Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Trang chủ / Lao động / Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Hà Nội hỗ trợ gần 680 tỷ đồng cho các đối tượng gặp khó khăn do dịch Covid-19
04:40 PM 26/08/2021
(LĐXH)- Thực hiện chính sách của Trung ương, đặc thù của thành phố Hà Nội và huy động xã hội hoá, tính đến cuối ngày 25/8, Hà Nội đã quyết định hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do Covid-19 với tổng kinh phí 679,093 tỷ đồng…
Đây là thông tin được Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương báo cáo tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương về việc đôn đốc triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg quy định hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19 do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức chiều 26/8.
Theo Giám đốc Bạch Liên Hương, trên tinh thần khẩn trương, quyết liệt và sự vào cuộc chỉ đạo sát sao, đồng bộ của cả hệ thống chính trị từ cấp thành phố đến quận, huyện, xã, phường, tổ dân phố với quyết tâm giúp người dân sớm được thụ hưởng chính sách, chia sẻ khó khăn, ổn định cuộc sống, toàn thành phố Hà Nội đã quyết định hỗ trợ cho các đối tượng gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 với tổng kinh phí 679,093 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Nhà nước thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP, Nghị quyết 15/NQ-HĐND là 555,569 tỷ đồng; nguồn vận động xã hội hoá để hỗ trợ các đối tượng ngoài quy định là 123,524 tỷ đồng.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung biểu dương kết quả của thành phố Hà Nội
Cụ thể, thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, Quyết định 3642/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội, các sở, ngành có liên quan và các quận, huyện, thị xã đã ra quyết định hỗ trợ cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 với kinh phí 273,157 tỷ đồng (trong đó, đã thực hiện được 231,004 tỷ đồng).
“Đến nay, toàn thành phố đã phê duyệt và thực hiện hỗ trợ đối với 9 nhóm trong số 12 nhóm chính sách hỗ trợ quy định tại Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg. Hiện tại, còn 3 nhóm chưa có kết quả phê duyệt hỗ trợ do chưa nhận được hồ sơ của đối tượng, gồm: hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật” – Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội, thông tin.
Trước diễn biến dịch bệnh phức tạp và khó lường, nhằm đảm bảo an sinh xã hội đối với người dân trên địa bàn, đặc biệt là người có công với cách mạng, gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người có hoàn cảnh khó khăn, người lao động mất việc làm do dịch bệnh Covid-19, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề xuất thành phố Hà Nội xây dựng cơ chế chính sách đặc thù để hỗ trợ người dân, ổn định cuộc sống trong giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Ngày 13/8/2021, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội đã ký ban hành Nghị quyết số 15/NQ-HĐND quy định một số chính sách đặc thù của thành phố Hà Nội hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với 08 nhóm đối tượng; Nghị quyết số 17/NQ-HĐND quy định nhân sách Nhà nước đảm bảo chi phí thực hiện hỏa táng đối với người tử vong dương tính với SARS-CoV-2 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Sau khi HĐND thành phố ban hành Nghị quyết số 15/NQ-HĐND, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã tham mưu UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 188/KH-UBND để triển khai thực hiện. Hiện nay, Sở đang khẩn trương tiến hành các bước để tham mưu triển khai thực hiện chính sách đối với các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương báo cáo tại Hội nghị trực tuyến (ảnh chụp màn hình) 
Giám đốc Bạch Liên Hương, báo cáo: Tính đến cuối ngày 25/8, các quận, huyện, thị xã đã khẩn trương rà soát và ra quyết định hỗ trợ cho 282.341 người thuộc 03 nhóm đối tượng (đạt khoảng 94% so với số lượng dự kiến), gồm: người có công, đối tượng bảo trợ xã hội và hộ nghèo, cận nghèo với số tiền 282,341 tỷ đồng (trong đó, đã thực hiện chi trả cho 280.469 người, hộ gia đình với số tiền 280,469 tỷ đồng). Hiện các nhóm đối tượng khác, các sở, ngành có liên quan và các quận, huyện, thị xã đã và đang khẩn trương triển khai thực hiện.
Tiếp đó, thực hiện Quyết định 683/QĐ-MTTQ-BTT ngày 29/7/2021 của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội, toàn thành phố đã hỗ trợ 3.431 hộ nghèo không có người trong hộ tham gia thị trường lao động, gia đình gặp khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19 với 3.431 suất quà là nhu yếu phẩm trị giá 3,431 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, với tinh thần "tương thân tương ái", “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, Ủy ban MTTQ các cấp, Liên đoàn Lao động thành phố và một số quận, huyện, thị xã cũng đã huy động nhiều nguồn lực xã hội và quà của các nhà hảo tâm để cùng chung sức hỗ trợ 262.300 lượt người, hộ gia đình còn khó khăn trên địa bàn ổn định cuộc sống với số tiền 120,093 tỷ đồng...
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung biểu dương và ghi nhận những kết quả  thành phố Hà Nội đạt được trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg về việc hỗ trợ người lao và người lao động gặp khó khăn do Covid-19. Đặc biệt, ngoài chính sách chung, Hà Nội đã kịp thời ban hành chính sách riêng, đặc thù và khẩn tương thực hiện hỗ trợ tới người dân và một số đối tượng khác nhằm ổn định cuộc sống, vượt qua khó khăn trước mắt do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Chí Tâm
TAG:
Tin khác
Nestlé và PRO Việt Nam thúc đẩy thực hành an toàn vệ sinh lao động trong quản lý rác thải
Thừa Thiên Huế: Giải quyết việc làm gắn với giảm nghèo bền vững
Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Phước: Những giải pháp quan trọng thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp
Một số khó khăn trong thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp ở Bình Phước
Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Phước: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách Bảo hiểm thất nghiệp
Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Phước: Chủ động giải quyết chính sách Bảo hiểm thất nghiệp
Hà Nội: Thị trường lao động cuối năm có nhiều chuyển biến tích cực
Sóc Trăng: Gắn kết đào tạo nghề với giải quyết việc làm, tạo sinh kế bền vững cho người nghèo
Quảng Ninh: Đẩy mạnh các hoạt động kết nối, giải quyết việc làm cho người lao động