Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Trang chủ / Lao động / Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Huyện Vân Đồn: Đào tạo nghề cho lao động nông thôn góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động
02:14 PM 28/10/2020
(LĐXH) - Nhằm đáp ứng nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế, những năm qua, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) đã tập trung chỉ đạo, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế mở rộng sản xuất, kinh doanh dịch vụ, đa dạng hóa các ngành nghề, tạo việc làm mới cho người lao động. Đồng thời tăng cường công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956, mở các lớp đào tạo nghề, truyền nghề tại địa phương, qua đó tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
Tích cực đào tạo nghề
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, hằng năm, phòng Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) huyện Vân Đồn đều tiến hành khảo sát, cập nhật thông tin nhu cầu học nghề của người lao động, xây dựng kế hoạch đào tạo phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đối với lao động có điều kiện sản xuất, có đất, có rừng thì hướng vào đào tạo những nghề phục vụ cho sản xuất nông nghiệp tại chỗ, như các mô hình trồng trọt, mở rộng chăn nuôi gia súc, gia cầm… Thời gian qua, huyện đã mở các lớp học nghề về: Dịch vụ du lịch; kỹ thuật chế biến món ăn, phục vụ; đan lưới, lái xe… Hầu hết các lớp dạy nghề được tổ chức đã bám sát với điều kiện kinh tế, sản xuất của địa phương, giúp học viên có kiến thức cơ bản, vận dụng hiệu quả vào thực tế, có thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình.
Bên cạnh đó, để thu hút lao động tham gia học nghề, Phòng LĐTBXH huyện phối hợp với Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện mở chuyên mục trên trang thông tin của huyện; xây dựng chương trình phát thanh tuyên truyền sâu rộng về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; chính sách, quyền lợi của người lao động nông thôn khi tham gia học nghề theo Đề án 1956. Bên cạnh đó, phối hợp Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện, UBND các xã, thị trấn tổ chức tư vấn, tuyển sinh và hướng dẫn người lao động đăng ký học nghề. Đồng thời yêu cầu đơn vị đào tạo phối hợp với các doanh nghiệp đảm bảo việc làm cho người lao động sau đào tạo.
Nghề nuôi trồng thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân 
Trong năm 2019, Phòng LĐTBXH huyện phối hợp với Trường Cao đẳng Than khoáng sản Việt Nam tổ chức 3 lớp đào tạo nghề cho 69 lao động nông thôn, đạt 66% kế hoạch. Tổ chức 1 buổi truyền thông, tư vấn học nghề cho 120 trưởng thôn, cộng tác viên thôn, khu; phát 3.500 tờ rơi tuyên truyền về chính sách học nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, tư vấn, giải quyết việc cho lao động. Ngoài ra, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện phối hợp với trường nghề trên địa bàn tỉnh tổ chức 6 lớp trung cấp nghề, gồm các lớp: Điện dân dụng, hướng dẫn du lịch, quản trị khách sạn, nghiệp vụ lưu trú, quản lý doanh nghiệp vừa và nhỏ cho 245 học viên.
Những tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên việc triển khai các lớp đào tạo nghề cũng bị ảnh hưởng. Sau khi tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, huyện đã tổ chức các lớp đào tạo nghề phục vụ cho nhu cầu của khu kinh tế Vân Đồn.
Hiệu quả thiết thực
Hiệu quả thấy rõ qua các lớp đào tạo nghề, điển hình như anh Trần Văn Bảo (xã Đoàn Kết), một trong những học viên được tham gia lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn của huyện Vân Đồn. Trước kia, anh Bảo vốn làm nghề tự do, thu nhập bấp bênh. Năm 2019, sau khi tham gia lớp đào tạo lái xe cho lao động nông thôn, anh Bảo xin làm lái xe taxi, công việc và thu nhập ổn định hơn trước.
Không chỉ anh Bảo mà nhiều học viên khác sau khi tham gia chương trình đào tạo đã tìm được việc là ổn định, như chị Lưu Thị Thương (xã Quan Lạn) sau khi hoàn thành khóa học về buồng - bàn - bar, đã mạnh dạn kinh doanh nhà hàng phục vụ khách du lịch. Hằng tháng, ngoài thu nhập cố định, gia đình chị cũng tạo việc làm cho một số lao động địa phương.
Mô hình nuôi gà của HTX Tuyền Hiền doanh thu hơn 2 tỷ đồng mỗi năm
Cũng qua các khóa đào tạo nghề, nhiều mô hình kinh tế đã ra đời mang lại hiệu quả tích cực trong giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Trong đó, phải kể đến hiệu quả của mô hình "Gà bản Đầm Hà". Sau khi được hỗ trợ được đào tạo nghề, anh Nguyễn Văn Tuyền (thôn Tân Hòa, xã Quảng Tân) mạnh dạn thế chấp vay ngân hàng hơn 1 tỷ đồng để đầu tư mở rộng xây dựng chuồng trại chăn nuôi, mua sắm trang thiết bị máy móc. Anh Tuyền vận động 6 hộ trong thôn cùng tham gia thành lập hợp tác xã (HTX) Tuyền Hiền, chuyên sản xuất gà giống và nuôi gà thương phẩm địa phương. Đến nay, HTX Tuyền Hiền có trang trại nuôi gà rộng gần 2 ha, hằng năm cung cấp cho thị trường hơn 80.000 con gà giống, 30.000 con gà thương phẩm, doanh thu hơn 2 tỷ đồng mỗi năm. Anh Tuyền cho biết: Thời gian tới, HTX tiếp tục nghiên cứu để mở rộng quy mô trang trại, mong muốn địa phương hỗ trợ về tiếp cận ứng dụng kỹ thuật, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi mới và mặt bằng sản xuất...
Có thể thấy, qua các khóa đào tạo nghề đã giúp người lao động có thêm kiến thức, kỹ năng để áp dụng vào sản xuất, giúp tăng thu nhập cho gia đình. Trong thời gian tới, huyện Vân Đồn sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn, hướng dẫn người lao động học nghề, tăng cường công tác kiểm tra, điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề để xây dựng các mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm. Đồng thời đa dạng các hình thức đào tạo nghề, đào tạo nghề tại chỗ và liên kết đào tạo, đào tạo theo nhu cầu của người lao động và yêu cầu của thị trường. Phối hợp với các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động đào tạo theo địa chỉ, để cung cấp nhân lực, tạo điều kiện cho người lao động sau khi học nghề có việc làm ổn định, góp phần thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới./.
Hưng Minh
TAG:
Tin khác
Thanh Hóa: Nhiều kết quả đáng ghi nhận từ dự án hỗ trợ việc làm bền vững
Huyện Yên Bình (Yên Bái) tích cực hỗ trợ việc làm bền vững cho lao động
Hà Tĩnh xây dựng Sàn giao dịch việc làm hỗ trợ thông tin việc làm bền vững
Hà Giang chủ động cung cấp thông tin thị trường lao động tạo việc làm bền vững cho hộ nghèo
Huyện Phong Thổ (Lai Châu): Tích cực hỗ trợ việc làm bền vững cho người lao động
Nam Định cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tạo việc làm cho người lao động
Huyện Trà Cú (Trà Vinh) tổ chức thu thập thông tin thị trường lao động
Thành phố Hà Giang tạo điều kiện tối đa để lao động hộ nghèo tiếp cận việc làm bền vững
Đăk Tô tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững