Làm việc online: Hiệu quả thời dịch bệnh
Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, nhiều cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp đã chủ động chuyển sang phương thức “làm việc online” để giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh. Đây là một trong những giải pháp trước mắt nhằm giúp hạn chế sự lây lan dịch bệnh nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả công việc.
Gần một tuần nay, vào mỗi buổi sáng, thay vì phải đến văn phòng làm việc, anh Nguyễn Anh Tuấn lại ngồi ngay tại nhà làm việc với chiếc máy tính xách tay.
Là nhân viên hành chính, tổng hợp của một đơn vị lữ hành, khi dịch bệnh có dấu hiệu gia tăng tại Hà Nội, công ty đã cho nhân viên được làm việc tại nhà trừ những trường hợp đặc biệt, những bộ phận có lịch làm việc với đối tác, khách hàng mới phải đến cơ quan. "Tuy làm việc tại nhà nhưng công ty yêu cầu phải đảm bảo công việc được giao và chế độ báo cáo thường xuyên bằng email, điện thoại. Các cuộc họp cũng được để chế độ họp online. Do đó, làm việc ở nhà nhưng bận chẳng kém gì đi làm”, Anh Tuấn chia sẻ.
Anh Nguyễn Quang, chủ một công ty phần mềm trên phố Kim Đồng, cho biết, do đặc thù của công ty chuyên về công nghệ nên ngay từ khi có dịch anh đã cho hơn 10 nhân viên của mình ở nhà làm việc online.
“Làm việc qua mạng cũng có những hạn chế nhất định, nhưng với một công ty chuyên về thiết bị công nghệ thì điều này hoàn toàn bình thường. Trừ bộ phận bảo hành bảo trì vẫn phải đi xử lý công việc, còn lại dù làm việc online nhưng các thành viên vẫn thường xuyên trao đổi công việc cũng như hoàn thành công việc theo kế hoạch. Tôi nghĩ, cho phép nhân viên làm việc online trong thời kỳ này của nhiều doanh nghiệp không chỉ giúp làm giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh mà còn giúp giảm bớt lo lắng của nhiều cán bộ, nhân viên có con nhỏ trong độ tuổi đi học trong việc sắp xếp công việc, người trông nom con trẻ… Thậm chí, tôi có cảm giác các nhân viên của mình làm việc trôi chảy hơn trước vì mọi người đều thoải mái tinh thần và hết sức tự giác” - anh Quang nói.
Theo lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, thực hiện chỉ đạo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội, từ sau Tết đến nay, Trung tâm tạm dừng tổ chức các phiên giao dịch việc làm, chuyển sang cung cấp thông tin thị trường lao động. Để tăng cường kết nối cung – cầu giữa doanh nghiệp và người lao động, Trung tâm chỉ đạo các phòng chuyên môn, nghiệp vụ phối hợp với những đơn vị thu thập nhu cầu tuyển dụng cụ thể của doanh nghiệp và mong muốn tìm kiếm việc của người lao động theo vị trí ngành nghề.
Bên cạnh đó, cung cấp cho người lao động các vị trí việc làm gắn với trình độ, nguyện vọng của họ. Nhằm tránh hạn chế “tụ tập”, Trung tâm cũng hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp và người lao động cài đặt phần mềm phỏng vấn trên máy tính và điện thoại để hai bên chủ động gặp nhau. Vì thế, trong giai đoạn này, hoạt động trực tuyến đã đem lại tín hiệu rất tốt, được doanh nghiệp và người lao động ủng hộ.
Xu hướng làm việc mới
Nhiều chuyên gia cho rằng, từ năm 1995, đã xuất hiện phương châm "công việc là thứ bạn làm chứ không phải thứ bạn phải đi lại". Hay nói cách khác người ta quan niệm công việc là làm, không phải là đi hay đến nơi làm việc. Thực tế, không phải chỉ ở thời điểm hiện tại mà trước đó đã có không ít doanh nghiệp đã sử dụng phương pháp làm việc từ xa một cách hiệu quả. Làm việc từ xa được sử dụng để giảm chi phí và tăng hiệu quả làm việc cho cả doanh nghiệp và nhân viên. Làm việc từ xa có thể nâng cao hiệu quả lao động vì nhân viên không mất sức và thời gian đi lại.
Đơn cử, nếu 1 người phải mất 1 tiếng đi lại để đến nơi làm việc và phải về nhà lúc 18 giờ, thì họ sẽ phải rời cơ quan lúc 17 giờ, nếu làm ở nhà, người ta có thể có thêm 1 giờ để giải quyết công việc tồn đọng. Ngoài ra, khi “làm việc online”, doanh nghiệp có thể tiết kiệm chi phí văn phòng, máy móc, nhân viên hỗ trợ, và các chi phí khác như điện, nước, điều hoà... Người lao động thì có thể cải thiện chất lượng cuộc sống vì giảm thời gian đi lại và bị ùn tắc giao thông. Vì vậy làm việc từ xa có thể giúp người lao động cân bằng trách nhiệm công việc với cuộc sống cá nhân.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học - Lao động, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, xu hướng làm việc từ xa được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng trong thời đại công nghệ 4.0. Khi dịch bệnh hoành hành, giải pháp này còn giúp giảm khí thải gây ô nhiễm, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp. Ưu điểm của cách thức làm việc này là mang lại cho nhân viên sự thoải mái và tự do sáng tạo, tránh được những áp lực tại cơ quan. Tuy nhiên, giải pháp này chỉ phù hợp với các công việc có liên quan nhiều đến nền tảng online, bởi nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam chưa chuẩn bị cho hệ thống làm việc từ xa. Việc thiếu sự giám sát có thể dẫn đến nhân viên làm việc tại nhà không tự giác, thiếu tập trung trong công việc.
Nhấn mạnh đây là giải pháp tạm thời được các doanh nghiệp, đơn vị áp dụng trong mùa dịch, nhưng sẽ là xu thế làm việc mới trong thời gian tới, PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương nhận định, trong bối cảnh cả Chính phủ và các doanh nghiệp cùng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào đời sống sẽ tạo ra những yếu tố mới. Bên cạnh đó, cách làm việc này cũng tạo ra sự phân công lao động mới thay cho mô hình truyền thống làm việc tại văn phòng. Quan trọng nhất là không gian làm việc mới, không gian tương tác trên mạng giúp rút ngắn các công đoạn trong quá trình làm việc, trao đổi thông tin, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
Thực tế, dù có nhiều ưu điểm những không phải công việc nào cũng đều có thể áp dụng “làm việc online”, tùy theo tính chất công việc, như như loại công việc cần trực tiếp có mặt, hay loại công việc không cần sử dụng những trang thiết bị công cụ mà chỉ tối ưu ở văn phòng nơi làm việc thì hiệu quả mới cao.
Đặc biệt, để thực hiện phương cách “làm việc online” một cách hiệu quả, các doanh nghiệp, cơ quan cần xây dựng một khung chính sách bao gồm các quy định quy chế, trách nhiệm quyền hạn, kỷ luật… riêng đầy đủ cũng giống như khi làm việc tại văn phòng. Ngoài ra, tập huấn hướng dẫn và thời gian thử nghiệm là khâu không thể thiếu trước khi bắt đầu, còn trước mắt “làm việc online” mới chỉ là một giải pháp phù hợp với tình hình hiện tại./.
Theo Laodongthudo
TAG: