Kon Tum: Nâng cao hiệu quả hoạt động cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm
Nhằm đẩy mạnh hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động, ngày 11 tháng 4 năm 1992, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Nghị quyết số 120/HĐBT về chủ trương, phương hướng và biện pháp giải quyết việc làm trong các năm tới, trong đó có quy định về việc thành lập Quỹ quốc gia về giải quyết việc làm (nay là Quỹ quốc gia về việc làm) để cho vay tín dụng ưu đãi đối với cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ, hộ gia đình.
Trước năm 2016, hoạt động vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm nằm trong khuôn khổ Chương trình MTQG về việc làm nên nguồn vốn bổ sung mới cho Quỹ được phân bổ từ nguồn kinh phí Chương trình MTQG về việc làm hằng năm. Từ năm 2016 đến năm 2017, dự án cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm không còn nằm trong Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016 – 2020, đồng thời do khó khăn về kinh tế, ngân sách Trung ương không bổ sung vốn cho Quỹ quốc gia về việc làm. Năm 2018, trên cơ sở nguồn vốn vay điều chuyển từ Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định số 1219/QĐ-LĐTBXH ngày 12 tháng 9 năm 2018, phân bổ 26.199 triệu đồng bổ sung vốn vay cho 10 tỉnh.
Nhờ được vay vốn giải quyết việc làm, nhiều người dân đã đầu tư xây dựng nhà ở, có việc làm ổn định
Từ năm 2016 đến nay, hoạt động cho vay từ Quỹ quốc gia về việc làm được thực hiện theo quy định tại Luật Việc làm, Nghị định 61/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm và các văn bản hướng dẫn. Trên cơ sở các văn bản của Trung ương, Sở Lao động-TBXH tỉnh Kon Tum đã triển khai tuyên truyền, phổ biến chính sách cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm; phối hợp triển khai cho vay vốn hỗ trợ tạo việc làm thông qua hệ thống chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội từ cấp tỉnh xuống cấp huyện, các điểm giao dịch cấp xã, phường, thị trấn và các tổ chức hội. Nguồn vốn vay từ Quỹ quốc gia về việc làm đã phát huy được hiệu quả, góp phần tạo việc làm đem lại thu nhập cho người dân.
Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, giai đoạn 2016 đến 2019, tổng nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm là 127,82 tỷ đồng, góp phần hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 4.863 lượt khách hàng được vay vốn. Riêng 9 tháng đầu năm 2019, hoạt động cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm đã giải ngân khoảng 43 tỷ đồng, góp phần hỗ trợ tạo việc làm cho 1.224/1.000 lao động, đạt 122,4% kế hoạch năm. Trong số lao động được hỗ trợ vay vốn, có nhiều đối tượng lao động yếu thế như lao động là người khuyết tật, lao động là người dân tộc thiểu số, lao động ở khu vực nông thôn có cơ hội tiếp cận các nguồn tín dụng ưu đãi để mở rộng, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần tạo và tự tạo việc làm cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Đối với hoạt động kiểm tra giám sát, hàng năm, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh (NHCSXH tỉnh) đều có thành lập đoàn kiểm tra của để kiểm tra, đánh giá hoạt động cho vay vốn hỗ trợ tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm. Công tác quản lý cho vay, thu hồi nợ được thực hiện nghiêm túc, việc giám sát sử dụng vốn cho đến đôn đốc trả nợ được tổ trưởng, tổ chức hội nhận ủy thác cấp xã và NHCSXH chịu trách nhiệm theo dõi thường xuyên, liên tục. NHCSXH phối hợp với các tổ chức nhận ủy thác gồm Hội LHPN, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên, UBND các cấp và các ngành có liên quan nâng cao chất lượng cho vay thông qua việc nâng cao chất lượng bình xét đối tượng cho vay; kiểm tra giám sát chặt chẽ quá trình sử dụng vốn; đôn đốc thu lãi hàng tháng, vận động trả nợ dần theo định kỳ; tăng cường nhắc nhở, đôn đốc người vay trả nợ đúng hạn; phối hợp lập hồ sơ đề nghị xử lý rủi ro kịp thời đối với các hộ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan.
