Quảng Ngãi hỗ trợ phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động
(LĐXH)- Theo hướng dẫn của Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), năm 2024, tỉnh Quảng Ngãi đã tập trung hỗ trợ phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, kết nối cung - cầu lao động, tạo việc làm bền vững cho người lao động, trong đó có lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo.
Tỉnh Quảng Ngãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 với tâm thế là tất cả các dự án/tiểu dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, dạy nghề, giải quyết việc làm phải bao trùm cho tất cả hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Từ đó giúp các đối tượng thụ hưởng thuộc Chương trình có việc làm ổn định và bền vững, tăng thu nhập, vượt lên mức sống tối thiểu và vươn lên thoát nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo.
Trong đó, đối với Tiểu dự án Hỗ trợ việc làm bền vững trong Dự án Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, Quảng Ngãi đặt mục tiêu xuyên suốt là tập trung hỗ trợ xây dựng cơ sở dữ liệu việc tìm người - người tìm việc; quản lý lao động gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác. Hỗ trợ giao dịch việc làm; thu thập, phân tích, dự báo thị trường lao động (điều tra, khảo sát, thu thập thông tin phục vụ phân tích, dự báo thị trường lao động). Đảm bảo mục tiêu hỗ trợ kết nối việc làm thành công cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo…
Người lao động Quảng Ngãi tìm hiểu thông tin thị trường lao động qua sàn giao dịch việc làm
Đến cuối năm 2024, 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm. Tỉnh đã có tối thiểu 200 người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, vùng nghèo, vùng khó khăn được hỗ trợ kết nối việc làm thành công, đạt 100% so với kế hoạch.
Tham góp vào kết quả này, cùng với việc triển khai đồng bộ các tiểu dự án/dự án khác thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tỉnh Quảng Ngãi còn thực hiện hiệu quả Tiểu dự án Hỗ trợ việc làm bền vững theo hướng dẫn của Cục Việc làm.
Cụ thể, từ nguồn được giao (vốn đầu tư), Quảng Ngãi đang tiếp tục triển khai thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin để hiện đại hóa hệ thống thông tin thị trường lao động, hình thành sàn giao dịch việc làm trực tuyến đối với dự án Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh.
Đối với nguồn vốn sự nghiệp, các địa phương trong tỉnh đã triển khai thực hiện 16 phiên giao dịch việc làm/ngày hội việc làm; cập nhật hơn 60.000 lao động đã được rà soát, cập nhật cơ sở dữ liệu về dân cư; 146.000 lao động được hỗ trợ tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm.
Đến cuối năm 2024, tỉnh có 250 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo được hỗ trợ kết nối việc làm thành công (có giao kết hợp đồng lao động). Kết quả giải ngân Tiểu dự án này đối với nguồn vốn sự nghiệp đạt hơn 2 tỷ đồng, tỷ lệ 18,52%.
Bên cạnh đó, các địa phương trong tỉnh cũng đã hoàn thành việc thu thập và cập nhập vào dữ liệu dân cư đối với 732.299 người/732.299 người lao động đang làm việc, đạt 100%; thực hiện việc thu thập, cập nhật, quản lý thông tin trong cơ sở dữ liệu việc tìm người để phục vụ kết nối cung - cầu lao động ở địa phương đối với 45 doanh nghiệp (thu thập thông tin việc tìm người) và thu thập thông tin người tìm việc đối với 5.620 người.
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay trong hỗ hỗ trợ phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động ở Quảng Ngãi là việc triển khai thu thập, cập nhật, chỉnh sửa, tổng hợp thông tin về người lao động là UBND cấp xã thực hiện và trực tiếp được phân công là trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố. Song ở địa phương, người lao động trong độ tuổi lao động thường xuyên vắng nhà, một số hộ gia đình không có mặt tại địa phương, vì vậy việc thu thập thông tin của người lao động rất bất cập. Bên cạnh đó, một số điều tra viên chủ yếu là cán bộ không chuyên trách (thành viên các chi hội đoàn thể, trưởng thôn, tổ trưởng khu dân cư, tổ dân phố), chưa được tập huấn về chuyên môn, nên phần nào hạn chế nhất định trong việc điều tra thu thập thông tin người lao động.
Để khắc phục hạn chế nêu trên, trong năm 2025, cùng với việc thực hiện hiệu quả Tiểu dự án Hỗ trợ việc làm bền vững, Quảng Ngãi sẽ tiếp tục quan tâm chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các phòng, ban, đơn vị liên quan và UBND các xã, phường, thị trấn khẩn trương tổ chức thực hiện thu thập, cập nhật, chỉnh sửa, tổng hợp thông tin về người lao động trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025. Xây dựng kế hoạch tập huấn triển khai thu thập, cập nhật, chỉnh sửa, tổng hợp thông tin về người lao động cư trú trên địa bàn quản lý. Qua đó, hỗ trợ phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, kết nối cung - cầu lao động, tạo việc làm bền vững cho người lao động, trong đó có người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo.
Chí Tâm
TAG: