Lạng Sơn: Khó khăn trong dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật
Hiện nay, mặc dù Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho người khuyết tật (NKT) nhưng thực tế công tác dạy nghề, tạo việc làm cho NKT trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn còn gặp nhiều khó khăn, chưa thu hút NKT tham gia học nghề cũng như các đơn vị, doanh nghiệp (DN) tạo điều kiện cho NKT tham gia lao động.
60,98% NKT không có việc làm
Tính hết tháng 5/2019, toàn tỉnh Lạng Sơn có 10.406 NKT, chiếm 1,31% tổng số dân toàn tỉnh. Trong đó NKT dưới 16 tuổi có 1.234 người, chiếm 0,46% tổng số trẻ em toàn tỉnh; NKT từ 60 tuổi trở lên có 2.113 người, chiếm 2,76% tổng số người cao tuổi của tỉnh. Đối tượng NKT của tỉnh chủ yếu ở các dạng khuyết tật như: vận động, nghe nói, nghe nhìn, trí tuệ, thần kinh và các dạng khác. Trong đó, NKT mức độ đặc biệt nặng có 2.011 người, 6.929 NKT nặng, 1.466 NKT nhẹ.
Hiện nay, đời sống NKT của tỉnh còn khó khăn, theo thống kê, toàn tỉnh có 2.511 NKT thuộc hộ nghèo, chiếm 24,13% tổng số NKT. Trình độ học vấn của NKT thấp và hầu hết không có trình độ chuyên môn kỹ thuật, đa số NKT không có việc làm; một số ít NKT có việc làm thì không ổn định, thu nhập thấp, bấp bênh, đời sống khó khăn.
Nhiều NKT trong tỉnh còn gặp khó khăn trong tìm kiềm việc làm rất cần sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, tổ chức
Ông Hoàng Văn Vinh, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết: Theo kết quả khảo sát của tỉnh, hiện có tới 6.436 NKT không có việc làm, chiếm 60,98% tổng số NKT, một số ít NKT có việc làm chủ yếu ở khu vực nông thôn, thu nhập thấp.
Chưa mặn mà học nghề
Mặc dù tỷ lệ NKT không có tay nghề kỹ thuật và không có việc làm chiếm tỷ lệ cao nhưng thực tế việc học nghề lại chưa thực sự thu hút họ tham gia. Thời gian qua, thực hiện các chủ trương trong công tác dạy nghề cho NKT, các cấp, ngành chức năng của tỉnh đã phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể tuyên truyền sâu rộng đến NKT và gia đình của họ về chính sách học nghề như: hỗ trợ chi phí học nghề, trợ cấp học bổng, miễn học phí… Tuy nhiên, từ năm 2017 đến nay, cả tỉnh mới tổ chức được 1 lớp nghề bện chổi chít với 35 NKT đăng ký, nhưng thực tế chỉ có 23 NKT tham gia học nghề.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết: Phần lớn do tâm lý, tư tưởng của NKT sống cam chịu, không muốn thay đổi, phó mặc, ỷ lại vào gia đình, không muốn trang bị nghề vì tự ti vào khả năng lao động của mình. Mặt khác, điều kiện khách quan của tỉnh cũng chưa có phong trào học nghề, tạo nhiều việc làm cho NKT để họ hứng thú tham gia lao động. Chưa kể toàn tỉnh cũng chưa có trung tâm hoặc cơ sở dạy nghề dành riêng cho NKT, nhiều nghề thực tế không có giáo viên dạy hoặc một số cơ sở dạy nghề của tỉnh không đủ khả năng dạy nghề cho NKT…
Khó trong tạo việc làm
Thu hút NKT học nghề đã khó, để họ có việc làm thực tế còn khó khăn hơn nhiều. Hiện nay, ngoài một số ít NKT ở nông thôn có việc làm từ nghề nông nghiệp, phụ giúp gia đình thì rất ít NKT ở thành phố tìm kiếm được công việc và có thu nhập ổn định. Nguyên nhân do NKT chưa chủ động trong tìm việc, mặt khác nếu chủ động tìm việc thì tỷ lệ tìm được việc không cao do không có nhiều công việc phù hợp với họ cũng như không có nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tiếp nhận họ…
Thời gian qua, mặc dù các cấp, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến xã đã tuyên truyền nhiều nhưng thực tế, số đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhận NKT vào đào tạo và làm việc còn rất khiêm tốn. Theo thống kê của Hội Bảo trợ NKT và Bảo vệ Quyền trẻ em tỉnh, hiện toàn tỉnh có 7 cơ sở đào tạo và tạo việc làm cho 30 NKT, điển hình như: Nhà may Sài Gòn (đường Bắc Sơn, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn) tạo việc làm cho 12 NKT; cơ sở đan chổi chít (đường Phai Vệ, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn) tạo việc làm cho 4 NKT; Câu lạc bộ người khiếm thị thành phố Lạng Sơn mở 5 cơ sở tẩm quất, tạo việc làm cho 14 NKT… với mức thu nhập trung bình từ 3 đến 5 triệu đồng/người/tháng.
Bà Lương Mỹ An, Chủ tịch Hội Bảo trợ NKT và Bảo vệ Quyền trẻ em tỉnh cho biết: Vấn đề dạy nghề, tạo việc làm để NKT có thu nhập là trăn trở của hội. Hội mong có thể kết nối được nhiều hơn nữa những doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh để tạo điều kiện cho NKT có việc làm ổn định. Thời gian qua, hội đã nỗ lực mở được 12 gian hàng/6 lần tham gia các hoạt động hội chợ của tỉnh, tạo điều kiện cho NKT tham gia bán các sản phẩm do họ sản xuất, chế biến. Qua đó khích lệ, tạo động lực cho họ hăng say lao động.
Chính sách hỗ trợ dạy nghề cho NKT có nhưng thực tế khó thu hút được họ tham gia, nguyên nhân được xác định có cả điều kiện khách quan, chủ quan. Đây chỉ là một trong những chỉ tiêu thành phần rất nhỏ trong thực hiện Đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2012-2020 trên địa bàn tỉnh. Mặc dù chỉ tiêu nhỏ nhưng lại là cả một vấn đề lớn, vì nó ăn sâu vào nhận thức, tư tưởng của NKT. Vì vậy, thời gian tới, thiết nghĩ các cấp, ngành, cộng đồng xã hội cần tiếp tục chung tay tuyên truyền sâu rộng để nâng cao nhận thức cho NKT, để họ bớt tự ti, có chí vươn lên, đồng thời xóa bỏ tư tưởng kỳ thị, xem nhẹ, coi thường NKT, tạo điều kiện và cơ hội cho họ vươn lên, hòa nhập trong tất cả các lĩnh vực./.
PV
TAG: