Tiền lương
Trang chủ / Lao động / Tiền lương
Hà Nội giải quyết, phòng ngừa hạn chế tranh chấp lao động và đình công trên cơ sở phát huy vai trò của các bên
03:58 PM 01/10/2018
(LĐXH)-Thành phố Hà Nội là địa bàn tập trung nhiều doanh nghiệp, số lượng lao động lớn, song những năm gần đây trên địa bàn thành phố ít xảy ra đình công và tranh chấp lao động.
Tình hình đình công và những nguyên nhân 
Theo thông tin từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, 9 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn thành phố Hà Nội xảy ra 4 cuộc đình công (Năm 2017, Hà Nội xảy ra 09 cuộc đình công, năm 2016 xảy  ra 09 cuộc đình công ), trong đó các cuộc đình công xảy ra chủ yếu ở doanh nghiệp Nhật Bản, Hoàn Quốc, Đài Loan...  
Phần lớn các cuộc đình công xảy ra ở các doanh nghiệp có quy mô vừa, bình quân số lao động tham gia đình công khoảng 300 người đến 500 người người/cuộc (cuộc có số lao động tham gia ít nhất: 49 người, cuộc có số lao động tham gia đông nhất là 2000 người), diễn biến các cuộc đình công xảy ra ôn hoà hơn.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến chúc mừng năm mới đội ngũ công nhân
Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các cuộc đình công trong năm 2017 và 2018 trên địa bàn thành phố Hà Nội là do doanh nghiệp vi phạm các quy định của pháp luật về lao động như: chậm thanh toán tiền lương, thời giờ làm thêm vượt quá quy định, các kiến nghị liên quan đến lợi ích của người lao động như tăng lương, điều chỉnh tiền lương hàng năm, mức thưởng tết, chất lượng bữa ăn giữa ca, việc sử dụng quỹ của công ty chưa minh bạch…  Vai trò của tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp chưa được phát huy, công đoàn chưa thực hiện tốt vai trò đại diện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; ý thức tổ chức kỷ luật lao động của một bộ phận nhỏ người lao động còn kém.
Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Công tác thanh tra, kiểm tra còn bất cập do lực lượng thanh tra lao động còn mỏng về số lượng, trình độ chưa đồng đều.
Giải quyết đình công trên cơ sở phát huy vai trò của các bên     
Hầu hết các cuộc đình công sớm được giải quyết trong thời gian từ 1-2 ngày, không có tình trạng kéo dài, lan rộng. Khi đình công xảy ra, Tổ công tác liên ngành của các quận, huyện và Sở Lao động TB&XH, Liên đoàn Lao động, Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất... tích cực hỗ trợ, hướng dẫn thương lượng, đối thoại để giải quyết các kiến nghị của người lao động, sớm ổn định tình hình, đưa hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trở lại bình thường, không để các hành động quá khích xảy ra.
Tổ chức thường xuyên các cuộc đối thoại với người lao động, người sử dụng lao động sẽ giúp   bảo đảm hài hòa lợi ích của hai bên, xây dựng quan hệ lao động hài hòa
Để giải quyết, xử lý  và giảm thiểu đình công, nhiều năm qua, Hà Nội đã tăng cường các giải pháp phòng ngừa tranh chấp lao động và đình công. Cụ thể, Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội đã tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành công văn số 3698/UBND-CT ngày 24/5/2013 về việc phân công nhiệm vụ phối hợp giải quyết cuộc đình công không đúng trình tự thủ tục diễn ra trên địa bàn Hà Nội, trong đó hướng dẫn cụ thể việc thành lập Tổ công tác giúp Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã, nhiệm vụ cụ thể của các sở, ban, ngành liên quan thực hiện xử lý cuộc đình công không đúng trình tự thủ tục theo đúng chức năng nhiệm vụ và thẩm quyền, không can thiệp hành chính mà chỉ hỗ trợ, hướng dẫn các bên đối thoại, thương lượng, hòa giải theo quy định của pháp luật, sớm ổn định tình hình sản xuất kinh doanh và trật tự an toàn xã hội. Hiện tất cả các quận, huyện của Hà Nội đều có Tổ công tác liên ngành giải quyết đình công không đúng trình tự, thủ tục. Do đó, khi đình công xảy ra đều được giải quyết kịp thời).
