Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Huyện Phú Tân: Triển khai có hiệu quả Chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm
02:08 PM 08/12/2022
(LĐXH) - Những năm qua, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh huyện Phú Tân (NHCSXH), tỉnh Cà Mau đã tích cực phối hợp với các tổ chức triển khai hiệu quả chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Từ nguồn vốn vay ưu đãi đã tạo đòn bẩy giúp người lao động mở rộng sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế gia đình, bảo đảm an sinh xã hội.
Xác định chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm là một trong những giải pháp quan trọng hỗ trợ người dân có thêm "cần câu" để thúc đẩy phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững. Những năm qua, Ngân hàng CSXH huyện Phú Tân đã triển khai đầy đủ, kịp thời và công khai các chính sách liên quan đến chương trình cho vay. Đồng thời, phối hợp với các ban, ngành, hội, đoàn thể từ huyện đến các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân được tiếp cận nguồn vốn.
Đến nay, đã có nhiều mô hình kinh tế được hình thành như nuôi tôm, cua, chim cút, lươn không bùn, sản xuất thâm canh mang lại hiệu quả… góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, giảm tỷ lệ thất nghiệp và góp phần tích cực chung tay hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Điền hình như gia đình anh Đỗ Vũ, ở ấp Tân Thành Mới, xã Rạch Chèo, từ năm 2020, gia đình anh Vũ được vay ưu đãi từ chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, với số tiền 50 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, anh đầu tư thực hiện mô hình nuôi lươn không bùn. Chia sẻ với phóng viên, anh Vũ cho biết: “Qua xem thông tin báo, đài, nhận thấy nuôi lươn không bùn sử dụng giống nhân tạo và thức ăn viên, có thể tận dụng khoảng trống ngay trong nhà hoặc diện tích nhỏ xung quanh nhà để nuôi, với diện tích nhỏ người nuôi dễ theo dõi và kiểm soát được bệnh, hạn chế rủi ro trong quá trình nuôi”, đến nay, mô hình kinh tế này đã bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế.


Cán bộ Ngân hàng CSXH huyện Phú Tân kiểm tra mô hình nuôi lươn không bùn của hộ anh Đỗ Vũ, ấp Tân Thành Mới, xã Rạch Chèo.  

Khi triển khai mô hình, gia đình anh làm 3 ao bạt, diện tích khoảng 15 m² ngay trong nhà của anh để nuôi lươn không bùn. Lúc đầu, anh nuôi thử nghiệm 2 kg lương giống mua ở Cần Thơ, mỗi kg khoảng 500 con lương giống với giá 3 triệu đồng mỗi kg. Sau 7 tháng nuôi đã cho thu hoạch, trung bình 4 con/kg, với giá bán 200.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, anh Vũ có lãi trên 25 triệu đồng. Với thành công bước đầu từ mô hình nuôi lươn không bùn, hơn 2 năm qua, mỗi năm anh Vũ nuôi từ 5 đến 6 kg lươn giống và mỗi năm có lợi nhuận từ 30 đến 50 triệu đồng. “Nuôi lươn không bùn rất dễ nuôi, ít tốn công chăm sóc, mỗi ngày chỉ cho ăn 2 lần và buổi sáng và chiều, bằng thức ăn viên nên rất tiện lợi và tỷ lệ hao hụt thấp, lươn ít bị bệnh, mau lớn, thu nhập từ lươn cao gấp nhiều lần nuôi cá”, anh Vũ chia sẻ thêm.  
Thành công từ chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, mô hình nuôi lươn không bùn thuộc hộ gia đình anh Đỗ Vũ được xem là mô hình phù hợp với những hộ dân ít đất sản xuất, tận dụng thời gian nhàn rỗi, giúp nông dân tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích đất. Đây cũng được coi là mô hình hiệu quả cần được nhân rộng để giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên ổn định cuộc sống.    
