Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Trang chủ / Lao động / Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Hà Nội quyết tâm triển khai gói hỗ trợ lao động trong tháng 7
10:04 AM 15/07/2021
(LĐXH)- Ngay sau khi có quyết định, các sở, ngành, địa phương sẽ triển khai chi hỗ trợ cho các trường hợp đủ điều kiện.
Thông tin về nội dung hỗ trợ an sinh xã hội cho người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương cho biết, các chính sách hỗ trợ sẽ được thành phố triển khai linh hoạt, tránh trùng lặp, không bỏ sót.
Các doanh nghiệp ở Hà Nội vẫn duy trì sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp (ảnh: Hanoi Mới)
Bà Bạch Liên Hương cho biết, ngay sau khi nhận được Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã thành lập tổ công tác và phân công trách nhiệm cho các thành viên. Các thành viên có trách nhiệm nghiên cứu chính sách, chủ động tham mưu, đề xuất các ý kiến để xây dựng kế hoạch triển khai cho phù hợp.
Sở cũng chủ động liên hệ với Sở Tài chính, Sở Tư pháp và các cơ quan liên quan để nghiên cứu dự thảo quyết định hỗ trợ của UBND thành phố. Ngoài ra, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin, phản ánh và kiến nghị của người dân trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ đối với người lao động và người sử dụng lao động.
Điều kiện, tiêu chí, quy trình, thủ tục để triển khai chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP đã được quy định rõ tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, nên về cơ bản Hà Nội sẽ khoanh vùng các đối tượng cần hỗ trợ theo định hướng của Trung ương.
Hiện, nội dung dự thảo quyết định đã hoàn thành và được gửi đến các sở, ban, ngành chức năng, các địa phương lấy ý kiến góp ý. Hà Nội quyết tâm trong tháng 7 sẽ hoàn thiện quy trình, kịp thời triển khai các chính sách hỗ trợ các đối tượng theo đúng tinh thần Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã chỉ đạo.
Riêng với các hộ kinh doanh cá thể bị ảnh hưởng sâu bởi dịch Covid-19, trước khi có Nghị quyết số 68/NQ-CP, Hà Nội đã thống nhất chủ trương hỗ trợ cho đối tượng này, do Cục Thuế thành phố Hà Nội chủ trì thực hiện. Để tránh trường hợp chồng chéo, trùng lặp, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cùng ngành Thuế sẽ rà soát, sàng lọc, bảo đảm mỗi người chỉ nhận được một chính sách hỗ trợ mức cao nhất.
Đối với nhóm lao động tự do, đối tượng ưu tiên đề xuất hỗ trợ là người lao động làm công việc tự do, bị ảnh hưởng về việc làm tại những địa bàn phải cách ly y tế để phòng, chống dịch Covid-19 theo quyết định của các cơ quan có thẩm quyền.
Cùng với đó là những người làm các công việc không có giao kết hợp đồng lao động tại những địa điểm, lĩnh vực có thời gian dài phải tạm dừng hoạt động theo chỉ đạo của UBND thành phố và các địa phương (bán nước vỉa hè, cắt tóc, gội đầu, spa…). Người được hỗ trợ phải có hoàn cảnh khó khăn, không phải tất cả lao động tự do đều được hỗ trợ.
Điều này đồng nghĩa, có thể cùng là lao động tự do, nhưng người lao động ở địa bàn này sẽ nhận được mức hỗ trợ cao hơn địa bàn khác; địa phương này có nhiều lao động được hỗ trợ hơn các địa phương khác; tiêu chí, điều kiện xác định đối tượng thụ hưởng ở các địa phương có thể cũng khác nhau.
Lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố nhấn mạnh, phấn đấu chậm nhất đến ngày 20/7 sẽ trình UBND thành phố xem xét, ban hành quyết định triển khai hỗ trợ cho người lao động, người sử dụng lao động trên địa bàn.
Ước tính, Hà Nội có hàng trăm nghìn người đủ điều kiện nhận hỗ trợ với kinh phí hàng trăm tỷ đồng.
Nhiều kết quả quan trọng trong 6 tháng đầu năm

Về kết quả thực hiện công tác lao động, người có công và xã hội trong 6 tháng đầu năm, bà Bạch Liên Hương thông tin: 6 tháng đầu năm 2021 đã đạt được những kết quả quan trọng, các chỉ tiêu đều được đẩy mạnh thực hiện.

Bà Bạch Liên Hương thông tin tại Hội nghị sơ kết 6 tháng ngành Lao động - Thương binh và Xã hội ngày 14/7

Theo đó, công tác giải quyết việc làm đạt 61,2% kế hoạch năm; dù chưa hết đợt phát động nhưng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa đã đạt 73,5% kế hoạch. Thành phố đã có 14/30 quận huyện không còn hộ nghèo, trong đó có 2 quận không còn hộ nghèo và hộ cận nghèo, tỷ lệ hộ nghèo còn 0,21%; tổ chức cai nghiện ma túy cho người nghiện ma túy đạt 68,1% kế hoạch năm...

Dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, thành phố đã tặng trên 1,4 triệu suất quà cho các đối tượng xã hội với số tiền 616,6 tỷ đồng; tiếp nhận và ra quyết định hưởng trợ cấp BHTN cho 33.360 người với số tiền 830 tỷ đồng.

Quỹ Bảo trợ trẻ em thành phố Hà Nội vận động kinh phí được trên 3,3 tỷ đồng để hỗ trợ cho 4.140 lượt trẻ em. Nhân Tháng hành động vì trẻ em và Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, thành phố đã tổ chức tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em sống trong hộ nghèo.

Đặc biệt, nhằm động viên các cháu thiếu nhi đang ở trong khu cách ly tập trung để thực hiện phòng chống dịch Covid-19, Sở và một số sở ngành trong cụm thi đua đã huy động kinh phí để tặng quà cho 400 trẻ em thuộc diện F1 tại 7 điểm cách ly tập trung…

PV
TAG:
Tin khác
Thanh Hóa: Quan tâm cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động
AEON Việt Nam đẩy mạnh tuyển dụng và mở rộng quy mô năm 2025
Nestlé và PRO Việt Nam thúc đẩy thực hành an toàn vệ sinh lao động trong quản lý rác thải
Thừa Thiên Huế: Giải quyết việc làm gắn với giảm nghèo bền vững
Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Phước: Những giải pháp quan trọng thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp
Một số khó khăn trong thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp ở Bình Phước
Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Phước: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách Bảo hiểm thất nghiệp
Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Phước: Chủ động giải quyết chính sách Bảo hiểm thất nghiệp
Hà Nội: Thị trường lao động cuối năm có nhiều chuyển biến tích cực