Hải Phòng: Đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với nhu cầu của doanh nghiệp
(LĐXH) - Trong kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng, giai đoạn 2021- 2025, thành phố sẽ đào tạo 120.000 lao động nông thôn với các trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng.
Trong đó, sẽ có trên 10.750 sinh viên cao đẳng, trình độ trung cấp trên 14.350 học sinh, trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng trên 106.550 học viên. Sau khi tốt nghiệp, tối thiểu có 85% học viên lao động nông thôn có việc làm ổn định và tăng thu nhập.
Thực tế cho thấy, để đạt mục tiêu này, chương trình, hình thức đào tạo phải nhanh chóng đổi mới để đáp ứng nhu cầu thực tế. Theo báo cáo của Liên đoàn Lao động Hải Phòng, chỉ riêng lao động làm việc trong các doanh nghiệp tại khu kinh tế, khu công nghiệp đã là 140.000 người, trong đó 40% lao động là người ngoại tỉnh. Ngay trong thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp trên địa bàn Hải Phòng đã tương đối khó khăn trong tìm kiếm lao động phổ thông. Theo kế hoạch, 5 năm tới, thành phố tiếp tục thu hút các dự án lớn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước và dự kiến nhu cầu lao động chỉ riêng tại khu kinh tế, khu công nghiệp Hải Phòng đã tăng lên gấp đôi, đạt khoảng 280.000 lao động.
Đại diện một doanh nghiệp tại Khu Công nghiệp VSIP, huyện Thủy Nguyên chia sẻ, thực tế các doanh nghiệp đã phải tổ chức rất nhiều buổi tuyển dụng không chỉ ở các huyện của Hải Phòng mà còn phải sang các địa bàn các tỉnh lân cận. Như vậy, điều doanh nghiệp thực sự cần bao gồm cả số lượng và chất lượng nguồn nhân lực. Chất lượng không chỉ dừng lại ở kỹ năng cứng như vận hành máy móc, tiếp ứng nhanh với một vị trí làm việc cụ thể mà còn cần cả kỹ năng mềm như kỷ luật làm việc, gọn gàng, sạch sẽ. Những điều này tưởng chừng nhỏ nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến quy trình sản xuất của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử. Theo vị đại diện doanh nghiệp này, muốn đào tạo nguồn nhân lực tốt thì việc kết nối giữa doanh nghiệp và nhà trường chặt chẽ là chìa khóa thành công. Đây cũng là xu hướng thành phố Hải Phòng sẽ triển khai trong thời gian tới.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Lê Khắc Nam, thành phố chỉ đạo các ngành liên quan tăng cường gắn kết đào tạo nghề với doanh nghiệp. Hải Phòng cũng đề xuất Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoàn thiện cơ chế liên kết với doanh nghiệp trong việc xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo, trong việc đưa người học, người dạy đến thực tập, kiến tập, làm quen với máy móc thiết bị và các hoạt động của doanh nghiệp; tạo cơ chế, chính sách hợp lý để khuyến khích doanh nghiệp tăng cường hợp tác, kết nối chặt chẽ với các cơ sở đào tạo, xem việc này như một trong những nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của đơn vị.
Bên cạnh đó, Hải Phòng sẽ giao cho các cơ quan chuyên môn tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng trên địa bàn Hải Phòng. Trong đó, mở rộng trường hợp thụ hưởng là phụ nữ, lao động nông thôn, người khuyết tật, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, người thi hành xong án phạt tù và các trường hợp khác tham gia dự án. Đồng thời, thành phố nâng cao năng lực hoạt động của các cơ sở đào tạo nghề nghiệp cho lao động nông thôn; làm tốt công tác tư vấn học nghề, tư vấn việc làm sau đào tạo và công tác phân luồng, định hướng học sinh học nghề sau khi tốt nghiệp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông.
Sau 10 năm triển khai Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, thành phố Hải Phòng đánh giá đây là đề án đúng đắn, phù hợp với điều kiện thực tế của thành phố, góp phần xây dựng nguồn nhân lực qua đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố. Các hoạt động của Đề án được triển khai đồng bộ từ hoạt động tuyên truyền, khảo sát đến nâng cao năng lực đào tạo, hỗ trợ việc làm sau đào tạo cũng như giám sát, đánh giá, do vậy đã cơ bản hoàn thành được mục tiêu của Đề án.
Cụ thể, giai đoạn 2010-2020, Hải Phòng đào tạo cho 263.500 lao động nông thôn, trong đó có 223.961 lao động được đào tạo theo hình thức xã hội hóa và 35.539 lao động được hỗ trợ đào tạo từ các chương trình, dự án của Trung ương và thành phố. Các lao động được đào tạo những ngành nghề nông nghiệp như chăn nuôi gà, lợn hữu cơ, trồng rau công nghệ cao, trồng và nhân giống nấm, chế biến và bảo quản thủy sản và các ngành nghề phi nông nghiệp như may công nghiệp, điện dân dụng, kỹ thuật chế biến món ăn. Từ việc tham gia vào chương trình hỗ trợ việc làm cho lao động nông thôn, nhiều người củng cố, phát triển công việc hiện tại, ổn định cuộc sống của bản thân và tạo cơ hội việc làm cho những người khác./.
Hưng Cảnh
TAG: