Huyện Thạnh Trị: Phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách để giảm nghèo bền vững
(LĐXH) - Xác định công tác giảm nghèo và chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ quan trọng, thời gian qua, UBND huyện Thanh Trị (tỉnh Sóc Trăng) đã và đang tập trung huy động các nguồn lực, lồng ghép hiệu quả nhiều chương trình, dự án để thực hiện tốt công tác xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội.
Thời gian qua, việc triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn huyện Thạnh Trị đã làm thay đổi căn bản nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số, từ việc không dám vay vốn, nay đã mạnh dạn vay vốn và mở rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả. Theo đồng chí Lâm Ngọc Lợi - Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Thạnh Trị, tính đến hết tháng 9/2024, tổng doanh số cho vay các chương trình tín dụng trên địa bàn huyện đạt trên 349,5 tỷ đồng, với hơn 7 nghìn lượt khách hàng vay vốn; tổng dư nợ đạt hơn 587,5 tỷ đồng. Tín dụng chính sách xã hội đã góp phần tạo việc làm cho hơn 1.500 lao động nông thôn; hỗ trợ chi phí cho 21 lao động đi lao động nước ngoài; xây dựng trên 2.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, góp phần nâng cao đời sống sinh hoạt, sức khỏe cho người dân; xây dựng trên 60 căn nhà cho hộ nghèo... Các chương trình tín dụng chính sách còn giúp người dân tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa... góp phần nâng cao đời sống cả về vật chất lẫn tinh thần cho người dân.
“Để bảo đảm nguồn vốn đến đúng đối tượng, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thực hiện nghiêm túc việc giao dịch tại xã theo lịch cố định. Tại mỗi điểm giao dịch đều có hộp thư góp ý để người dân đến giao dịch phản ánh kịp thời những vướng mắc về thủ tục và thái độ của cán bộ tín dụng chính sách. Qua đó, đã giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ thuận lợi, tiết giảm chi phí, thực hiện quy chế dân chủ, công khai và tăng cường sự giám sát của chính quyền địa phương trong việc thực hiện tín dụng chính sách. Các tổ chức chính trị - xã hội đã thường xuyên tăng cường kiểm soát, giám sát hiệu quả sử dụng vốn vay và thanh toán nợ, lãi đúng thời hạn; không để xảy ra tình trạng chiếm dụng vốn, nợ đọng vốn vay, ngăn ngừa tiêu cực, góp phần hạn chế “tín dụng đen” ở nông thôn”, đồng chí Lâm Ngọc Lợi cho biết thêm.
Là một trong những hộ được hỗ trợ vốn chuyển đổi ngành nghề và hỗ trợ vốn vay phát triển sản xuất, chị Sơn Thị Diện, ngụ ấp Trung Bình, xã Tuân Tức phấn khởi cho biết: “Được chính quyền địa phương hỗ trợ 10 triệu đồng và Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thạnh Trị cho vay vốn được 30 triệu đồng, gia đình tôi đầu tư xây dựng chuồng trại và mua cặp bò giống về nuôi. Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, chính quyền địa phương, gia đình tôi sẽ cố gắng lao động sản xuất, chăn nuôi bò để sau này có cuộc sống ổn định hơn”.
Còn anh Võ Hoàng Đông, ngụ ấp Trung Hòa, xã Tuân Tức, khi được Nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng và vay vốn từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thạnh Trị, anh quyết định mua máy tiện và mở tiệm sửa chữa cơ khí tại địa phương. Anh Võ Hoàng Đông chia sẻ: “Trước đây, chưa có máy móc, điều kiện sửa chữa phục vụ cho bà con gặp rất nhiều khó khăn. Từ khi được chính quyền địa phương hỗ trợ và ngân hàng cho vay vốn chuyển đổi ngành nghề, tiệm của tôi đã phát triển dần, có nhiều đơn đặt hàng hơn và có thu nhập cao hơn. Nhờ đó mà cuộc sống ngày càng phát triển hơn trước”.
Bên cạnh việc thực hiện hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách, huyện Thanh Trị cũng hết sức chú trong đến công tác hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo. Thực hiện phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau” về nhà ở, huyện cũng đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tiếp tục tăng cường công tác xã hội hoá để xây dựng nên những căn nhà ấm áp, nghĩa tình, giúp người dân “an cư, lạc nghiệp”. Bà Võ Kim Bằng - Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện Thạnh, cho biết năm 2024, Ban vận động Quỹ vì người nghèo của huyện tích cực phối hợp với các cấp, các ngành và các tổ chức thành viên của Mặt trận đã thực hiện xây dựng mới 80 căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ bức xúc về nhà ở, trong đó Quỹ vì người nghèo của tỉnh hỗ trợ 12 căn, Quỹ vì người nghèo của huyện hỗ trợ 12 căn; các căn nhà còn lại do mạnh thường quân và các Chương trình MTQG hỗ trợ. Việc lựa chọn hộ để hỗ trợ được địa phương thực hiện kĩ lưỡng, đúng đối tượng thụ hưởng và tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Hộ có được căn nhà mới, góp phần vào việc phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Nam Khánh
TIN LIÊN QUAN
TAG: