Hoàn thành chi trả chính sách đầu tiên theo Nghị quyết 68
Giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là một trong 12 chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động theo Nghị quyết số 68, đã được các địa phương hoàn thành và nhiều địa phương cũng đã chi trả.
Theo báo cáo của Bộ LĐTB&XH, tính đến ngày 24/7, toàn bộ 63 UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành kế hoạch hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị quyết số 68 và Quyết định số 23, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, UBND các cấp tại địa phương; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, đặc biệt là chủ tịch UBND các cấp (7 địa phương đã thành lập BCĐ, tổ công tác; 4 địa phương ủy quyền cho UBND cấp huyện và các sở phê duyệt việc hỗ trợ các nhóm đối tượng). Theo đó, các chính sách hỗ trợ trực tiếp tới người dân, nhất là hỗ trợ tiền mặt cho người lao động, đối tượng F0, F1 đã được triển khai ngay từ đầu tháng 7. Nhiều địa phương đã triển khai, nhưng chưa hoàn thành do đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16.
Riêng đối với nhóm lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và các đối tượng đặc thù, căn cứ thực tiễn tại địa phương, 29/63 tỉnh, thành phố đã chủ động phê duyệt danh mục công việc, điều kiện, mức hỗ trợ, trong đó có 4 địa phương xác định thêm đối tượng đặc thù so với Nghị quyết số 68 (TPHCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Lâm Đồng).
Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Bắc Giang ký kết hợp đồng tín dụng cho DN vay trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất theo Nghị quyết số 68
Chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là nhóm chính sách đầu tiên hoàn thành việc hỗ trợ. Theo báo cáo của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, cơ quan bảo hiểm xã hội đã rà soát và thông báo cho khoảng 375.000 đơn vị sử dụng lao động với gần 11 triệu người được giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ tháng 7/2021 đến hết tháng 6/2022, với số tiền (tạm tính) khoảng 4.300 tỷ đồng, để người sử dụng lao động hỗ trợ cho người lao động phòng, chống dịch COVID-19.
Chính sách tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất: Đã có 8 đơn vị sử dụng lao động với 619 người lao động được tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền gần 3,15 tỷ đồng.
Chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động đang được các đơn vị rà soát, hoàn thiện hồ sơ theo quy định để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, cơ quan bảo hiểm xã hội đã xác nhận cho 52.081 người tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương tại 5.922 đơn vị sử dụng lao động, làm cơ sở để UBND các cấp phê duyệt danh sách hỗ trợ. Đến ngày 24/7, đã hỗ trợ 31.348 người lao động với số tiền gần 62,7 tỷ đồng.
Chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc, một số địa phương đã hoàn thành việc thống kê và bắt đầu chi trả, như tỉnh Bến Tre phê duyệt 607 lao động, dự kiến tổng số tiền là 607 triệu đồng, đã chi trả tiền hỗ trợ là 26,8 triệu đồng cho 15 người lao động. Hay như Bắc Ninh, dự kiến có 2.295 người lao động được hỗ trợ. Các địa phương khác đang rà soát, tổng hợp danh sách đề nghị hỗ trợ.
Chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, TPHCM đã hỗ trợ 121 người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, với số tiền là 252,8 triệu đồng. Các địa phương khác đang rà soát, tổng hợp danh sách đề nghị hỗ trợ.
Chính sách hỗ trợ bổ sung, hỗ trợ tiền ăn và trẻ em: Đến ngày 24/7, một số địa phương đã chi kinh phí hỗ trợ tiền ăn cho 5.815 đối tượng F0 và F1 với tổng số tiền trên 10,8 tỷ đồng, trong đó có 32 trẻ em đã được chi hỗ trợ bổ sung (mỗi em 1 triệu đồng). Các địa phương như Bắc Giang, Bắc Ninh, TPHCM xảy ra bùng phát dịch COVID-19 với nhiều đối tượng F0, F1, chính quyền đã sử dụng ngân sách địa phương và nhiều nguồn vận động khác để hỗ trợ chi phí ăn uống cho người dân trong các cơ sở điều trị, cơ sở cách ly.
Theo Bộ LĐTB&XH, các địa phương chưa báo cáo đủ chi tiết về việc hỗ trợ người lao động đang mang thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi; đang rà soát, tổng hợp danh sách hỗ trợ chi phí điều trị và tiền ăn cho các đối tượng F0, F1 và trẻ em.
Chính sách hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV và hướng dẫn viên du lịch, cơ quan chuyên môn về văn hóa, du lịch thuộc UBND cấp tỉnh đang rà soát, phê duyệt hồ sơ hỗ trợ các đối tượng. Có 165 viên chức hoạt động nghệ thuật đã nhận được hỗ trợ số tiền trên 290 triệu đồng (Khánh Hòa 72 người, Long An 40 người, Hậu Giang 27 người, Bắc Ninh 22 người…); có 24 hướng dẫn viên du lịch đã được hỗ trợ 89 triệu đồng.
Chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh, các địa phương đang rà soát, thống kê để hỗ trợ các hộ kinh doanh. Đến nay, có khoảng 5.500 hộ kinh doanh tại các địa phương như Lạng Sơn, Cà Mau, TPHCM… đã được hỗ trợ, với số tiền trên 11,22 tỷ đồng.
Chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội, ngân hàng đã hướng dẫn người sử dụng lao động hoàn thiện hồ sơ và phê duyệt cho 62 hồ sơ đề nghị vay vốn, trong đó có 44 người sử dụng lao động vay 8,05 tỷ đồng để trả lương ngừng việc cho trên 1.900 người lao động; có 13 người sử dụng lao động phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền có nhu cầu vay vốn 41,5 tỷ đồng để trả lương phục hồi sản xuất cho trên 11.400 người lao động; có 5 người sử dụng lao động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có nhu cầu vay vốn 1,42 tỷ đồng trả lương phục hồi sản xuất cho 277 người lao động.
Tại Bắc Ninh, có 15 doanh nghiệp đăng ký đề nghị vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, dự kiến trả lương cho 6.559 người lao động, tổng kinh phí trên 72,6 tỷ đồng. Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Bắc Ninh đã đề nghị cho 2 doanh nghiệp vay hơn 16 tỷ đồng để trả lương cho người lao động.
Tính đến ngày 26/7, Ngân hàng Chính sách xã hội đã phê duyệt cho vay 39 người sử dụng lao động với trên 45 tỷ đồng để trả lương cho trên 12.000 lượt người lao động theo Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ. Tổng số tiền Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân là 43 tỷ đồng.
Tại Bắc Ninh, có 15 doanh nghiệp đăng ký đề nghị vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, dự kiến trả lương cho 6.559 người lao động, tổng kinh phí trên 72,6 tỷ đồng. Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Bắc Ninh đã đề nghị cho 2 doanh nghiệp vay hơn 16 tỷ đồng để trả lương cho người lao động.
Tính đến ngày 26/7, Ngân hàng Chính sách xã hội đã phê duyệt cho vay 39 người sử dụng lao động với trên 45 tỷ đồng để trả lương cho trên 12.000 lượt người lao động theo Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ. Tổng số tiền Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân là 43 tỷ đồng.
Chính sách hỗ trợ lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác, theo thống kê chưa đầy đủ, các địa phương đã triển khai chi trả hỗ trợ trên 358.782 người lao động tự do (trong đó đa số là người lao động bán lẻ xổ số) với tổng số tiền trên 505 tỷ đồng. Một số địa phương đã phê duyệt danh sách đối tượng hỗ trợ nhưng chưa thực hiện chi trả do đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Các tỉnh, thành phố, gồm Quảng Ninh, Lâm Đồng, Đà Nẵng và TPHCM có quy định đối tượng được hỗ trợ mở rộng hơn so với các nhóm đối tượng của Nghị quyết số 68.
Một số địa phương như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Quảng Nam, Ninh Thuận, TPHCM đã ủy quyền cho đơn vị cấp sở và UBND cấp huyện phê duyệt hỗ trợ một số nhóm đối tượng lao động, đồng thời có các quy định đơn giản thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sớm nhận được kinh phí hỗ trợ./.
Theo Chinhphu.vn
TAG: