Tiền lương
Trang chủ / Lao động / Tiền lương
Lương tối thiểu vùng năm 2017 tăng 7,3%
06:50 AM 03/08/2016

LĐXH - Chiều ngày 02/8/2016, tại Trụ sở Bộ, Hội đồng Tiền lương Quốc gia tổ chức Họp báo công bố mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2017. Tham dự và chủ trì buổi Họp báo có Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Phạm Minh Huân – Chủ tịch Hội đồng; Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính; Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng cùng các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và Hà Nội.

 

Toàn cảnh buổi họp báo

 

Kết quả tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 đã được Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội công bố sau phiên họp lần thứ 2 của Hội đồng tiền lương quốc gia. Đây là phương án sẽ được Hội đồng đề xuất để Chính phủ xem xét, phê duyệt. So với lương tối thiểu vùng 2016 (tăng bình quân 12,4%), phương án năm nay được chốt sớm hơn một tháng, song mức tăng lại thấp hơn.

Cụ thể mức tăng đối với lao động ở các địa phương thuộc vùng I là 250.000 đồng, tương đương 7,1 %. Vùng II tăng 220.000 đồng (7,1 %), vùng III tăng 200.000 đồng (7,4 %) và vùng IV là 180.000 đồng (7,9 %).

Phiên họp lần thứ 2 bàn về lương tối thiểu vùng của Hội đồng lương quốc gia diễn ra khá căng thẳng, nhưng đã có sự nhượng bộ giữa đại diện các bên là Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Theo đó, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã hạ đề xuất tăng lương tối thiểu 2017 từ 11,11 % xuống 10 %. Trong khi đó, VCCI đã chấp nhận nâng mức đề xuất tăng lương tối thiểu từ 4-5% ban đầu lên 6,5 %.

Trao đổi tại cuộc họp báo diễn ra lúc 16h30 chiều nay, Thứ trưởng Lao động, Thương binh & Xă hội - Phạm Minh Huân cho biết phương án cuối cùng được chốt lúc 13h với 13/14 phiếu tán thành trong hội đồng.

Theo Thứ trưởng, điều chỉnh lương tối thiểu là căn cứ nâng cao đời sống người lao động, song cũng cần cân nhắc để chi phí không quá sức chịu đựng của doanh nghiệp, để họ có "cửa" phát triển. Năm nay, Hội đồng tiền lương đã có 2 báo cáo đánh giá tác động dựa trên các chỉ tiêu GDP, các chỉ tiêu kinh tế... để đưa ra các phương án về tiền lương nêu trên. Về phần mình, ông Mai Đức Chính - Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết chưa hài lòng với kết quả đạt được vì mức đầu tiên được cơ quan này đề xuất là 11%. 

Ông Hoàng Quang Phòng - Phó chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng đây là sự nỗ lực, chia sẻ với giới sử dụng lao động. Vị này cho rằng hiện tình hình kinh doanh đã có bước phục hồi nhưng vẫn còn rất khó khăn, bất kỳ sự thay đổi nào cũng khiến doanh nghiệp đứng trước sự lựa chọn tồn tại hay không tồn tại. "Doanh nghiệp cần dư địa để cạnh tranh, nâng cao năng suất lao động và đặc biệt là khả năng chi trả theo yêu cầu tăng lương tối thiểu", vị này lý giải song cũng chia sẻ rằng sau khi thương lượng, VCCI cũng đồng thuận chốt mức tăng lương 7,3%.

Trước đó, tại phiên họp lần thứ nhất diễn ra vào trung tuần tháng 7, Hội đồng tiền lương quốc gia từng xem xét đề xuất mức tăng lương tối thiểu thêm 11% với 4 vùng (tương đương 250.000-400.000 đồng một tháng), cao hơn khá nhiều phương án "chốt" cuối cùng. Mức đề xuất này dựa vào kết quả khảo sát lương tối thiểu hiện nay mới đáp ứng được 80% nhu cầu sống của công nhân, chỉ 8% người lao động có tích lũy, cũng như tình hình kinh tế, khả năng mở rộng và phát triển của doanh nghiệp...

Năm ngoái, sau ba phiên họp Hội đồng phải tiến hành bỏ phiếu mới thống nhất được mức tăng lương tối thiểu vùng. Trong đó vùng I từ 3,1 triệu đồng một tháng (năm 2015) lên 3,5 triệu. Mức áp dụng tương ứng cho các vùng 2, 3 và 4 là 3,1 triệu, 2,7 triệu và 2,4 triệu đồng.

Thời gian tới, Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2017. 

 

PV

TAG:
Tin khác
Một số khó khăn trong thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp ở Bình Phước
Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Phước: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách Bảo hiểm thất nghiệp
Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Phước: Chủ động giải quyết chính sách Bảo hiểm thất nghiệp
Hà Nội: Thị trường lao động cuối năm có nhiều chuyển biến tích cực
Sóc Trăng: Gắn kết đào tạo nghề với giải quyết việc làm, tạo sinh kế bền vững cho người nghèo
Quảng Ninh: Đẩy mạnh các hoạt động kết nối, giải quyết việc làm cho người lao động
Tìm giải pháp nâng cao chất lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài
Yên Bái thúc đẩy nhân quyền, dành nhiều sự hỗ trợ về giải quyết việc làm cho người lao động
Trung tâm Dịch vụ việc làm Sơn La: Chủ động giải quyết chính sách Bảo hiểm thất nghiệp