Tiền lương
Trang chủ / Lao động / Tiền lương
Hội đồng tiền lương Quốc gia chốt đề xuất phương án tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2022
05:51 AM 12/04/2022
(LĐXH)- Các thành viên Hội đồng tiền lương Quốc gia đã thảo luận, thương lượng về việc tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động làm việc tại doanh nghiệp và bỏ phiếu chốt đề xuất phương án tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2022 đến hết ngày 31/12/2023 với mức tăng 6,0%.
Ngày 12/4, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia Lê Văn Thanh đã chủ trì phiên họp thứ hai của Hội đồng tiền lương Quốc gia để thống nhất đề xuất phương án tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động làm việc tại doanh nghiệp.
Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng đã thảo luận, thương lượng về việc tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động làm việc tại doanh nghiệp, sau đó bỏ phiếu chốt phương án tăng lương tối thiểu từ ngày 1/7/2022 đến hết ngày 31/12/2023 với mức tăng 6,0%.
Ông Ngọ Duy Hiểu cho biết Hội đồng tiền lương Quốc gia đã thống nhất đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7/2022
Tăng lương tối thiểu vùng là thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước, qua đó giúp cho người lao động bước vào giai đoạn phục hồi phát triển lao động với năng suất cao. Do đó cần tạo động lực cho người lao động, trong đó việc tăng lương tối thiểu mang lại rất nhiều hiệu quả như nâng cao năng suất lao động...
Trao đổi với báo chí ngay sau cuộc họp, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết: Sau nhiều giờ đàm phán và bỏ phiếu, Hội đồng tiền lương Quốc gia đã thống nhất mức đề xuất tăng 6% lương tối thiểu vùng. Về thời gian, lương tối thiểu vùng sẽ được đề xuất tăng từ 1/7/2022 tới 31/12/2023. So với kỳ vọng của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, mức đề xuất tăng chưa đạt được nhưng đó cũng là sự đồng thuận, ủng hộ của người lao động trước những khó khăn của doanh nghiệp. Bởi lẽ, mức kỳ vọng lương tối thiểu vùng sẽ được điều chỉnh tăng từ 1/7/2022 với mức từ 7 - 8%.
Ông Ngọ Duy Hiểu, giải thích: Theo thông lệ, trước đây, tăng lương tối thiểu vùng thường được thực hiện từ ngày 1/1 của năm kế tiếp. Nhưng lần này, Hội đồng tiền lương Quốc gia đã chốt thời gian điều chỉnh lương tối thiểu từ ngày 1/7/2022. Tuy nhiên, gần 2 năm qua, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 người lao động không được tăng lương. Đến nay, kinh tế đã được phục hồi và phát triển tốt, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, do đó các bên thấy cần thiết phải tăng lương cho người lao động.  Việc tăng lương lúc này là kịp thời để hỗ trợ, giúp người lao động vượt qua khó khăn và là động lực giúp họ nâng cao năng suất lao động, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.
Ông Hoàng Quang Phòng trao đổi với phóng viên báo chí sau phiên họp thứ hai của Hội đồng tiền lương Quốc gia
Về phía đại diện người sử dụng lao động, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho biết: Mức đề xuất tăng trên là một nỗ lực lớn của 2 bên, đặc biệt là giới doanh nghiệp sẽ phải điều chỉnh nhiều chỉ tiêu trong bối cảnh nhiều khó khăn do Covid-19 trong 2 năm qua. Tăng lương 6,0% là sự nỗ lực rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp, vì thế họ rất cần phải có sự tham gia tích cực hơn của người lao động để hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh năm 2022 và dài hơi năm tiếp theo.
“Hội đồng tiền lương Quốc gia hoạt động với nguyên tắc đồng thuận, đã thống nhất, đồng ý rất cao. Cụ thể, 17 thành viên trong Hội đồng đồng ý  với mức điều chỉnh tăng lương tối thiểu 6,0%. Có 2 phiếu không đồng ý với điều chỉnh về mốc thời gian 1/7/202, mong muốn đề nghị điều chỉnh từ 1/1/2023; còn 15 phiếu nhất trí với mốc tăng từ 1/7/2022.”- ông Hoàng Quang Phòng, chia sẻ.
Như vậy, với mức đề xuất tăng 6% lương tối thiểu vùng từ 1/7/2022, mức lương tối thiểu vùng ở 4 vùng (nếu được thông qua) sẽ lần lượt tăng thêm như sau: Vùng 1 tăng thêm 260.000 đồng, Vùng 2 tăng thêm 240.000, Vùng 3 tăng thêm210.000, Vùng 4 tăng thêm 180.000 đồng.
Việc thực hiện tiền lương tối thiểu vẫn đang được thực hiện theo quy định của Nghị định 90/2019/NĐ-CP.

Chí Tâm

 

TAG:
Tin khác
Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Phước: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách Bảo hiểm thất nghiệp
Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Phước: Chủ động giải quyết chính sách Bảo hiểm thất nghiệp
Hà Nội: Thị trường lao động cuối năm có nhiều chuyển biến tích cực
Sóc Trăng: Gắn kết đào tạo nghề với giải quyết việc làm, tạo sinh kế bền vững cho người nghèo
Quảng Ninh: Đẩy mạnh các hoạt động kết nối, giải quyết việc làm cho người lao động
Tìm giải pháp nâng cao chất lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài
Yên Bái thúc đẩy nhân quyền, dành nhiều sự hỗ trợ về giải quyết việc làm cho người lao động
Trung tâm Dịch vụ việc làm Sơn La: Chủ động giải quyết chính sách Bảo hiểm thất nghiệp
Một số khó khăn và nguyên nhân khi thực hiện chính sách Bảo hiểm thất nghiệp ở Sơn La