Hồi sinh rác
Đều đặn 4 năm qua, cô giáo Vũ Thị Thảo, Trường Trung học Vinschool Times City, Chủ tịch CLB Mì Tôm Xanh - lại tổ chức hoạt động tái chế tại trường vào mỗi buổi chiều thứ 5 hằng tuần sau giờ học. Với thông điệp: “Thay vì kết thúc số phận trong thùng rác hay lang thang ngoài môi trường hàng trăm năm mà không phân hủy được, thì giờ đây những chiếc vỏ mì sẽ được sống một cuộc sống mới đầy ý nghĩa hơn nếu chúng ta biết yêu môi trường và sáng tạo một chút”, cô Vũ Thị Thảo đã tạo ra những sản phẩm hữu ích từ những chiếc vỏ mì tôm bỏ đi.
Vỏ mì tôm sau khi thu về sẽ được xử lý cẩn thận, vệ sinh sạch và sẽ tạo thành nhiều sản phẩm khác nhau như hộp bút, miếng lót ly, giỏ hoa, túi xách, bông tai... Song song với sứ mệnh bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa, Dự án Mì Tôm Xanh luôn hướng tới việc giáo dục các phẩm chất kỹ năng cho thế hệ trẻ hiện nay.
Ông Nguyễn Thái Dương, Phó Chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, hầu hết các doanh nghiệp trong ngành dệt may đã và đang thực hiện chiến lược phát triển bền vững. Nhiều doanh nghiệp trong hệ thống đã triển khai và áp dụng hệ thống quản lý môi trường theo ISO 140000 cho toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh tích hợp với hệ thống quản lý chất lượng, tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Thậm chí, một số doanh nghiệp có trường mầm non tổ chức thiết kế đồ dùng học tập, đồ chơi cho trẻ từ rác thải nhựa, từ nguyên phụ liệu dư thừa của ngành dệt may như: cúc, chỉ, bông, vải… vào chương trình dạy cho trẻ em về việc bảo vệ môi trường từ sớm. Với người lao động, theo ông Nguyễn Thái Dương, những quy định của doanh nghiệp về phân loại rác thải, chất thải tại nguồn đã hình thành thói quen tốt cho người lao động không chỉ tại nơi sản xuất mà còn được người lao động áp dụng tại nơi cư trú, trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày.
32% đơn vị quan trắc phát hiện yếu tố không đạt tiêu chuẩn vệ sinh lao động
Bà Hoàng Bích Hạnh, Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) cho biết, hiện Công ty duy trì vệ sinh trên 16 quận, huyện Thành phố Hà Nội. Trong đó, lượng chất thải rắn sinh hoạt thu gom và xử lý (năm 2022) trung bình là > 7000 tấn/ngày, tương đương gần 0,8 kg/người/ngày. Tỷ lệ tăng 5-10%/năm. Tuy nhiên, hiện Công ty gặp nhiều khó khăn, thách thức vì việc thu gom, quản lý rác thải nhựa của công nhân vô cùng vất vả. Ở nhiều quốc gia, rác được tái chế trong nền kinh tế tuần hoàn. Ví dụ, ở Đài Loan, người dân phân loại rác ngay trong gia đình thành rác vô cơ riêng, rác hữu cơ riêng. Trong khi đó, tại Việt Nam, hiện tại có 42% rác thải nhựa chưa được quản lý đúng theo quy định. Kinh nghiệm từ URENCO cho thấy, với quan điểm mỗi công nhân chính là tuyên truyền viên, Công ty đã nâng cao kiến thức thu gom rác và rác thải nhựa cho công nhân. “Đoàn viên Công đoàn đóng vai trò quan trọng. Công nhân của Công ty vừa thu gom, vừa giải thích, vận động cho người dân tập kết rác đúng quy định, đúng giờ…”, bà Hạnh nói.
Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Nguyễn Anh Thơ cũng thông tin về kết quả các hoạt động dịch vụ an toàn, sức khỏe nghề nghiệp và bảo vệ môi trường lao động. Theo đó, các đơn vị thuộc Viện đã thực hiện quan trắc môi trường cho 7.577 đơn vị, ước tính đến hết năm 2023 quan trắc môi trường cho khoảng 8.805 đơn vị. Kết quả quan trắc cho thấy có khoảng 32% số đơn vị được quan trắc có ít nhất 1 yếu tố có hại không đạt tiêu chuẩn vệ sinh lao động. Theo quy định của pháp luật, tất cả các doanh nghiệp sử dụng lao động, hàng năm đều phải quan trắc môi trường, nhất là các yếu tố về hóa chất, tốc độ gió, biến đổi khí hậu, ánh sáng… Khi kinh tế ngày càng phát triển, hàng triệu hóa chất mới, thiết bị mới đi vào sản xuất, nhưng kèm theo đó là cũng gây áp lực đến môi trường. Do đó, kết quả quan trắc môi trường đã góp phần tư vấn, giúp đỡ doanh nghiệp thực hiện các biện pháp cải thiện môi trường và điều kiện lao động, giảm thiểu các tác động tiêu cực của các yếu tố có hại giúp phòng ngừa bệnh nghề nghiệp. Trong quá trình quan trắc cũng phát hiện ra một số yếu tố mới xuất hiện trong môi trường lao động mà Việt Nam chưa quy định ngưỡng tiếp xúc nghề nghiệp, đây là căn cứ để đề xuất bổ sung, cập nhật vào danh sách ngưỡng tiếp xúc nghề nghiệp đối với các yếu tố có hại mới này.
K.Linh