Thành phố Bắc Kạn: Đẩy mạnh thu thập thông tin thị trường lao động
(LĐXH) – Các cơ quan, ban ngành của thành phố Bắc Kạn (tỉnh Bắc Kạn) đang tập trung đẩy mạnh các hoạt động thu thập thông tin thị trường lao động, đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, kết nối cung cầu lao động. Nhằm tạo việc làm cho người lao động, hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh xã hội của địa phương.
Với mục tiêu thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống… thành phố Bắc Kạn phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều mỗi năm từ 0,19% trở lên.
Để đạt được mục tiêu trên, thành phố đã triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ và các chương trình, dự án giảm nghèo. Trong đó, quan tâm thực hiện Tiểu dự án Hỗ trợ việc làm bền vững thuộc Dự án Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững. Với mục tiêu cung cấp thông tin thị trường lao động, đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ tạo việc làm bền vững cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người lao động vùng khó khăn.
Mục tiêu của Tiểu dự án: Phấn đấu hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có việc làm bền vững; 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm; Tối thiểu 200 người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được hỗ trợ kết nối việc làm thành công.
Giai đoạn 2021-2024, thành phố được giao kinh phí hơn 1,1 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là 1,07 tỷ đồng, ngân sách địa phương 31 triệu đồng. (Năm 2022 giao 160 triệu đồng, trong đó ngân sách trung ương 156 triệu đồng, ngân sách địa phương 4 triệu đồng; năm 2023 giao 424 triệu đồng trong đó ngân sách trung ương 412 triệu đồng, ngân sách địa phương 12 triệu đồng; năm 2024 giao 517 triệu đồng trong đó ngân sách trung ương 502 triệu đồng, ngân sách địa phương 15 triệu đồng).
Với nguồn kinh phí được giao, địa phương đã tập trung cho các hoạt động: Xây dựng cơ sở dữ liệu việc tìm người - người tìm việc; Hỗ trợ giao dịch việc làm; Quản lý lao động gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác; Thu thập, phân tích, dự báo thị trường lao động; Hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo…
Năm 2024, thành phố đặt mục tiêu 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm; Tối thiểu 50 người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được hỗ trợ kết nối việc làm thành công. Tính đến tháng 9/2024, thành phố đã hỗ trợ cho 129 lao động được kết nối có việc làm thành công. Số người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng từ năm 2021 đến nay là 85 người. Số lao động được hỗ trợ tạo việc làm hàng năm trên 500 lao động.
Với sự vào cuộc tích cực của các cơ quan, ban ngành trong thực hiện hỗ trợ việc làm, đã giúp người lao động trên địa bàn thành phố, đặc biệt là người lao động thuộc thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động vùng khó khăn có cơ hội tiếp cận thông tin thị trường lao động và tìm được việc làm phù hợp, giúp ổn định thu nhập và cải thiện cuộc sống. Qua đó, cũng góp phần thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo bền vững của địa phương. Theo kết quả sơ bộ rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2024, số hộ nghèo của thành phố giảm từ 241 hộ (1,96%) xuống còn 217 hộ (1,74%), vượt chỉ tiêu đề ra - kế hoạch năm 2024 giảm 13 hộ nghèo, tỷ lệ còn 1,86%./.
Trần Minh Thắng