Nhằm hạn chế và phòng ngừa đình công, năm 2018, Sở Lao động Thương binh và Xã hội đã có văn bản số 2094/SLĐTBXH-LĐTBXH  ngày 09/7/2018 về việc phòng ngừa tranh chấp lao động và đình công trên địa bàn thành phố, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho UBND các quận, huyện thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn Pháp luật Lao động và có các biện pháp phòng ngừa nhằm đảm bảo an ninh trật tự  và tạo môi trường lao động hài hòa ổn định tại địa bàn quản lý  .
LĐLĐ Thành phố đã chỉ đạo và phối hợp với LĐLĐ các quận, huyện, thị xã, Công đoàn ngành và Công đoàn cấp trên cơ sở thường xuyên chủ động nắm bắt tình hình đời sống, nguyện vọng của CNLĐ để thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể theo quy định của pháp luật. Các cấp công đoàn thành phố đã  đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động, thực hiện tốt vai trò đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động, tổng hợp thông tin, nguyện vọng của người lao động, báo cáo Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Đối với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, UBND thành phố chỉ đạo đơn vị chủ trì phối hợp với LĐLĐ Thành phố; Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, UBND các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lao động, việc làm và bảo hiểm xã hội cho người lao động người sử dụng lao động; đổi mới nội dung, phương thức để nâng cao hiệu quả tuyên truyền phổ biến pháp luật và ý thức tuân thủ pháp luật của người lao động, người sử dụng lao động. Kết quả: Năm 2018, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với  Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội, Khu công nghệ cao Hà Nội và UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức nhiều lớp tập huấn   và đối thoại những chính sách mới liên quan đến quyền lợi của người lao động nhằm nâng cao nhận thức về quan hệ lao động  của người lao động và người sử dụng lao động qua đó giúp quan hệ lao động hài hòa và ổn định trên địa bàn Thành phố
Đối với UBND các quận, huyện, thị xã, UBND Thành phố chỉ đạo các địa phương, đơn vị kiện toàn và nâng cao năng lực hoạt động của các thành viên tổ công tác xử lý cuộc đình công không đúng trình tự, thủ tục của quận, huyện, thị xã, đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ được phân công; yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra các doanh nghiệp còn nợ đọng tiền lương và bảo hiểm xã hội đối với người lao động để xử lý đúng quy định, đảm bảo quyền lợi cho người lao động đồng thời theo dõi, nắm tình hình tiền lương, tiền thưởng của người lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn quản lý, giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh liên quan lĩnh vực lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội, việc làm tại địa phương; tăng cường năng lực hoạt động của các hòa giải viên lao động trong việc chủ động hỗ trợ thương lượng ngay khi phát sinh các tranh chấp lao động nhằm hạn chế đình công xảy ra.
Đặc biệt, Sở Lao động - TBXH Hà Nội đã thực hiện hiệu quả 02 Đề án: Đề án "Phát triển quan hệ lao động hài hòa và ổn định trong doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2014 - 2020" và Đề án 'Tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp "( giai đoạn II từ năm 2017 đến 2021).
Đồng thời, Sở Lao động - TBXH đã phối hợp với  các ban ngành liên quan đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về lao động, trong đó tập trung vào việc thực hiện các chính sách về tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn và vệ sinh lao động, làm thêm giờ...  Triển khai các giải pháp củng cố hoàn thiện các thiết chế giải quyết tranh chấp lao động và nâng cao vai trò trách nhiệm của hòa giải viên lao động trong việc giải quyết tranh chấp lao động (khi các tranh chấp lao động được hòa giải thành sẽ giảm thiẻu việc xảy ra đình công). Tổ chức thường xuyên các cuộc đối thoại với người lao động, người sử dụng lao động về chính sách pháp luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật An toàn vệ sinh lao động, Luật Việc làm, Luật Công đoàn... nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiệp pháp luật của người sử dụng lao động và người lao động.
 Giải pháp phòng ngừa tranh chấp lao động và đình công trong thời gian tới
Hướng tới bảo đảm điều kiện làm việc, chăm lo đời sống, tạo động lực để người lao động hăng say làm việc sẽ góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, từ đó hạn chế đình công
Để đảm bảo tình hình an ninh trật tự tại nơi làm việc, bảo đảm đời sống, việc làm của người lao động, hạn chế tranh chấp lao động và đình công xảy ra, xây dựng quan hệ hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp, trong thời gian tới, Sở Lao động  - TBXH tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Phát triển quan hệ lao động, góp phần làm chuyển biến tích cực quan hệ lao động tại các các doanh nghiệp”; Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp” giai đoạn 2017-2020.
Sở cũng sẽ phối hợp với tổ chức công đoàn chỉ đạo xây dựng các mô hình điểm về thực hiện quy chế dân chủ cơ sở thông qua đối thoại tại nơi làm việc và tổ chức hội nghị người lao động thường niên nhằm phát huy tốt vai trò trách nhiệm của người lao động trong lao động sản xuất, đồng thời quan tâm chăm lo đến đời sống, việc làm cho người lao động thông qua giải quyết kịp thời các kiến nghị của người lao động; xây dựng mối quan hệ hợp tác giữa người lao động với người sử dụng lao động. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động của doanh nghiệp, xử lý nghiêm khắc những trường hợp cố tình vi phạm pháp luật lao động. Đồng thời Sở Lao động-TBXH, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Liên đoàn Lao động thành phố, Ban quản lý các Khu CN & CX Hà Nội  tham mưu cho UBND có chính sách khuyến khích, ưu tiên các doanh nghiệp cam kết thực hiện chế độ đãi ngộ tốt đối với người lao động khi xem xét thu hút đầu tư nước ngoài, hoặc có các biện pháp thiết thực quan tâm chăm lo cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, nhất là trong dịp Tết cổ truyền; thanh toán đầy đủ tiền lương, tiền thưởng cuối năm cho người lao động, có biện pháp động viên, khuyến khích người lao động sau tết Nguyên Đán sớm trở lại làm việc, hạn chế tình trạng thiếu hụt lao động sau Tết; hỗ trợ công nhân có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện vui Tết; triển khai các biện pháp phát triển nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp tập trung.
Sở Lao động-TBXH, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Liên đoàn Lao động thành phố, Ban quản lý các Khu CN & CX Hà Nội  và chính quyền các quận, huyện trên địa bàn tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động cho người sử dụng lao động, nâng cao ý thức tự giác của chủ doanh nghiệp trong việc  tạo điều kiện thuận lợi cho công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp hoạt động, tăng cường phối hợp chặt chẽ với tổ chức công đoàn cơ sở thực hiện tốt cơ chế đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể làm cơ sở để phát huy quyền và nghĩa vụ của hai bên trong quan hệ lao động, bảo đảm hài hòa lợi ích của hai bên, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định tiến bộ trong doanh nghiệp./.

Mỹ Hằng
     
TAG:
Tin khác
Thời gian nộp hồ sơ, chuyển tiền đóng BHXH, BHYT, cấp giá trị sử dụng thẻ BHYT năm 2025
Hơn 2.700 vị trí việc làm tại Ngày hội việc làm lần 2-2024 tại TP.Thủ Đức
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
Huyện Phú Vang: Triển khai hiệu quả công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Kiên Giang tập trung thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm và giáo dục nghề nghiệp
Huyện Định Hóa: Tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Thành phố Thái Nguyên: Nhiều cơ hội việc làm cho người lao động tại Ngày hội việc làm năm 2024