Lao động
Trang chủ / Lao động / Lao động
ILO: COVID-19 tác động tới 81% lực lượng lao động toàn cầu
02:39 PM 08/04/2020
(LĐXH)- Đại dịch COVID-19 đang cướp đi số giờ làm việc và nguồn thu nhập trên toàn cầu. Báo cáo mới của ILO chỉ ra những ngành nghề và khu vực bị tác động nghiêm trọng nhất, cũng như đề xuất chính sách để vượt qua khủng hoảng.
Cuộc khủng hoảng mang tên COVID-19 dự kiến sẽ cướp đi 6,7% tổng số giờ làm việc trên toàn cầu trong quý hai năm 2020 – tương đương với 195 triệu việc làm toàn thời gian. Những khu vực chịu tác động nghiêm trọng dự kiến là các nước Ả Rập (mất 8,1% số giờ làm việc, tương đương 5 triệu người lao động toàn thời gian), châu Âu (7,8%, tức 12 triệu người lao động toàn thời gian), và Châu Á – Thái Bình Dương (7,2%, tương đương 125 triệu lao động toàn thời gian). 
(ảnh minh họa)
Các nhóm quốc gia chia theo mức thu nhập đều chịu tổn thất nặng nề, nhưng trong đó, các nước thu nhập trung bình cao bị tác động mạnh nhất (mất 7% tổng số giờ làm việc, tương đương 100 triệu người lao động toàn thời gian). Những con số này cho thấy sức tàn phá của đại dịch COVID-19 vượt xa tác động của cuộc khủng khoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009. 
Các ngành kinh tế bị ảnh hưởng lớn nhất bao gồm dịch vụ lưu trú và ăn uống, sản xuất, bán lẻ, các hoạt động kinh doanh và hành chính.  
Con số tổng kết về tình trạng thất nghiệp toàn cầu trong toàn bộ năm 2020 sẽ còn phụ thuộc nhiều vào các diễn tiến sắp tới và các biện pháp chính sách. Có khả năng cao là con số tổng kết cuối năm sẽ cao hơn nhiều so với dự báo ban đầu của ILO là 25 triệu người thất nghiệp. 
Có tới 81% lực lượng lao động toàn cầu, tương đương 3,3 tỷ người hiện đang chịu tác động do nơi làm việc bị đóng cửa một phần hoặc toàn bộ. 
“Người lao động và doanh nghiệp đều đang phải đối mặt với thảm họa, cả ở các nền kinh tế phát triển và đang phát triển,” Tổng Giám đốc ILO, Guy Ryder, cho biết. “Chúng ta phải hành động nhanh chóng, quyết đoán và trên cơ sở phối hợp tốt. Các biện pháp đúng đắn và cấp bách có thể tạo ra sự thay đổi và quyết định tương lai của chúng ta là tiếp tục tồn tại hay sụp đổ.” 
Báo cáo nhanh số 2 của ILO: COVID-19 và thế giới việc làm miêu tả đại dịch COVID-19 là “cuộc khủng hoảng toàn cầu tồi tệ nhất kể từ sau Thế chiến thứ II”. Báo cáo cập nhật các số liệu nghiên cứu đã công bố vào ngày 18 tháng Ba. Phiên bản cập nhật này bao gồm thông tin tác động của đại dịch theo ngành kinh tế và khu vực địa lý. 
Một người giao dịch hàng hóa thời dịch COVID-19
Theo báo cáo mới, 1,25 tỷ lao động đang làm việc trong các ngành được xác định là có nguy cơ cao sẽ gia tăng “một cách chóng mặt và nghiêm trọng” tỷ lệ sa thải cũng như giảm lương và số giờ làm việc. Với nhiều người lao động đang làm các công việc yêu cầu kỹ năng thấp, vốn đã bị trả lương ít ỏi, thì việc đột ngột mất thu nhập sẽ dẫn tới hậu quả nặng nề. 
Nhìn vào các khu vực địa lý, tỷ lệ người lao động trong các ngành “có nguy cơ” này dao động từ 43% ở khu vực Châu Mỹ tới 26% ở khu vực Châu Phi. Báo cáo cảnh báo rằng một số khu vực, nhất là Châu Phi, có tỷ lệ phi chính thức ở mức cao, cùng với hệ thống an sinh xã hội yếu, mật độ dân số dầy đặc và năng lực hạn chế, nên đây sẽ là những thách thức nghiêm trọng về y tế và kinh tế đối với các chính phủ. 
Trên toàn thế giới, 2 tỷ người lao động trong khu vực phi chính thức (chủ yếu ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển) là nhóm có nguy cơ cao bị tác động tiêu cực. 
Báo cáo nêu rõ cần có các biện pháp chính sách trên diện rộng và đồng bộ, tập trung vào bốn trụ cột: hỗ trợ doanh nghiệp, việc làm và thu nhập; kích thích nền kinh tế và việc làm; bảo vệ người lao động tại nơi làm việc; và sử dụng đối thoại xã hội giữa chính phủ, người lao động và người sử dụng lao động để tìm kiếm giải pháp. 
“Đây là bài kiểm tra quan trọng nhất trong hơn 75 năm về năng lực hợp tác quốc tế,” ông Ryder nhận định. “Nếu chỉ một quốc gia thất bại, thì tất cả chúng ta sẽ đều thất bại. Chúng ta phải tìm ra giải pháp để hỗ trợ mọi thành phần trong xã hội toàn cầu, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất, những người có ít khả năng tự giúp đỡ mình nhất.” 
“Những sự lựa chọn của chúng ta ngày hôm nay sẽ trực tiếp tác động tới cách cuộc khủng hoảng này tiến triển ra sao và cuộc sống của hàng tỷ người sẽ như thế nào. Chúng ta phải hướng tới xây dựng những hệ thống mới tốt hơn, an toàn hơn công bằng hơn và bền vững hơn so với những nền tảng cũ đã để cuộc khủng hoảng này xảy ra”./.
Hồng Minh
TAG:
Tin khác
Thành phố Bắc Kạn: Đẩy mạnh thu thập thông tin thị trường lao động
Trung tâm Dịch vụ việc làm Yên Bái tăng cường kết nối cung – cầu lao động
Nam Định: Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả
Nghệ An kết nối cung cầu tạo việc làm bền vững cho người nghèo
Nam Định: Hỗ trợ việc làm bền vững cho người nghèo
Quảng Ngãi hỗ trợ phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động
Nam Định: Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội
Tăng cường tập huấn nghiệp vụ phân tích dự báo về thị trường lao động góp phần giảm nghèo bền vững
Cà Mau: Hỗ trợ phát triển thị trường lao động, kết nối việc làm bền vững