ huấn luyện, kiểm định.
Tại Hội nghị, đại diện Viện Khoa học kỹ thuật ATVSLĐ cho biết: Giai đoạn 2013-2023, Viện đã và đang thực hiện 167 đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ các cấp. Các sản phẩm của những công trình nghiên cứu đáp ứng được nhu cầu đảm bảo ATVSLĐ và bảo vệ môi trường, có tính ứng dụng, có giá trị thực tiễn, được các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ tìm cách áp dụng.
Đại diện Cục Quản lý Môi trường y tế - Bộ Y tế cho biết: Trung bình mỗi năm trong giai đoạn 2020-2023, có khoảng 250.000 – 350.000 người lao động được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp và có 3.000 – 350.000 trường hợp mắc bệnh nghề nghiệp được phát hiện (chiếm trên 1%), giám định chỉ chiếm khoảng 10% tổng số mắc. Tích lũy số trường hợp mắc bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm đến hết năm 2022 là 30.228 trường hợp.
Tại Hội nghị, các thành viên Mạng thông tin quốc gia về ATVSLĐ đã đánh giá những kết quả đạt được cũng như thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại trong hoạt động của Mạng thời gian qua và trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm để tìm ra biện pháp giúp nâng cao chất lượng hoạt động của Mạng, góp phần vào việc cải thiện điều kiện lao động, bảo đảm ATVSLĐ và bảo vệ sức khỏe người lao động./.
Minh Hiền
TAG:
Tin khác
Sơn La: Hơn 22 nghìn lao động được giải quyết việc làm
Tiếp viên hàng không bỏ nghề về nuôi lợn kiếm tiền khủng
Đảm bảo công tác an toàn, vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội
Hà Nội thực hiện hiệu quả các giải pháp phát triển lao động
Quận Cầu Giấy hỗ trợ hơn 1,6 tỷ đồng cho công nhân lao động đón Tết Ất Tỵ 2025
Thu nhập bình quân của lao động là 7,7 triệu đồng/tháng trong năm 2024
Sở LĐ-TB&XH TP.HCM: Có 87/88 chỉ tiêu, nhiệm vụ đạt và vượt so với yêu cầu đề ra
Phân tích các biến số vĩ mô và vi mô, chỉ ra cơ hội đầu tư tiềm năng trong thời gian tới
TP.HCM tăng cường kết nối cung – cầu giải quyết việc làm cho người lao động