Đến nay, Ngân hàng chính sách xã hội huyện Phú Tân đã đầu tư cho trên 200 hộ dân xã Rạch Chèo vay vốn từ chương trình này với tổng nguồn vốn gần 7 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, nhiều hộ đã đầu tư vào nuôi lươn không bùn, trồng hoa màu, nuôi tôm quảng canh cải tiến, sản xuất đa canh, buôn bán, đã có nhiều hộ thu nhập khá, ổn định cuộc sống và hoàn trả vốn ngân hàng đúng theo thời gian quy định.
Để nguồn vốn vay đạt hiệu quả, đúng mục đích, khi các hộ có nhu cầu vay vốn sẽ được Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn hướng dẫn dự họp bình xét tại ấp và kết nạp thành viên mới vào tổ. Đồng thời, phối hợp với cán bộ ngân hàng phụ trách xã tiến hành kiểm tra, đánh giá về mô hình, dự án các hộ dự kiến triển khai. Sau khi nguồn vốn đến tay người dân, Tổ tiết kiệm và vay vốn thường xuyên kiểm tra, giám sát quá trình các hộ sử dụng nguồn vốn vay. Nhờ đó, hầu hết các hộ vay vốn đều sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, nhiều mô hình kinh tế của các hộ vay vốn cho hiệu quả về kinh tế cao, góp phần nâng cao đời sống.
Ông  Bùi Duy Linh, cán bộ tín dụng Ngân hàng chính sách xã hội huyện Phú Tân cho biết: “Các hộ đều sử dụng vốn vay đúng mục đích sẽ bảo toàn được nguồn vốn, phát huy được hiệu quả đồng tiền đầu tư vào phát triển chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh, giúp thoát nghèo bền vững, trong đó có vai trò quan trọng của Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn, hội đoàn thể cấp xã và chính quyền địa phương trong quá trình tham gia quản lý vốn tín dụng chính sách ưu đãi. Qua đó, nâng cao vai trò, trách nhiệm trong việc phối hợp quản lý, hướng dẫn, thẩm định đảm bảo cho vay đúng đối tượng, đúng mục đích và sử dụng hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội ở địa phương”.
Đến nay, Ngân hàng CSXH huyện Phú Tân đã đầu tư cho trên 1.730 hộ dân trong toàn huyện vay vốn từ chương hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, với tổng nguồn vốn gần 59 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động. Ông Thượng Văn Điệp, Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội huyện Phú Tân cho biết: “Để giải ngân kịp thời và quản lý tốt nguồn vốn, hằng năm Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện đều xây dựng chỉ tiêu kế hoạch, chủ động rà soát đối tượng, triển khai nguồn vốn theo chỉ tiêu được giao. Đồng thời, tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho các đối tượng ngoài ngành tham gia công tác quản lý vốn tín dụng ưu đãi như Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn; trưởng ấp, khóm, cán bộ giảm nghèo cấp xã, hội đoàn thể các cấp và Chủ tịch UBND các xã, thị trấn. Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền, kiểm tra giám sát với mục tiêu là cung ứng kịp thời nguồn vốn ưu đãi để người dân nông thôn để đầu tư sản xuất kinh doanh, giải quyết nhu cầu việc làm đang bức thiết. Bên cạnh triển khai giải ngân vốn, Ngân hàng chính sách xã hội huyện Phú Tân chú trọng hướng dẫn các hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thu nợ, thu lãi đến hạn. Qua đó, hầu hết các hộ vay đều sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, giúp nhiều hộ thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần nâng cao đời sống, tham gia tích cực phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương”.
Phan Anh
TIN LIÊN QUAN
TAG:
Tin khác
Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Phước: Những giải pháp quan trọng thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp
Một số khó khăn trong thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp ở Bình Phước
Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Phước: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách Bảo hiểm thất nghiệp
Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Phước: Chủ động giải quyết chính sách Bảo hiểm thất nghiệp
Hà Nội: Thị trường lao động cuối năm có nhiều chuyển biến tích cực
Sóc Trăng: Gắn kết đào tạo nghề với giải quyết việc làm, tạo sinh kế bền vững cho người nghèo
Quảng Ninh: Đẩy mạnh các hoạt động kết nối, giải quyết việc làm cho người lao động
Tìm giải pháp nâng cao chất lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài
Yên Bái thúc đẩy nhân quyền, dành nhiều sự hỗ trợ về giải quyết việc làm cho người lao động