Bên cạnh đó, cơ quan Lao động – TBXH các cấp đã phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội, các cơ quan có liên quan tại địa phương trong quá trình thẩm định hồ sơ vay vốn, kiểm tra, giám sát hoạt động cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội tại địa phương. Thông qua hoạt động cho vay các tổ chức Hội đoàn thể có điều kiện quan tâm sát sao đến hội viên, nắm bắt tới từng cơ sở, đã gắn kết hoạt động kinh tế với nhiệm vụ chính trị của tổ chức mình, đẩy mạnh các phong trào thi đua làm kinh tế giỏi. Qua kiểm tra giám sát chưa phát hiện trường hợp nào sử dụng vốn sai mục đích phải thu hồi vốn trước hạn.
Có thể nói, hoạt động cho vay của Quỹ rất hiệu quả, góp phần quan trọng hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động, nguồn vốn được bảo toàn, chất lượng tín dụng và hiệu quả sử dụng Quỹ tại Ngân hàng Chính sách xã hội không ngừng được mở rộng. Quỹ Quốc gia về việc làm đã tạo điều kiện, hỗ trợ kịp thời cho người lao động được vay vốn, tạo việc làm, tăng thu nhập và phát triển nhiều mô hình kinh tế bền vững, tạo nhiều việc làm có hiệu quả như: mô hình chăn nuôi bò, chăm sóc cây cà phê, cao su... góp phần vào mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động cho vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm cũng gặp những khó khăn, tồn tại như: Nguồn vốn cho vay của Quỹ quốc gia về việc làm còn hạn chế trong khi nhu cầu vay vốn của người dân nhiều; Mức vay và thời hạn vay vốn chưa phù hợp với quy mô và chu kỳ sản xuất, kinh doanh (khách hàng vay đến hạn trả nợ nhưng chưa có nguồn thu do chu kỳ sản xuất kinh doanh dài, sản phẩm chưa đến kỳ thu hoạch trong các hoạt động sản xuất, chăn nuôi đại gia súc, trồng rừng, trồng cây công nghiệp lâu năm…).
Trên cơ sở kết quả đạt được, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum đề nghị các bộ, ngành Trung ương cấp bổ sung nguồn vốn cho vay vì hiện nay nguồn vốn này còn rất hạn chế để đảm bảo nguồn vốn vay của Quỹ quốc gia về việc làm đáp ứng nhu cầu vay vốn của người lao động. Tăng cường nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác cho vay hỗ trợ tạo việc làm qua Ngân hàng Chính sách xã hội; tích cực thu hồi nợ đến hạn của chương trình để thực hiện cho vay quay vòng. Hướng dẫn, đôn đốc các địa phương đẩy mạnh công tác cho vay, giải ngân nguồn vốn nhằm tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận nguồn vốn, mua sắm trang thiết bị, tư liệu sản xuất, đầu tư phát triển nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả như trồng các loại cây công nghiệp dài ngày có hiệu quả kinh tế cao, chăn nuôi gia súc, gia cầm... tạo mới nhiều việc làm và tăng thu nhập cho người lao động.
Cùng với đó, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền chính sách vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm cho người lao động, nhất là lao động ở vùng sâu, vùng xa; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tập trung chỉ đạo, kiểm tra những cơ sở, địa bàn có chất lượng hoạt động chưa tốt; chú trọng tuyên truyền về hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách, các mô hình làm ăn hiệu quả, các chủ trương, chính sách mới, về quyền và nghĩa vụ của hộ vay vốn...; phát động các phong trào thi đua và khen thưởng kịp thời đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc. NHCSXH tỉnh thường xuyên tổ chức tập huấn công tác chuyên môn, nghiệp vụ về chương trình cho vay cho đội ngũ cán bộ của NHCSXH cũng như các Hội đoàn thể nhận ủy thác các cấp, Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn đảm bảo đủ năng lực để thực hiện nhiệm vụ.
Hồng Phượng
TAG: