An toàn lao động
Trang chủ / Lao động / An toàn lao động
Hải Phòng: Nhiều hoạt động thiết thực trong Tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động
09:41 PM 15/05/2022
(LĐXH)- Trong tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2022, thành phố Hải Phòng đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, nhằm nâng cao ý thức, nhận thức cho người sử dụng lao động và người lao động trong việc đẩy mạnh cải thiện điều kiện lao động, giảm thiểu rủi ro về ATVSLĐ.
Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố đã tăng cường nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu rủi ro về ATVSLĐ
Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2022 với chủ đề: “Tăng cường các biện pháp giảm thiểu rủi ro về ATVSLĐ, cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19”. Mục đích nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức và cá nhân về pháp luật, chính sách ATVSLĐ; về quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân trong thực hiện pháp luật, chính sách của Nhà nước về ATVSLĐ. Thúc đẩy các chương trình hành động cụ thể trong doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh nhằm cải thiện điều kiện lao động; nâng cao kỹ năng nhận diện và đánh giá các yếu tố nguy hiểm, có hại, các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc cho người lao động và người sử dụng lao động để đẩy mạnh thực hiện các biện pháp giảm thiểu rủi ro về ATVSLĐ, hạn chế thấp nhất tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN), nâng cao năng suất lao động tại nơi làm việc.
Năm 2021, trước diễn biến của dịch bệnh COVID-19, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, các Sở, ban, ngành, UBND các quận/huyện đã tích cực, chủ động tham mưu điều chỉnh kế hoạch công tác an toàn, vệ sinh lao động phù hợp với nhiệm vụ chính trị được giao, tập trung vào công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và người lao động đã hưởng ứng tích cực. Chủ trương xã hội hóa các dịch vụ thuộc lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động tiếp tục được đẩy mạnh. Công tác thanh tra, kiểm tra được đổi mới theo hình thức phát phiếu tự kiểm tra cho đơn vị doanh nghiệp và thu thập kết quả, rà soát, chấn chỉnh qua mạng internet. Ý thức chấp hành pháp luật an toàn, vệ sinh lao động của cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở và người lao động được nâng lên, đặc biệt đối với các doanh nghiệp có quy mô lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Người mắc bệnh nghề nghiệp giảm rõ rệt, điều kiện lao động ngày càng được cải thiện. Công tác tuyên truyền đã được triển khai đến cả đối tượng lao động làm việc không theo hợp đồng lao động. Các ngành có liên quan đã tích cực phối hợp để điều tra, kết luận, giải quyết chế độ tai nạn lao động, đồng thời tham mưu giải pháp phòng ngừa các vụ tai nạn không để xảy ra tương tự tái diễn.
Công tác ATVSLĐ được các cấp, các ngành trên địa bàn thành phố đặc biệt quan tâm
Bên cạnh những thành tích đã đạt được, trên địa bàn thành phố còn xảy ra 169 vụ tai nạn lao động làm 171 người bị thương vong; sự phối hợp trong triển khai công tác an toàn, vệ sinh lao động ở một số nơi còn chưa đồng bộ; ý thức, kỷ luật lao động còn chưa nghiêm túc, kiến thức về kỹ thuật an toàn, nhận diện các yếu tố rủi ro, nguy cơ mất an toàn còn hạn chế.
Để người lao động và nhân dân được làm việc trong môi trường ngày càng an toàn, bảo đảm sức khỏe, điều kiện lao động được cải thiện, quyền và lợi ích hợp pháp được đảm bảo theo quy định, đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên, thời gian tới thành phố Hải Phòng đề nghị các cấp, các ngành, người sử dụng lao động, người lao động trên địa bàn thành phố tăng cường thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm: Triển khai nghiêm túc, kịp thời các chỉ đạo của Trung ương và địa phương, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, nhằm hạn chế mức thấp nhất ảnh hưởng của dịch bệnh đến toàn xã hội. Các Sở, ban, ngành liên quan và UBND các quận, huyện tham mưu cho UBND thành phố xây dựng và triển khai Chương trình an toàn lao động, vệ sinh lao động trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025 trên cơ sở bảo đảm các nguyên tắc phù hợp và gắn với mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của thành phố; triển khai có hiệu quả hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
 Chú trọng công tác hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các cơ sở, doanh nghiệp triển khai thực hiện tốt Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động; động viên, khen thưởng, nêu gương các tập thể cá nhân có thành tích xuất sắc; kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời và công khai các doanh nghiệp, cá nhân vi phạm hoặc để xảy ra tai nạn lao động nghiêm trọng. Bốn là, yêu cầu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, người sử dụng lao động chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19; chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về lao động và an toàn, vệ sinh lao động; quan tâm, đầu tư nguồn lực cho công tác an toàn, vệ sinh lao động của doanh nghiệp; tổ chức đánh giá, quản lý các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc./.
 
Thu Hương
TAG:
Tin khác
Thực hiện Tiểu Dự án hỗ trợ việc làm bền vững ở huyện nghèo Ngân Sơn
Đắk Lắk: Đẩy mạnh giới thiệu việc làm trong nước và ngoài nước
Điện Biên đẩy mạnh thu thập thông tin thị trường lao động để giải quyết việc làm bền vững
Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm với các hoạt động hỗ trợ việc làm bền vững
Việc làm bền vững cho lao động gắn với các nhiệm vụ của Trung tâm Dịch vụ việc làm Lào Cai
Lào Cai: Chú trọng tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động... tạo việc làm bền vững
Một số định hướng cho việc làm bền vững ở Kiên Giang
Việc làm bền vững từ sự chủ động kết nối cung - cầu lao động ở Kiên Giang
Huyện Con Cuông (Nghệ An) hỗ trợ tạo việc làm bền vững cho lao động địa phương