Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Trang chủ / Lao động / Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Long An hỗ trợ trực tiếp cho 36.582 lao động tự do
07:02 PM 01/08/2021
(LĐXH)- Theo báo cáo từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Long An, thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, tính đến 14 giờ ngày 27/7, tỉnh đã triển khai hỗ trợ trực tiếp cho các nhóm đối tượng với tổng kinh phí trên 146,587 tỷ đồng, trong đó có 36.582 lao động tự do.
Cụ thể, về chính sách hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm (lao động tự do), tỉnh Long An đã hỗ trợ trực tiếp cho 36.582 người, với tổng số tiền hơn 32,804 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ 10.502 người bán vé số lưu động, với số tiền trên 7,876 tỷ đồng; 26.026 lao động tự do khác, với kinh phí hỗ trợ gần 25 tỷ đồng. Hiện tại, các huyện, thị xã, thành phố đang tiếp tục rà soát, tổng hợp, xét duyệt và tiến hành hỗ trợ cho các đối tượng lao động tự do.

Long An trao tiền hỗ trợ cho đối tượng lao động tự do thuộc trường hợp người bán vé số

Riêng chính sách hỗ trợ lao động tự do theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ, tỉnh Long An đã ban hành Quyết định số 6652/QĐ-UBND về việc hỗ trợ người lao động tự do trên địa bàn tỉnh. Điều kiện hỗ trợ khi người lao động tự do bị mất việc làm trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ đạo của UBND tỉnh Long An và UBND cấp huyện, thị xã, thành phố; lao động tự do đang cư trú hợp pháp trên địa bàn tỉnh theo quy định của Luật Cư trú. Mức hỗ trợ là 50.000 đồng/người/ngày nhân với số ngày mất việc; thời gian triển khai hỗ trợ từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021.
UBND tỉnh Long An quy định đối tượng hỗ trợ người lao động tự do làm một trong các loại công việc: bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; thu gom rác, phế liệu, bốc vác, vận chuyển hàng hóa; lái xe mô tô 2 bánh chở khách, xe xích lô; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe; bán lẻ vé số lưu động và một số công việc đặc thù khác thuộc các lĩnh vực, ngành nghề phải tạm ngừng hoạt động theo chỉ đạo của UBND tỉnh và UBND cấp huyện, thị xã, thành phố.
Quy trình thụ tục xét hỗ trợ đối tượng tự do là do UBND cấp xã, phường, thị trấn phối hợp Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, phường, thị trấn tổng hợp, rà soát, lập danh sách các đối tượng lao động tự do đủ điều kiện được hỗ trợ, sau đó trình UBND huyện, thị xã, thành phố xem xét, ký quyết định hỗ trợ.
Cũng theo báo cáo từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Long An, tính đến ngày 27/7, toàn tỉnh đã thực hiện giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 5.237 tổ chức, cơ quan, đơn vị; số lao động được giảm mức đóng là 296.119 người, tương ứng với số kinh phí gần 105 tỷ đồng. Ngoài ra, cơ quan Bảo hiểm Xã hội Long An cũng đang xác minh nguồn chi hoạt động thường xuyên của 99 đơn vị sự nghiệp công lập để xem xét đối tượng hỗ trợ.
Bên cạnh đó, tỉnh Long An cũng đã thực hiện hỗ trợ tiền ăn đối với người phải điều trị nhiễm COVID-19 (F0) và người phải thực hiện cách ly y tế (F1) cho 5.325 người, với tổng kinh phí 8,946 tỷ đồng; hỗ trợ 12 trẻ em trong các khu cách ly tập trung để phòng, chống dịch bệnh COVID-19 (F1) với số tiền 20.000.000 đồng.
Ngoài ra, đối với chính sách hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật và người lao động là hướng dẫn viên du lịch, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Long An đã trình UBND tỉnh hỗ trợ cho 40 người, số tiền 148,4 triệu đồng.
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Hồng Mai cho biết: Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 68/CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg và Quyết định 6652/QĐ-UBND, tỉnh Long An đã chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền rộng rãi chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh đến người dân, người lao động. Trong đó, tỉnh cũng yêu cầu cấp huyện, thị xã, thành phố phải chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn rà soát đối tượng đúng, tránh tình trạng trùng lắp đối tượng, nhất là phải căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương để xác định đối tượng và xác định thời gian hỗ trợ...

Chí Tâm

TAG:
Tin khác
Nestlé và PRO Việt Nam thúc đẩy thực hành an toàn vệ sinh lao động trong quản lý rác thải
Thừa Thiên Huế: Giải quyết việc làm gắn với giảm nghèo bền vững
Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Phước: Những giải pháp quan trọng thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp
Một số khó khăn trong thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp ở Bình Phước
Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Phước: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách Bảo hiểm thất nghiệp
Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Phước: Chủ động giải quyết chính sách Bảo hiểm thất nghiệp
Hà Nội: Thị trường lao động cuối năm có nhiều chuyển biến tích cực
Sóc Trăng: Gắn kết đào tạo nghề với giải quyết việc làm, tạo sinh kế bền vững cho người nghèo
Quảng Ninh: Đẩy mạnh các hoạt động kết nối, giải quyết việc làm cho người lao động