Trong quá trình đó, xác định vốn vay giải quyết việc làm là một trong những kênh quan trọng hỗ trợ người dân duy trì việc làm, tạo việc làm, địa phương đã quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay từ Qũy quốc gia giải quyết việc làm thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh (CSXH). Đến nay, Ngân hàng CSXH tỉnh Lai Châu đã triển khai đầy đủ, kịp thời và công khai các chính sách liên quan đến chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng đến 108 Điểm giao dịch xã trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, phối hợp với các Ban, ngành, hội, đoàn thể từ tỉnh xuống xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho Nhân dân tiếp cận nguồn vốn.
Hàng năm, căn cứ vào nhu cầu vốn vay từ các huyện, thành phố và dựa trên kinh phí phân bổ tín dụng của Ngân hàng CSXH Việt Nam, Chi nhánh Lai Châu, phòng giao dịch các huyện tổ chức tham mưu cho Trưởng ban Đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH tỉnh và các địa phương giao chỉ tiêu kế hoạch đến các xã, phường, thị trấn; đồng thời, thực hiện linh hoạt các biện pháp cân đối, thu hồi các khoản vay đến hạn để tổ chức giải ngân vốn kịp thời đến các đối tượng có nhu cầu vay. Trong đó, ưu tiên cho các chương trình, dự án sử dụng nhiều lao động và vốn để cho vay GQVL đối với những đối tượng là thanh niên, phụ nữ khởi nghiệp. Trên cơ sở bám sát các định hướng, chủ trương phát triển kinh tế ở từng khu vực địa phương, nhiều lao động sau khi được vay vốn đã tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, xây dựng các mô hình kinh tế nông nghiệp, nông thôn; phát triển ngành nghề truyền thống… mở ra hướng đi mới trong việc nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống gia đình.
Hiện, nguồn vốn vay giải quyết việc làm chủ yếu từ Trung ương và theo chỉ định của UBND tỉnh, các huyện. Đến hết cuối tháng 5/2020 dư nợ cho vay giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh đạt gần 173 tỷ đồng với 3.865 khách hàng vay. Nguồn vốn chủ yếu đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh buôn bán. Từ đó, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động thất nghiệp, thiếu việc làm; phát triển cơ sở sản xuất kinh doanh vừa và nhỏ trong nhiều lĩnh vực, duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống trên địa bàn như: dệt, may, thổ cẩm; chế biến miến dong, bún, bánh đa… tại các huyện Phong Thổ, Tam Đường, Than Uyên.
Riêng nguồn phân bổ cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trong 05 năm qua, đã tổ chức đào tạo cho 26.797 lao động với 893 lớp. Việc quản lý và sử dụng Quỹ quốc gia về việc làm và Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp được Sở thực hiện đúng quy định. Tổng dư nợ Quỹ quốc gia về việc làm đến nay là 142,149 tỷ đồng, thông qua vay vốn giải quyết việc làm đã có 4.551 lượt khách hàng được vay vốn.
Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Lai Châu Nguyễn Thanh Hà cho biết: Nguồn vốn vay giải quyết việc làm đã thực sự mang lại hiệu quả tạo ra nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống người dân. Tuy nhiên, nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm hiện còn hạn chế, hàng năm ngân sách Trung ương, tỉnh, huyện bổ sung cho nguồn vốn này rất ít, chủ yếu quay vòng vốn cũ trong khi nhu cầu vay vốn của người dân lại rất lớn nên chưa đáp ứng được việc vay vốn của đa số người dân. Vì vậy, để đáp ứng nguồn vốn vay cho người dân, thời gian tới NHCSXH mong muốn các cấp quan tâm, tạo điều kiện và hàng năm chuyển bổ sung nguồn vốn cho vay từ ngân sách tỉnh sang Ngân hàng CSXH để thực hiện cho vay đạt hiệu quả.
Hướng tới mục tiêu mở ra nhiều cơ hội việc làm cũng như đáp ứng tốt nhu cầu vay vốn cho người lao động trong thời gian tới, Ngân hàng CSXH Lai Châu sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách vay vốn giải quyết việc làm nói riêng và các chương trình vay vốn nói chung thông qua nhiều hình thức để người dân biết quy trình vay vốn và đăng ký tham gia khi có nhu cầu. Phối hợp với các hội, đoàn thể thực hiện tốt công tác tư vấn việc làm, định hướng cho vay, mục tiêu sử dụng vốn vay.
Trần Huyền